"Bộ mặt" Trung Đông sau những cái bắt tay Israel - Arab

Ngày 15/9, tại Nhà Trắng giữa Thủ đô Washington D.C. của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chính thức đặt bút ký kết các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với hai quốc gia Arab vùng Vịnh, là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Reuters, thỏa thuận mới giữa UAE và Israel có tên gọi Hiệp ước Abraham. Dù các nước này đã âm thầm duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại từ lâu, song văn kiện mới cho phép các nước chính thức thực thi các bước đi như thành lập đại sứ quán, mở tuyến đường hàng không, thiết lập thỏa thuận thương mại, du lịch, an ninh và hợp tác tình báo.

Bahrain và UAE, tuy nhỏ bé nhưng giàu dầu mỏ. Tương tự, Israel không có dân số đông nhưng có nền kinh tế sôi động và sở hữu nhiều sản phẩm công nghệ cao. Một động lực khác cho UAE là việc Mỹ sẽ chấp thuận cung cấp cho họ máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay tác chiến điện tử EA-18 và máy bay không người lái Reaper nhằm hiện đại hóa quân đội, khi thỏa thuận có hiệu lực.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chính thức đặt bút ký kết các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với hai quốc gia Arab vùng Vịnh, là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain.

Từ phía Israel, nước này đưa ra nhượng bộ bằng việc tạm đình chỉ kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu khẳng định không từ bỏ vĩnh viễn việc sáp nhập này. Nhượng bộ của Israel được xem là khá bé nhỏ, vì dù sao các kế hoạch thôn tính Bờ Tây và lãnh thổ của người Palestine, vốn được xác lập theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đang bị cộng đồng quốc tế phản đối.

Với bước đi mới nhất, Bahrain và UAE đã trở thành hai quốc gia Arab thứ 3 và thứ 4 phá vỡ lời thề của giới Arab là chỉ công nhận nhà nước Israel trước khi có thoả thuận hoà bình giữa Israel và Palestine. Bình luận về thỏa thuận mới, Thủ tướng Israel Netalnyahu từng gọi đây là bước đi “biến sa mạc khô cằn thành vùng đất nở hoa”. Tại lễ ký, ông Netanyahu dành lời cám ơn đến Tổng thống Mỹ Donald Trump vì kiên định đứng về phía Israel.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã chúc mừng Israel, UAE và Bahrain vì “thành quả vượt trội” trong việc nhất trí bình thường hóa quan hệ. “Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đã vừa ghi dấu buổi bình minh mới của một Trung Đông mới”, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố.

Giữa Israel và UAE, Bahrain không có chiến tranh, nhưng nhiều người vẫn gọi Hiệp ước Abraham là một thỏa thuận hòa bình, bởi lẽ văn kiện mới giữa Israel, UAE và Bahrain sẽ đóng vai trò quan trọng trong thiết lập một cục diện mới ở Trung Đông, mở đường cho mối quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab khác.

Cần nhắc lại rằng, UAE và Bahrain là hai quốc gia vùng Vịnh chịu ảnh hưởng lớn về chính trị từ phía Arab Saudi. Người ta nói rằng, các thỏa thuận sẽ không thể được chấp thuận nếu không có cái gật đầu từ phía Riyadh. Tại lễ ký ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng Arab Saudi cũng sẽ đạt thỏa thuận với Israel "vào thời điểm thích hợp”, nói thêm rằng “ít nhất 5 hoặc 6 quốc gia sẽ rất nhanh chóng" thiết lập thỏa thuận của riêng họ với Israel.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến nhận định thành tựu từ “những cái bắt tay” trong quá khứ giữa các nước trong khối Arab và Israel đã góp phần tạo ra động lực lớn và bối cảnh phù hợp cho Bahrain và UAE tìm kiếm một mối quan hệ tích cực với Nhà nước Do Thái.

Từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập ở Trung Đông năm 1948, Israel và các nước trong khối Arab ở Trung Đông đã trải qua nhiều cuộc xung đột đẫm máu, trong đó có ít nhất 4 cuộc chiến mang quy mô khu vực.

Nhìn chung, cả hai bên đều hứng chịu thiệt hại đáng kể về người, tài sản vì chiến tranh, song Israel luôn mở rộng kiểm soát về đất đai sau những lần xung đột. Trong nhiều thập kỷ, các nước Arab đều coi Israel là đối thủ nguy hiểm nhất, chối bỏ Nhà nước Do Thái và kiên quyết mục tiêu thành lập nhà nước Palestine trước khi công nhận Israel.

Israel và các nước trong khối Arab ở Trung Đông đã trải qua nhiều cuộc xung đột đẫm máu, trong đó có ít nhất 4 cuộc chiến mang quy mô khu vực.

Tuy nhiên, thế đối đầu này có dấu hiệu lung lay vào năm 1977, chưa đầy 4 năm sau Chiến tranh Yom Kippur (giữa một phe là Israel và phe kia gồm Ai Cập, Syria nhưng nhận hậu thuẫn của các nước Arab), khi Tổng thống Ai Cập Anwar el-Sadat trở thành nhà lãnh đạo Arab đầu tiên đến Jerusalem gặp Thủ tướng Israel Menachem Begin và phát biểu trước Quốc hội Israel.

Tổng thống Ai Cập Anwar el-Sadat phát biểu trước Quốc hội Israel.

Hành động của ông Anwar el-Sadat gây ra cơn bão chỉ trích trong cả khối Arab. Năm 1978, el-Sadat gặp Begin ở Mỹ để thảo luận về một thỏa thuận cùng Tổng thống chủ nhà Jimmy Carter về khả năng bình thường hóa quan hệ và đạt được đồng thuận chung. Đồng thuận này đặt nền móng cho hiệp ước hòa bình chính thức vào năm 1979, cũng được kí tại Nhà Trắng.

Các điểm chính của hiệp ước lịch sử này là việc Ai Cập và Israel chính thức công nhận lẫn nhau, chấm dứt tình trạng chiến tranh đã tồn tại từ cuộc xung đột khu vực nổ ra năm 1948 giữa Israel và các nước Arab.

Theo văn kiện, Israel rút toàn bộ lực lượng khỏi Bán đảo Sinai, khu vực của Ai Cập mà nước này chiếm được trong cuộc chiến Sáu ngày năm 1967 và bảo vệ thành công trong chiến tranh Yom Kippur. Việc được trao trả lại Bán đảo Sinai được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy Ai Cập tìm kiếm thỏa thuận với Israel.

Ở chiều ngược lại, Ai Cập đồng ý cho phép tàu bè Israel đi qua kênh đào Suez miễn phí và công nhận Eo biển Tiran và Vịnh Aqaba là tuyến đường thủy quốc tế…

Tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat, Thủ tướng Israel Menachem Begin,Tổng thống Mỹ Jimmy Carter bắt tay nhau sau khi ký Hiệp định Trại David tại Nhà Trắng.

Năm 1981, el-Sadat bị các tay súng Hồi giáo cực đoán ám sát tại Cairo, nhưng tiến trình hòa bình được những người kế nhiệm ông tiếp tục. Năm 1982, Ai Cập chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và xây dựng mối quan hệ ngày càng ổn định với quốc gia cựu thù.

Đến ngày nay, khi nhìn nhận lại hành động của Ai Cập, giới quan sát đều thừa nhận rằng đây là một bước đi cần thiết. Cả Cairo và Tel Aviv đều hưởng lợi từ quan hệ ngoại giao khi có thể gạt bỏ bớt các mối lo an ninh từ đối phương, tăng cường giao thương, phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố và điều phối các mối quan hệ liên quan đến Mỹ ở khu vực.

Nhiều năm qua, thông qua các kênh đối thoại nhiều chiều, Ai Cập cũng đã chứng minh được vai trò trung gian hòa giải trong nỗ lực thiết lập hòa bình giữa Israel và Palestine, gần nhất là thỏa thuận ngừng bắn đạt được tháng 5/2019 giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas của người Palestine kiểm soát Dải Gaza.

Năm 2014, chính những nỗ lực của Cairo cũng đã chấm dứt tiếng súng giữa Hamas và Israel, trong cuộc xung đột khiến hơn 1.500 người bỏ mạng. Ngoài ra, Ai Cập đã góp sức đáng kể trong các cuộc đối thoại giữa các phe phái của người Palestine.

Thỏa thuận thứ hai mà một quốc gia Arab đạt được với Nhà nước Do Thái là vào năm 1994, khi nhà vua Hussein bin Talal của Jordan và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký hiệp ước hòa bình lịch sử chấm dứt tình trạng giao tranh giữa hai quốc gia, sau cái bắt tay lịch sử ở Nhà Trắng.

Theo Brookings, văn kiện này được kí kết trong bối cảnh vào những năm 1990, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Israel đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm hòa bình, dưới sự bảo trợ của chính quyền Mỹ và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế tại Oslo, Thụy Sĩ.

Jordan từ lâu có quan hệ tốt đẹp với Mỹ và mong muốn tìm kiếm khả năng thiết lập bang giao với Israel. Jordan cũng từng nhiều năm công khai ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel.

Mùa Thu năm 1993, vua Hussein được thông báo PLO và Israel đang có các cuộc đối thoại bí mật ở Oslo; còn Syria cũng đang tiếp xúc với Tel Aviv thông qua Mỹ. Nhận thấy mình “không đơn độc” trong nỗ lực này và có thể dựa vào các cuộc đàm phán giữa PLO và Israel để khẩn trương tìm kiếm quan hệ với Israel mà không lo sợ phản ứng dữ dội từ các nước Arab, vua Hussein đã hành động.

Tháng 4/1994, các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu. Washington trợ giúp đắc lực cho tiến trình này và cam kết chuyển giao máy bay F-16 cho Jordan như một động lực. Tháng 7/1994, trên bãi cỏ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố Israel và Jordan đã đạt thỏa thuận. Tháng 10 cùng năm, văn kiện được kí kết.

Quốc vương Jordan Hussein, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký kết Hiệp ước Hòa bình Israel-Jordan.

Giới quan sát từng coi các cuộc đàm phán giữa khối Arab và Israel vào giai đoạn này là sự khởi đầu cho hòa bình thực sự giữa Israel và các nước láng giềng. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Israel Rabin đã bị ám sát bởi Yigal Amir, kẻ cho rằng Rabin muốn “trao đất nước cho người Arab”, chính quyền Tel Aviv bắt đầu theo đuổi đường lối cứng rắn hơn dưới thời Netanyahu.

Đến ngày nay, ngoại trừ hiệp ước Jordan-Israel, các cuộc đàm phán giữa Tel Aviv và các chính quyền Arab vùng Vịnh được khởi động trong giai đoạn này về sau đều đã thất bại hoặc bị đình trệ nghiêm trọng, bao gồm các cuộc đàm phán về Hiệp định hòa bình Oslo năm 1993 giữa Israel và PLO. Giới quan sát kì vọng những bước đi ngày nay ở Trung Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể mở ra một giai đoạn mới, với những cuộc đàm phán hiệu quả hơn giữa Israel và khối Arab.

Các thỏa thuận được cho là chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Mỹ Trump, trong bối cảnh cuộc bầu cử ở nước này chỉ còn cách chưa đầy hai tháng. Ông chủ Nhà Trắng gần đây hai lần được đề cử giải Nobel Hòa bình, từ các nghị sĩ Na Uy và Thụy Điển, vì nỗ lực hòa giải tại Trung Đông và vùng Balkan. Khả năng ông thắng giải rất cao.

Với Israel và các nước Ai Cập tham gia ký kết, văn kiện mới rõ ràng mở ra kỷ nguyên mới cho mối hợp tác với họ. Các nước này cũng tuyên bố rằng việc tìm kiếm thỏa thuận với Israel không ảnh hưởng tiêu cực mà thậm chí giúp cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Theo AFP, UAE cách đây vài ngày khẳng định vẫn ủng hộ mạnh mẽ người dân Palestine tạo ra một nhà nước độc lập ở khu vực Bờ Tây, Đải Gaza và Đông Jerusalem. UAE cho rằng, thỏa thuận với Israel sẽ giúp ích cho giải pháp hai nhà nước trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 70 năm giữa Israel - Palestine.

Tuy nhiên, Palestine không tin lập luận đó, coi thỏa thuận giống như sự phản bội. Nhà chức trách Palestine cách đây không lâu cho biết, họ chưa từng được tham vấn trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8 lần đầu thông báo việc Israel và UAE đạt được thỏa thuận bình thường hóa đầy đủ quan hệ ngoại giao.

Mang theo cờ của Palestine và đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm COVID-19, người biểu tình đã tụ tập tại các thành phố Nablus và Hebron ở khu Bờ Tây và Dải Gaza. 

Palestine lo ngại rằng việc liên tiếp các nước phá vỡ đồng thuận trong thế giới Arab về việc một thỏa thuận hòa bình với Palestine là điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái, khiến triển vọng thành lập nhà nước Palestine ngày càng mong manh.

Khaled Elgindy, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông và là cựu cố vấn cho các nhà lãnh đạo Palestine, cảnh báo, bước đi của UAE và Bahrain sẽ tạo hiệu ứng Domino, và cuối cùng, Arab Saudi có thể đạt thỏa thuận với Israel mà không đặt ra điều kiện có ý nghĩa nào cho Palestine.

“Thông điệp rất rõ rồi: Palestine phải tự thân vận động thôi”, ông Elgindy bình luận, nói thêm rằng điều đó sẽ xóa bỏ triển vọng Israel tiến tới việc chấp nhận nhà nước Palestine hoặc chấm dứt sự chiếm đóng trên các vùng đất của người Palestine, được phân định theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Mang theo cờ của Palestine và đeo khẩu trang xanh da trời để phòng lây nhiễm COVID-19, người biểu tình đã tụ tập tại các thành phố Nablus và Hebron ở khu Bờ Tây và Dải Gaza. Một cuộc biểu tình tương tự tại thành phố Ramallah (thuộc Bờ Tây), nơi đặt trụ sở của chính quyền Palestine, cũng được lên kế hoạch.

Đêm 15/9, việc nhiều rocket được phóng đi từ Dải Gaza nhằm vào Israel cùng tuyên bố không dừng đấu tranh của Hamas, khiến người ta lo ngại nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột đẫm máu mới ở khu vực, giống như những gì xảy ra khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cách đây vài năm.

Với Iran, quốc gia bị Israel coi là đối thủ lớn nhất, việc có thêm các nước Arab kí thoả thuận hoà bình với Tel Aviv có thể trở thành “cơn ác mộng thật” sự. Thỏa thuận giữa UAE, Bahrain và Israel cũng phần nào cho thấy những liên minh mới đang hình thành ở Trung Đông giữa những quốc gia cảm thấy không hài lòng với Iran, khi mà vấn đề Palestine trở thành thứ yếu trong tính toán của các quốc gia Arab.

Tehran gần đây lên án hành động của UAE và Bahrain. "Sự phản bội của UAE sẽ không kéo dài nhưng sự kỳ thị sẽ luôn được ghi nhớ. Họ đã… quên đi người Palestine", Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói, theo Reuters.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng, việc các nước Arab xích lại gần Israel dưới sự bảo trợ của Mỹ cũng sẽ trở thành quân bài chiến lược gia tăng sức ép tối đa của Tổng thống Donald Trump lên Iran. Nhà lãnh đạo Mỹ tự tin ông sẽ có thoả thuận với Iran nếu tái đắc cử vào tháng 11 tới, dù Iran lâu nay kiên quyết bác bỏ mọi khả năng đối thoại với Washington.