Từ sông Seine nghĩ về sông Hàn

Thứ Hai, 20/01/2020, 09:54
Tôi đến Paris vào dịp cuối năm. Chỉ còn hơn 2 tuần lễ nữa là đón năm mới, song mùa đông vẫn đang phủ kín trời Âu. Khác với suy nghĩ của tôi, mùa đông Paris không có bông tuyết bay rợp trời, lãng mạn như trên đỉnh núi Alps của Thụy Sĩ mà vài hôm trước đoàn chúng tôi đã trải nghiệm...


1.Buổi sớm mai, thành phố Paris hoa lệ và cổ kính, trầm mặc bên bờ sông Seine, đón chúng tôi bằng những cơn mưa lạnh đến tê buốt. Mưa nặng hạt từng cơn, từng cơn đuổi nhau trên phố, cứ như cô nàng đỏng đảnh, trêu ghẹo khách phương xa… 

Ðoàn chúng tôi được anh chàng hướng dẫn viên du lịch người Việt sang định cư ở Pháp từ nhiều năm trước, cho ôtô đưa thẳng bến du thuyền sông Seine. Anh ta cười bảo: “Tranh thủ tạnh mưa đi du thuyền ngắm Paris rồi về khách sạn. Buổi sớm mùa đông dạo chơi trên sông Seine tuyệt vời lắm!”...

Bến du thuyền cách tháp Eiffel không xa. Mùa đông Paris nhiệt độ tụt xuống khoảng 2-3 độ C làm cho cảnh vật hai bên bờ sông Seine mờ ảo trong bức màn ánh sáng trắng thật lãng mạn. Màu trắng nhẹ như sương mù, gợi nhớ những câu thơ hay của Nguyên Sa: “Paris có gì lạ không em?/Mai anh về giữa bến sông Seine/ Anh về giữa một dòng sông trắng/ Là áo sương mù hay áo em?”. Trời lạnh vậy mà chiếc du thuyền hai tầng rất đẹp và hiện đại đã đón khá nhiều khách châu Á. Và, khi đoàn chúng tôi lên thì thuyền trưởng cho du thuyền nổ máy rời bến…

Chiếc du thuyền chầm chậm xuôi dòng sông Seine trong tiếng máy nổ êm ru. Khách trên thuyền đều rủ nhau lên mái đứng ngắm cảnh. Ðôi bờ sông Seine, hai con đường, với những hàng cây trụi lá, trơ cành xương xẩu để lộ rõ phía sau là những khu phố, công trình cổ kính mang đậm dấu ấn lịch sử, như Bảo tàng Louvre, Nhà thờ Ðức Bà Paris, tháp Eiffel… Những công trình kiến trúc cổ đẹp đến nao lòng khiến du khách như đang lạc vào thế giới cổ tích, bất ngờ anh chàng hướng dẫn viên du lịch lên tiếng: “Ðố các bạn, nước sông Seine có mùi gì?”. 

Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta, rồi nhìn xuống dòng nước sông Seine xanh trong đang cuồn cuộn chảy về phía biển Manche. Và, anh chàng cười thích thú: “Mùi của nho! Mùi của rượu vang!”. “Vì sao ư? Vì sông Seine khởi nguyên tận thượng nguồn Bourgogne và chảy qua những vùng trồng nho trù phú của nước Pháp rồi mới về Paris. Mà như chúng ta đều biết, rượu vang Pháp nổi tiếng thế giới được làm từ nho…”. Anh chàng thao thao như học trò tiểu học trả bài học thuộc lòng khiến cả đoàn đều bật cười. Bất chợt, trong tôi cuộn lên nỗi nhớ da diết về dòng Hàn giang quê nhà…

2. Không như sông Seine uốn lượn quanh thành phố Paris, dòng Hàn giang chỉ là dải lụa hiền hòa vắt ngang qua đô thị Ðà Nẵng. Nếu tính từ ngã ba hợp lưu các con sông Cẩm Lệ, Vĩnh Ðiện và Cổ Cò về đến cửa biển thì Hàn giang đo được chừng 7,2 cây số. Thế nhưng, trong lòng dòng nước xanh trong vắt này chất chồng không biết bao nhiêu trầm tích, theo những cuộc đổi thay của lịch sử. “Sông không lạnh sao gọi sông Hàn?”. 

Dòng sông có tên gọi từ đời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Ðức năm thứ 21- 1490), khi nhà vua định lại bản đồ 13 xứ Thừa Tuyên, chỉ ra xứ Thừa Tuyên Thuận Hóa với 10 cửa biển, trong đó có Cửa Hàn rộng lớn, bên ngoài được bao bọc bởi núi Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, hòn Hành, hòn Chảo… 

Dẫu biết vậy, nhưng vì sao vẫn đặt câu hỏi ngược? Thực ra, đây không chỉ đơn thuần là thú chơi chữ đầy thi vị, mà câu hỏi đã bộc lộ rõ tính cách Quảng của người Quảng!. Theo vua mở cõi và định cư nơi miền đất “yết hầu” nên con người lăn lộn, quăng quật trên vùng đất đầy khắc nghiệt này đã tôi luyện cho mình chất thép “lạnh”, dù trong tim là bầu máu nóng đầy nhiệt huyết. Trải qua bao thế hệ, câu hỏi vẫn là lời nhắc nhở rằng, người Quảng luôn đủ tỉnh táo, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, địch họa triền miên. Cũng có thể vì lẽ đó mà đất Quảng đã sản sinh rất nhiều anh hùng, danh sĩ xả thân vì đại nghĩa dân tộc…  

Hàn giang bắt đầu từ ngã ba, hợp lưu các con sông Cẩm Lệ, Vĩnh Ðiện và Cổ Cò, nhưng khởi nguyên của nó xuất phát từ đỉnh núi Ngọc Linh cao gần 2.600m so với mực nước biển, là ngọn núi mẹ của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nước chảy từ Ngọc Linh về sườn núi phía Ðông, xuyên qua những cánh rừng già nguyên sinh, uốn lượn quanh co, bồi đắp phù sa màu mỡ hình thành nên bao làng mạc trù phú. Trong số những dòng sông chảy ra biển Ðông có sông Thu Bồn chảy về Cửa Ðại và sông Vu Gia chảy qua Ðại Lộc. Nước sông Vu Gia xuôi Túy Loan, Cẩm Lệ rồi ra biển với dòng Hàn giang… 

Sông Hàn một thời là ranh giới thực của sự cách biệt giàu – nghèo, một bờ Tây phố xá xênh xang, đêm đêm sáng rực ánh điện; một bờ Ðông với những ngôi nhà lụp xụp, người dân phải chịu cảnh sống trong ánh đèn dầu tù mù, tăm tối. “Ðứng bên ni Hà ngó bên tê Hàn xanh xanh tàu lá. Ðứng bên tê Hàn ngó bên ni Hàn phố xá nghênh ngang”. 

Câu ca xưa nghe tê buốt cõi lòng! Không chấp nhận điều đó thêm nữa, hơn 20 năm trước, cầu sông Hàn được khởi công bằng sự quyết tâm của Ðảng bộ, chính quyền cùng nhân dân Ðà Nẵng, bắt đầu mở ra một trang mới cho bờ Ðông sông Hàn. Tiếp theo là hàng loạt cây cầu hiện đại được xây dựng, như cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn…

Và, điều mà du khách đến với Ðà Nẵng phải công nhận, đó là sông Hàn càng thơ mộng, quyến rũ hơn bởi những cây cầu; bởi hai con đường được quy hoạch chạy dọc hai bên bờ sông, với những hàng cây xanh mát bốn mùa. Biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng khi đi trên chiếc du thuyền xuôi dòng sông Seine, ngắm nhìn Paris một buổi sớm mùa đông, bất giác tôi nghĩ về hai con đường bên dòng Hàn giang, nổi trội với nét đẹp rất riêng - nét đẹp của dòng sông phương Ðông - mang đậm dấu ấn lịch sử mở cõi và giữ nước của dân tộc Việt Nam và của người xứ Quảng sống trung thực, đầy khí khái…           

3.Bất chợt trong tôi rộn lên bao niềm vui khó tả khi được tin chính quyền thành phố Ðà Nẵng đã có những động thái tích cực xử lý những vướng mắc đã từng gây xôn xao dư luận, chấn chỉnh lại việc lấn sông, thuê chuyên gia nước ngoài quy hoạch lại đô thị Ðà Nẵng, quy hoạch việc phát triển du lịch cho dòng Hàn giang theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. 

Dạo chơi trên sông Seine bằng  du thuyền hiện đại, tôi nghĩ về một ngày không xa nữa sẽ có những chiếc du thuyền hiện đại trên sóng nước Hàn giang, không chỉ đưa du khách đi ngắm vẻ đẹp của thành phố trẻ Ðà Nẵng, mà còn rẽ sóng vượt ra khỏi Cửa Hàn dạo quanh vịnh biển để du khách ngắm cảnh Hải Vân, Sơn Trà. Hoặc cũng có thể ngược con nước theo sông Vĩnh Ðiện, về với quê hương Ðiện Bàn, nơi có Dinh trấn Thanh Chiêm - một thời là kinh đô của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở xứ Ðàng Trong – cũng là cái nôi của chữ Quốc ngữ. 

Ngược dòng Thu Bồn mà lên thượng nguồn thăm làng cây trái Nam Bộ - Ðại Bường, về với Hòn Kẽm, Ðá Dừng, hay những khu căn cứ cách mạng một thời chiến tranh oanh liệt đánh giặc giữ nước. Khi khách đã thấm mệt thì du thuyền lại được thả trôi xuôi theo sông Thu Bồn về cập bến nghỉ phố cổ Hội An… 

Hoặc cũng có thể ngược sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan lên thượng nguồn Vu Gia thưởng thức hương vị đậm đà của trái nam trân (bòn bon), đã được vua Nguyễn cho khắc hình lên Nhân đỉnh (đỉnh thứ nhì của Cửu Ðỉnh), đặt ở sân Thế Miếu, Hoàng thành Huế, thay lời tri ân…

Trong tôi lại nhân lên bao niềm vui khi được tin chính quyền Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã bàn bạc nạo vét, khơi thông lại dòng sông Cổ Cò; trong đó phía Quảng Nam lập dự án, dự kiến kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Sông Cổ Cò, hay Lộ Cảnh giang xưa, là con đường sông nối liền Ðà Nẵng với thương cảng Hội An sầm uất vào thế kỷ 16, 17. 

Nếu Cổ Cò được khơi thông, nối liền sông Hàn về phố cổ Hội An thì sẽ có một tuyến đường thủy du lịch độc đáo. Hãy thử tưởng tượng, khi hai con đường chạy dọc đôi bờ sông Cổ Cò, từ Ðà Nẵng về phố cổ Hội An, đêm đêm được thắp lên bởi hàng nghìn chiếc đèn lồng lung linh, rực rỡ sắc màu…    

Chợt nghĩ, đâu chỉ có nước sông Seine chảy qua Paris để du khách tưởng tượng có mùi của rượu vang Pháp nổi tiếng. Dòng Hàn giang cũng đậm đà hương rượu quý xứ Quảng – rượu Hồng Ðào chưa uống đã say! Du khách đến đây sẽ được say trong cái nghĩa, cái tình của người Quảng, say trong cái thâm trầm của một dòng sông Hàn như biết trò chuyện…

Long Vân
.
.
.