Từ con nghiện trở thành Phó Công an xã

Thứ Ba, 09/11/2004, 18:40

Sự kiệt quệ về kinh tế, sự ghẻ lạnh của dư luận tưởng chừng làm thui chột số phận một con người. Vậy mà anh Bùi Đình Hảo đã vượt qua tất cả bởi nghị lực của bản thân, sự giúp đỡ của những người biết tin ở con người.

Nhập ngũ năm 1977, sau 6 năm với quân hàm Thiếu úy, Bùi Đình Hảo xin phục viên về quê (Thôn Phong Cốc, xã Minh Đức, Mỹ Hào, Hưng Yên) nuôi mẹ già và con nhỏ. Hai vợ chồng cấy gần một mẫu ruộng, quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Bao đêm Hảo suy nghĩ nhưng vẫn chưa tìm được hướng thoát nghèo. Ở địa phương có nghề mộc truyền thống nên Hảo mạnh dạn thế chấp nhà, vay mượn vốn, chạy ngược chạy xuôi lên các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Sơn La tìm mối hàng.

Qua nhiều năm, Hảo trở thành người cung cấp gỗ cho hàng trăm cơ sở sản xuất trong vùng. Trước sức ép của thị trường Đông Âu những năm 90 của thế kỷ trước, nghề mộc dần thu hẹp, công việc của Hảo cũng bị ảnh hưởng. Thời gian này, quốc lộ 5 được mở rộng đã tác động tới tốc độ đô thị hóa ở Minh Đức và một số xã ven đường. Các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển, nhu cầu san lấp mặt bằng càng sôi động. Hảo đầu tư vào mua sắm ôtô, thuê nhân công và chuyển hẳn sang nghề cai thầu đổ đất.

Mỗi ngày, ngoài số tiền trả nhân công, Hảo thu về cho mình từ 450 - 500 nghìn đồng (tương đương một chỉ vàng hồi đó). Vài năm làm chủ thầu cùng đội thợ trên dưới 50 người, mới ngoài 30 tuổi, chỉ sau vài năm, Hảo đã có trong tay hàng nghìn mét vuông đất có giá trị ven quốc lộ 5, cùng đồ đạc, tiện nghi sinh hoạt khá đắt tiền trong nhà.

Hảo được mệnh danh là tỷ phú làng, giàu vào bậc nhất nhì xã Minh Đức. Nhưng rồi, gặp lại chúng bạn đãi vàng năm nào, vui trong chén rượu, Hảo bị lôi cuốn vào ma túy, mỗi ngày hút đến cả trăm nghìn đồng. Sẵn tiền, Hảo còn lao vào cờ bạc, ban đầu chỉ là mua vui, sau như con thiêu thân. Có lần thua bạc, Hảo bán ngay chiếc xe Dream Thái vừa mua hơn 29 triệu đồng.

Nghiện ma túy lại đam mê cờ bạc, gia sản bấy lâu gây dựng lần lượt đội nón ra đi. Chỉ đến khi còn trơ lại 3 gian nhà trống hơ trống hoác và hàng ngày chủ nợ đến đòi tiền, Hảo mới giật mình. Mẹ già từng ngày héo úa thất vọng vì con. Chị Nghĩ (vợ Hảo) lầm lũi bên mấy sào ruộng khoán. Đàn con nheo nhóc chỉ dám đứng nhìn cha từ xa.

Đã bao lần Hảo tự trói tay, xích chân để cai tại nhà và nhờ em trai đưa đi cai ở Hải Dương, song đều không được. Lần Hảo đi cai nghiện ở Hà Nội mấy tháng, trở về với tấm giấy chứng nhận, bà con họ hàng đã mừng thầm vì tưởng rằng thôn Phong Cốc sẽ bớt đi một người nghiện. Song niềm vui của cô bác không trọn vẹn, Hảo lại nghiện nặng hơn và hoàn toàn đánh mất lòng tin, bởi đã hơn 10 lần anh thề thốt với gia đình, dòng họ. Sáng 2/4/1995, trước sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, đứng trước vong linh người bố, Hảo thề: "Nếu không cai nghiện được con sẽ ra đi".

Hơn 9 năm đã qua, ngồi nhớ lại chuyện cũ, Hảo không khỏi xúc động. Anh kể: “Tôi lẳng lặng mua 10 vỉ thuốc ngủ. Trước giờ lên cơn nghiện 1 tiếng, tôi uống mấy viên liền, ngủ li bì gần hai ngày. Tỉnh dậy, uống chút nước và ăn ít cơm cho đỡ đói bụng, tôi lại uống thuốc và lăn ra ngủ tiếp. Cứ như thế cho đến hết số thuốc ngủ đã mua thì dứt được cơn vật vã, người dần tỉnh táo trở lại. Tôi thấy mình khỏe ra, ăn được, ngủ được và tăng cân trông thấy. Bà con ai cũng phải ngạc nhiên, có người lén xem tôi tắm mới tin”. Chuyện Bùi Đình Hảo cai nghiện thành công lan rộng khắp nơi. Nhiều con nghiện và gia đình họ đã đến gặp anh để xin học cách cai.

Thôn Phong Cốc khi đó đang là điểm nóng về an ninh trật tự, với gần 20 con nghiện và hàng chục tụ điểm cờ bạc, hút chích. Người trong làng nem nép nỗi sợ hãi. Nhận thấy tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, ông Đỗ Xuân Tằng - Trưởng thôn Phong Cốc, vốn có kinh nghiệm lâu năm, nghĩ ngay đến việc đưa Hảo vào tổ bảo vệ. Theo ông, Hảo là người trong cuộc sẽ dễ tuyên truyền, vận động những người lầm lỗi.

Nhưng đến năm 2002, khi tiến cử Hảo làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ, đặc biệt Trưởng thôn, lãnh đạo xã đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều người. Đơn thư khiếu kiện gửi cả lên huyện, lên tỉnh. Chủ tịch xã lúc đó là Nguyễn Đức Chạm hết lần này đến lần khác xách cặp lên huyện giải trình. Lịch bầu trưởng thôn vào tháng hai phải lùi đến tháng tư. Trong cuộc bầu cử rất dân chủ đó, thật ngạc nhiên, Hảo đã trúng cử cao nhất với số phiếu 86,51%.

Bất ngờ hơn, ngày 19/8/2003, Hảo được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy quân sự xã. Rồi dịp bầu cử HĐND 3 cấp tháng 4/2004, Hảo tái cử chức Trưởng thôn với số phiếu bầu 87,40%. Mới đây, anh được giao tiếp trọng trách làm Phó Công an xã. Đây là trường hợp duy nhất trong số 813 Trưởng thôn và 161 Phó Công an xã của tỉnh Hưng Yên có lý lịch đặc biệt.

Từ ngày tham gia Tổ an ninh đến khi là Trưởng thôn, Phó Chỉ huy quân sự, Phó Công an xã, anh Hảo đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài động viên, thuyết phục những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, anh đã góp phần làm bộ mặt nông thôn ở Phong Cốc khởi sắc. Đầu năm, anh được bầu làm Trưởng thôn, cuối năm Phong Cốc được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận Làng văn hóa.

Dù đã cai nghiện được gần 10 năm, nhưng với Hảo hôm nay, hình ảnh đáng sợ của một con nghiện vẫn còn nguyên vẹn. Khi chúng tôi kết thúc bài viết này, anh có nhã ý muốn gửi thông điệp đến tất cả những ai đang nghiện ma túy muốn hoàn lương rằng: "Sự kiên trì và quyết tâm sẽ chiến thắng". Nếu ai cần sự giúp đỡ từ cách cai nghiện của anh, hãy liên hệ theo số điện thoại: 09012.300840

Phí Thu Hằng
.
.