Phòng, chống dịch tả lợn, thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn

Thứ Tư, 20/03/2019, 08:41
Thông tin trên được đưa ra tại buổi toạ đàm trực tuyến về chủ đề “Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức.

Theo ông Nguyễn Văn Long-Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết, dịch tả lợn châu phi xuất hiện gần 100 năm rồi, đến nay thế giới vẫn chưa có thuốc và vắc xin phòng bệnh.

 Đến thời điểm hiện nay với vai trò cơ quan nhà nước quản lý thuốc thú y, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào có chế phẩm, sản phẩm thuốc phòng chống được dịch bệnh tả lợn châu Phi. 

Hiện nay, phương pháp rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh, tiêu độc khử trùng là biện pháp hiệu quả đã được kiểm chứng và được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng. Biện pháp này đã được tất cả các địa phương thực hiện và cho thấy hiệu quả tiêu diệt mầm bệnh rất tốt, các hộ chăn nuôi cần tích cực áp dụng biện pháp này.  Bên cạnh đó, hiện nay trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin không chính xác, thậm chí bịa đặt về dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý nghiêm những người phát tán thông tin không chính xác. 

“Chúng tôi đề nghị bà con cần cẩn trọng trước những thông tin không chính xác lan truyền trên các trang mạng xã hội, không hoang mang, lo lắng. Bà con cần thực hiện các bước phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT đưa ra”, ông Long nhấn mạnh. 

Trước lo ngại về vấn đề kiểm soát và quản lý lợn từ các trang trại lớn nếu chẳng may bị nhiễm bệnh, ông Long khẳng định: “cho đến hiện nay tất cả các ổ dịch đều xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có trang trại nào quy mô trên 500 con lợn bị bệnh. Tôi giả sử các trang trại chăn nuôi lớn nuôi hàng nghìn con lợn muốn tiêu thụ bắt buộc phải qua kiểm dịch thú y. Thêm một đặc điểm nữa tôi đã nói rõ, bệnh này đã mắc thì lợn chết 100% nên không có chuyện giữ lợn bệnh vài ngày trong trang trại, người dân cũng đóng giám sát rất tốt nên không thể giấu được. Hay nói cách khác, đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được thông tin thông qua kiểm soát thú y và các kênh giám sát khác nhau là chưa có trang trại quy mô nào bị bệnh”

Ông Trương Xuân Dương-Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cũng cho biết, những giải pháp phòng chống dịch đang được triển khai rất tích cực, kịp thời, tuy nhiên do đặc thù, dịch bệnh này vẫn lan toả, không thể chấm dứt một sớm một chiều. Vậy chúng ta phải có giải pháp thế nào để đảm bảo cung cấp thực phẩm và duy trì ổn định ngành chăn nuôi? 

Ông Dương bày tỏ: Hiện nay, 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt lợn, chúng ta không thể một sớm một chiều chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác như gia cầm, thuỷ sản… Việc của ngành chăn nuôi là vẫn phải đảm bảo cung cấp thịt cho người tiêu dùng. Có một vấn đề cần làm rõ, đó là độ an toàn của thịt lợn như thế nào để người tiêu dùng yên tâm? 

Vị này trả lời:  Hiện nay đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Con số này rất nhỏ. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn. Hàng ngày gia đình tôi vẫn ăn thịt lợn, thậm chí còn sử dụng nhiều hơn bình thường, ngay cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khẳng định như vậy. Ví dụ ở Tây Ban Nha, 35 năm nay nước họ vẫn có dịch bệnh này, vậy tại sao đùi lợn muối, đùi lợn xông khói của họ vẫn tiêu thụ rất tốt? Câu trả lời là vì họ kiểm soát dịch bệnh rất tốt, mọi sản phẩm lưu hành trên thị trường đều đảm bảo an toàn.  Như vậy, lợn đang lưu hành trên thị trường là lợn không có bệnh, không có lí do gì để chúng ta không sử dụng.

 Một lần nữa, chúng ta kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng lại với chăn nuôi, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch. 


Phạm Huyền
.
.
.