“Cú đúp” vàng của bóng đá Việt Nam

Truyền hình không thể cho khán giả thấy cảnh sau khi trọng tài nổi hồi còi chấm dứt 120 phút nghẹt thở của trận chung kết, có những cô gái của chúng ta thậm chí đã đứng không nổi để mà ăn mừng, chia vui với các đồng đội. Họ cần sự chăm sóc của các nhân viên y tế ngay trên đường pitse dù trận đấu đã khép lại. Thậm chí, có người đã phải nhập viện cấp cứu ngay sau trận đấu.

Xót xa và tự hào. Đó là cảm giác của người viết khi thấy khuôn hình ấy. Tự hào vì những cô gái của chúng ta đã chiến đấu kiên cường, tận hiến hơn cả 100% sức lực vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Xót xa vì dù gì các chị có là các chiến binh thì vẫn là con gái. Xót xa vì thể lực, sức bền của chúng ta yếu hơn đối thủ, nhưng vẫn phải căng mình chiến đấu.

Theo dõi trận chung kết Rizal Memorial có thể dễ dàng thấy tuyển nữ Việt Nam nhỉnh hơn đối thủ ở các mảng miếng phối hợp cũng như kỹ chiến thuật. Chỉ có điều chúng ta lại lép vế về yếu tố sức bền, thể lực. Hệ quả là chúng ta không ít lần bị đặt vào tình thế hiểm nghèo và chỉ có thể có được chiến thắng 1-0 nghẹt thở trong hiệp phụ.

Chắc chắn, nếu cải thiện được nền tảng thể lực, bóng đá nữ Việt Nam có thể hướng tới những cái đích hơn như tham dự World Cup, như HLV Mai Đức Chung đã đặt mục tiêu ở cuộc họp báo sau trận tranh HCV SEA Games 30.

Thế nhưng, để tạo ra một sự thay đổi về thể lực, đặc biệt đối với các nữ cầu thủ là điều không hề dễ dàng. Bởi nó là kết quả của cả một quá trình bài bản từ tập luyện cho đến dinh dưỡng. Đấy thực sự là một bài toán khó. Nếu không muốn là không thể với bóng đá nữ Việt Nam.

Với sự đầu tư hạn chế, các cô gái lấy đâu ra cơ sở vật chất hiện đại để rèn luyện, nâng cao thể lực khi trở về các địa phương thi đấu. Rồi với thang đãi ngộ bèo bọt, đồng lương vài ba triệu đồng/tháng thì làm sao các cô gái có thể có được một chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao nền tảng thể lực?

Khán giả chắc chắn sẽ rất nhiều người xót xa với mảng đùi sau rách một mảng lớn, rớm máu của Chương Thị Kiều. Thế nhưng, liệu có ai thắc mắc, tại sao thi đấu trên cùng một mặt sân hình ảnh bi tráng ấy lại không xuất hiện ở các tuyển thủ nam? Đó là vì các nam cầu thủ có mặc quần lót đùi bên trong quần thi đấu.

Điều này giúp làm giảm những trầy xướt, vết thương khi xoạc bóng hay ngã trên sân. Vật dụng này rất hữu ích, nhưng các tuyển thủ nữ lại không hề mặc. Đơn giản vì các nữ tuyển thủ làm gì có rủng rỉnh tiền bạc để tự trang bị cho mình như những đồng nghiệp nam.

Vậy đấy! Chỉ 120 phút quả cảm trên sân Rizal Memorial cũng đã khắc họa đầy đủ những hỉ, nộ, ái ố xung quanh môn bóng đá nữ. Ở môn thể thao ấy, chúng ta có những cô gái vàng, những con cháu Bà Trưng - Bà Triệu đầy quả cảm. Nhưng ở môn thể thao ấy cũng là sự thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần.

Cho dù HLV Mai Đức Chung đã ra sức kêu gọi người hâm mộ tới sân cổ vũ các nữ tuyển thủ, nhưng số khán giả đến sân chỉ bằng khoảng 1/2 các trận đấu của đội U22 Việt Nam. Thậm chí, ở trận bán kết tuy thi đấu chung sân với U22 Việt Nam, nhưng sau khi trận đấu của đội nam kết thúc đã có quá nửa khán giả bỏ về thay vì ở lại tiếp tục động viên đội nữ.

Sau chiến công lần thứ 6 giành HCV SEA Games – kỷ lục của giải đấu, đội bóng của HLV Mai Đức Chung đã nhận được sự quan tâm xứng đáng. Tổng số tiền thưởng mà các cô gái được hứa hẹn sẽ nhận được đã lên tới trên 10 tỷ đồng. Đó là những sự động viên quý giá và vô cùng cần thiết.

Nhưng sẽ còn giá trị hơn nữa, nếu người hâm mộ, xã hội có sự đồng hành dài hơi cùng các nữ tuyển thủ. Thay vì chỉ tập trung ở một số thời điểm cao điểm nhất định. Chỉ khi có sự quan tâm ấy, bóng đá nữ mới có thể có được 1 phong trào, 1 nền tảng phát triển vững vàng. Và quan trọng hơn là chỉ có như vậy đời sống của những nữ tuyển thủ mới bớt khó khăn.

Nên nhớ rằng, trước chung kết với Thái Lan, các nữ tuyển thủ từng tâm sự họ không cần tôn vinh, cũng chẳng cần tiền thưởng, mà họ chỉ mong muốn người hâm mộ đến sân thật đông. Một mong muốn giản dị! Nhưng nó lại khiến bất kì ai cũng phải cảm thấy day dứt. Phải chăng phần đông trong chúng ta đã bỏ rơi, lãng quên họ quá lâu rồi? Và đáng buồn hơn nữa là chỉ thực sự ở bên họ khi họ giành vinh quang?

Kể từ khi hội nhập với sân chơi SEA Games năm 1991 cũng trên đất Philippines, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến rất dài, thậm chí lột xác. Từ chỗ tham dự với tâm thế cọ xát, học hỏi, chúng ta đã vươn lên trở thành 1 thế lực của khu vực. Sau SEA Games 2003 được tổ chức trên sân nhà, thể thao Việt Nam đã liên tục góp mặt trong Top 3 tại mỗi kì đại hội.

Từ chiến lược phải “đi tắt đón đầu” với các môn ít quốc gia theo đuổi, thể thao Việt Nam đã cạnh tranh sòng phẳng, sở hữu những kỷ lục ở những môn cứng của các kì Olympic như điền kinh và bơi lội. Duy chỉ có một điều khiến các chiến công ở các kì SEA Games của thể thao Việt Nam chưa trọn vẹn. Đó là chúng ta vẫn chưa 1 lần giành được HCV ở môn thể thao vua: bóng đá nam.

Tấm HCV bóng đá nam giống như một lời nguyền khó hiểu đối với chúng ta. Trong khi đội tuyển bóng đá nữ đã có lần thứ 6 đứng trên bục nhận HCV, thì đội tuyển nam lại nhiều lần bỏ lỡ dù đã đứng trước ngưỡng cửa “thiên đường”.

Tính đến trước trận chung kết, chúng ta đã có 5 lần lọt vào chung kết bóng đá nam SEA Games. Nhưng tất cả đều là những kỷ niệm buồn. Bất kể là đội tuyển quốc gia hay sau này là U23 rồi U22 thì chúng ta vẫn đều phải nhận kết cục thất bại.

Vì thế, tấm HCV SEA Games thực sự nỗi ám ảnh dai dẳng với nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam. Liệu sau trận đấu với Indonesia, chúng ta có quên đi được nỗi đau ấy?

Câu trả lời là không phải lúc này thì còn lúc nào. Có ý kiến lo ngại U22 Việt Nam có thể đi vào vết xe đổ của kì SEA Games 2009. Khi ấy, chúng ta cũng tràn trề hi vọng vô địch. Bởi đối thủ trong trận chung kết chỉ là Malaysia bị đánh giá yếu hơn và đã thua Việt Nam tâm phục khẩu phục ở vòng bảng.

Tuy nhiên, rốt cuộc các chàng trai Việt Nam khi ấy lại bất ngờ gục ngã đầy tiếc nuối ở trận đấu cuối cùng, sau những sai lầm không đáng có ở hàng thủ.

Hành trình của thày trò HLV Park Hang-seo tại Philippines khá giống với 10 năm trước. U22 Việt Nam được xem là đội bóng mạnh nhất giải. Đồng thời cũng đã hạ Indonesia ở vòng bảng. Và cũng như 10 năm trước, lần này chúng ta lại tham dự SEA Games sau khi vừa chinh phục thành công chức vô địch AFF Cup.

Chính những sự trùng hợp ấy khiến không ít người hâm mộ cảm thấy lo lắng, e ngại cái dớp “chết” trước cửa thiên đường sẽ lặp lại. Nhưng thực tế, U22 Việt Nam hiện nay là một đội bóng có bản lĩnh thi đấu rất tốt. Đây là một tập thể đã được trui rèn ở nhiều giải đấu ở nhiều cấp độ từ thế giới, châu lục cho đến khu vực như World Cup U20 thế giới, ASIAD, ASIAN Cup, giải U23 châu Á, AFF Cup...

Ở bất kì sân chơi nào, các chàng trai dù còn rất trẻ vẫn chứng tỏ được bản lĩnh, ý chí và khí phách của con người Việt Nam.

Chẳng đâu xa, ở SEA Games 30, các học trò của thầy Park cũng đã nhiều lần vượt khó thành công. Họ luôn biết chứng tỏ đẳng cấp một cách đúng lúc. Điển hình như những cú lội ngược dòng ngoạn mục trước Indonesia rồi Thái Lan, hay chiến thắng 1-0 nghẹt thở trước Singapore.

Bản lĩnh và sự chững chạc ấy là thứ mà người hâm mộ Việt Nam ít được thấy trong quá khứ. Thế nên, chẳng có lí do gì mà không tin vào một chiến thắng cho U22 Việt Nam. Nhất là khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều thuộc về đoàn quân của HLV Park Hang-seo. Indonesia đã phải trải qua trận bán kết kéo dài 120 phút rất mất sức trước Myanmar. Trong khi đó, các CĐV Việt Nam hứa hẹn sẽ nhuộm đỏ khán đài sân Rizal Memorial như thường lệ để tiếp sức cho đội nhà.

Indonesia là một đối thủ đáng gờm, nhưng không phải là khó chơi đối với U22 Việt Nam. Sự lợi hại của Indonesia nằm ở khả năng khoan phá tại 2 biên. Nhưng các đội bóng được HLV Park Hang-seo dẫn dắt luôn có khả năng phòng ngự ở cánh rất tốt. Chỉ cần là chính mình, U22 Việt Nam sẽ đi đến tận cùng khám phá, mở ra 1 cột mốc mới cho bóng đá Việt Nam. Chắc chắn là như thế...

Chiếc HCV thực sự là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của U22 Việt Nam. 7 trận đấu trong vòng độ nửa tháng, trên mặt sân cỏ nhân tạo vốn hoàn toàn xa lạ với cầu thủ Việt. Chấn thương, đổ máu, thể lực hao tổn... nhưng U22 Việt Nam vẫn mạnh mẽ, tự tin tiến về đích với một ý chí, nỗ lực phi thường và một sức mạnh chuyên môn thuyết phục. Sự chuẩn bị công phu của ban huấn luyện; sự hi sinh, lao động, tập luyện bền bỉ trong cả 1 thời gian dài của các tuyển thủ cuối cùng cũng đã hái được quả ngọt. Nhưng trong đêm Manila lịch sử ấy không chỉ có đội U22 Việt Nam chiến thắng...

Bây giờ không ai có thể nghi ngờ gì về sự thống trị của Việt Nam trong khu vực. Trong vòng 1 năm, thầy Park và các học trò đã đăng quang cả AFF Cup lẫn SEA Games, lần lượt vượt qua tất cả các đối thủ. Đến thời điểm này, HLV Park Hang-seo vẫn bất bại trước các đội bóng Đông Nam Á. Đoàn quân của chiến lược gia Hàn Quốc bây giờ là thách thức cho bất cứ đối thủ nào.

Vượt qua ẩn ức SEA Games, “ao làng” đã ở lại phía sau, giờ là lúc bóng đá Việt Nam yên tâm hướng đến những mục tiêu lớn hơn ở tầm châu lục và quốc tế. Những cầu thủ như Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Hà Đức Chinh, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Thành Chung… chính là hiện tại và tương lai. Họ, sau khi đã rũ bỏ nỗi ám ảnh SEA Games của cả một nền bóng đá lại phía sau, chắc chắn sẽ còn tiến rất xa.