10 sự kiện an ninh-chính trị nổi bật thế giới năm 2019

Sáng 7-6-2019 (giờ địa phương), tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đã công bố Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu 192/193, số phiếu cao kỷ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của LHQ. Việc Việt Nam nhận được số phiếu kỷ lục đã thể hiện sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam, cũng như những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong quá trình đổi mới. 

5 tháng sau đó, ngày 4-11, tại Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đại diện Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 từ Thủ tướng Thái Lan. Truyền thông thế giới nhận định, việc đảm nhận cùng lúc hai vai trò quan trọng đã khẳng định Việt Nam không chỉ là một đối tác tin cậy vì nền hòa bình bền vững, mà còn là một thành viên trách nhiệm, tiên phong trong khu vực, luôn nỗ lực và kiên trì đóng góp cho hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung.

Biển Đông, một trong những vùng biển chiến lược quan trọng nhất thế giới, tiếp tục trở thành chủ đề nóng trong suốt năm 2019, với những diễn biến tranh chấp liên tiếp xảy ra. Từ tháng 7 vừa qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm và thăm dò địa vật lý trên vùng biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. 

Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia... công khai đề cập đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, bày tỏ quan ngại về các yêu sách, quyền lịch sử và yêu sách lịch sử đối với tài nguyên biển, cho rằng mọi yêu sách cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không phải được bảo đảm, kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế mà không bị cưỡng bức, đe doạ. Về phía mình, Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan không tái diễn các vi phạm và tránh có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.

Tổng thống Donald Trump là ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng, nhưng đồng thời cũng là Tổng thống thứ 4 của nước này đối mặt với các điều khoản luận tội. Ngày 10-12-2019, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ dẫn đầu đã công bố 2 điều khoản luận tội Tổng thống Trump, cáo buộc ông lạm quyền và cản trở Quốc hội. Động thái này đánh dấu đỉnh điểm của một cuộc điều tra căng thẳng nhằm vào những hoạt động được cho là mờ ám của Tổng thống Donald Trump với Ukraine. 

Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực của thông qua hành động giữ lại khoản viện trợ an ninh trị giá gần 400 triệu USD dành cho Ukraine để ép nước này mở cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ chính trị của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020. Tổng thống Trump phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, đồng thời gọi cuộc điều tra luận tội là “cuộc săn phù thủy”.

Kể từ cuộc gặp đầu tiên hồi tháng 6-2018 tại Singapore, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đã có 2 cuộc gặp chính thức trong năm 2019, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội và một cuộc gặp đầy bất ngờ tại Khu phi quân sự tại biên giới Hàn Quốc-CHDCND Triều Tiên. Cũng từ năm 2018, đã có đến 3 Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Tuy nhiên, đến nay những tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình dường như vẫn giậm chân tại chỗ. 

Trong những tháng cuối năm 2019, Triều Tiên tiếp tục có nhiều động thái bị cho là “gây hấn” như hai vụ thử nghiệm "vô cùng quan trọng" tại bãi phóng Sohae, còn được biết đến là bãi Dongchang-ri và vụ bắn hai tên lửa ngày 28-11-2019 được ví  như “một lời nhắc nhở” đối với Washington về hạn chót là cuối năm 2019 để thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa... Các chuyên gia Mỹ nhận định, Triều Tiên có nhiều khả năng còn tiếp tục tiến hành thêm các cuộc phóng thử tên lửa nữa, như tên lửa Hwasong-15 hiện đại nhất, để bày tỏ sự không hài lòng đối với Mỹ.

Trải qua nhiều lần “ăn miếng trả miếng” cùng hơn chục vòng đàm phán trong suốt 22 tháng kể từ khi thương chiến nổ ra, cuối cùng, ngày 13-12-2019 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington và Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận giai đoạn một và “Trung Quốc đồng ý thay đổi nhiều về cấu trúc và mua một lượng lớn nông sản, các mặt hàng công nghiệp và năng lượng cũng như nhiều mặt hàng khác”.

Ông chủ Nhà trắng khẳng định sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15-12-2019, đồng thời cho biết thêm, thuế quan 25% đã được áp dụng đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trước đây vẫn sẽ được giữ nguyên trong khi mức 15% với 120 tỷ USD hàng hóa khác trước đó sẽ giảm một nửa xuống còn 7,5%.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ lập tức bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Bắc Kinh. Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết, họ hy vọng sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tuần đầu tiên của tháng 1-2020.

Một năm sau ngày Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), Iran ngày 8-5-2019 thông báo khởi động các bước đi giảm thực thi cam kết đã nêu trong thỏa thuận để đáp trả Mỹ và gây áp lực yêu cầu Châu Âu thực hiện lời hứa giúp Tehran chống lại các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà Washington tái áp đặt. 

Tính đến nay, Iran đã thực hiện bốn bước giảm cam kết, trong đó có việc làm giàu uranium vượt ngoài giới hạn cho phép về cả tỷ lệ làm giàu và trữ lượng so với thỏa thuận 2015. Trước hành động của Tehran, các cường quốc thế giới còn lại trong thỏa thuận 2015 mới đây nhóm họp và đã yêu cầu Iran ngưng các hoạt động vi phạm JCPOA để tránh căng thẳng gia tăng, đồng thời cảnh báo áp đặt trở lại một số biện pháp cấm vận Iran. Tuy nhiên, Iran sau đó khẳng định sẽ có bước đi cứng rắn nếu bị cộng đồng quốc tế trừng phạt trở lại, đẩy JCPOA vào nguy cơ sụp đổ toàn diện.

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2-8-2019, sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, một cáo buộc mà Điện Kremlin bác bỏ. INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Căng thẳng liên quan tới INF khiến quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên tồi tệ hơn kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991. Mỹ hôm 12-12 đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo, loại tên lửa trước đây bị cấm bởi INF. Đây là lần thứ hai Lầu Năm Góc thử nghiệm các tên lửa như vậy. 

Một số chuyên gia tin rằng sự sụp đổ của hiệp ước có thể làm suy yếu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác, đồng thời khiến hệ thống toàn cầu – ra đời nhằm ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí hạt nhân - mau chóng bị xói mòn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong tháng 12-2019 tới Washington để gặp Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo, nhắc lại đề nghị của Moscow, qua đó gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí START mới giữa hai nước. Về phần mình, hai ông Trump và Pompeo nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức một cuộc đối thoại chiến lược bao gồm cả Trung Quốc.

Khối quân sự lớn nhất thế giới, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhóm họp thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập vào đầu tháng 12-2019 trong bối cảnh tinh thần đoàn kết biến mất do loạt căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh liên quan đến vấn đề ngân sách quốc phòng, căng thẳng trong quan điểm của các nước châu Âu với nhau về cách tiếp cận các vấn đề nội khối hay những tranh cãi không có điểm dừng xung quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa phòng không của Nga, tuyên bố NATO “chết não” của Tổng thống Emmanuel Macron. 

Kết thúc cuộc gặp ở Anh, 29 thành viên NATO ra được tuyên bố chung, trong đó nêu tên Trung Quốc như một đối thủ mới nổi. Tuy nhiên, các nước NATO sẽ khó đề ra được chiến lược chung quyết liệt nào, khi mà nhiều nước châu Âu rất cần công nghệ từ Bắc Kinh như công nghệ 5G. Theo các nhà phân tích, dù liên minh quân sự 70 tuổi vẫn được đánh giá là khó sụp đổ, song trước những mâu thuẫn hiện nay, NATO thực sự đứng trước thử thách rất lớn về khả năng duy trì sức mạnh răn đe và vị thế trên các bàn đàm phán quốc tế.

Đã 3 năm trôi qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, tưởng như cuộc ly hôn giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), vốn được gọi là Brexit, đã có thể ngã ngũ, nhưng cái kết đẹp vẫn không tồn tại, khi nước Anh đã không thể rời EU đúng thời hạn 29-3 và phải lùi hạn chót đến ngày 31-10. Trong khi đó, thỏa thuận Brexit do chính phủ của Thủ tướng Theresa May soạn thảo, mặc dù đã nhận được cái gật đầu từ EU, song đã bị Quốc hội từ chối thông qua tới 3 lần liên tiếp, buộc nữ Thủ tướng phải từ chức, rời khỏi số 10 Downing, nhường vị trí của mình cho ông Boris Johnson. 

Sự xuất hiện của tân Thủ tướng với những thay đổi mạnh mẽ trong thỏa thuận Brexit, đáng tiếc, vẫn không thể khiến gió đảo chiều trên chính trường, buộc nước Anh phải tiến hành một cuộc bầu cử Quốc hội sớm, được kỳ vọng sẽ mở đường cho những tham vọng rời EU bằng mọi giá của Thủ tướng Boris Johnson. Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội, dù đi theo hướng nào, vẫn bị các chuyên gia dự đoán rằng sẽ tiếp tục mang đến kịch bản đầy bất định cho tiến trình Brexit, và nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Anh.

Đỉnh điểm của những cuộc xuống đường đòi quyền lợi tại khu vực Nam Mỹlà việc Tổng thống thổ dân Evo Morales của Bolivia phải xin từ chức và đến Mexico tị nạn. Ông Morales từng là Tổng thống tại vị lâu nhất tại quốc gia Nam Mỹ này, tuy nhiên, trong cuộc bầu cử ngày 20-10-2019, kết quả bầu cử cho thấy ông Morales đã giành chiến thắng trong vòng đầu tiên, nhưng phe đối lập không công nhận trong khi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) nghi ngờ về kết quả này. 

Trước sức ép từ các cuộc biểu tình biến tấu thành bạo lực cũng như lời khuyên từ các tướng lĩnh quân đội, ông Morales đệ đơn từ chức. Phó Chủ tịch Thượng viện Jeanine Anez tự xưng làm Tổng thống lâm thời, tuy nhiên, tình hình tại Bolivia không được cải thiện khi những người ủng hộ ông Morales, chủ yếu là những người nông dân trồng cây coca, lại đổ về thủ đô La Paz để biểu tình. Tổng thống thổ dân tiếp tục tuyên bố rằng nếu người dân Bolivia muốn ông trở về, ông sẽ trở về.