Đủ khẩu trang cho người dân phòng chống dịch COVID-19

Thứ Ba, 17/03/2020, 18:33
Tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh với các doanh nghiệp (DN) dệt may, DN phân phối trong và ngoài nước diễn ra chiều ngày 17/3, các DN đều khẳng định có đầy đủ nguyên liệu để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và kháng nước phục vụ nhu cầu người dân cả nước phòng chống dịch COVID-19, nhiều DN có thể tính tới phương án tăng cường sản xuất khẩu trang xuất khẩu.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), các DN sản xuất dự kiến, nửa cuối tháng 3 sẽ cung ứng khoảng 33,6 triệu khẩu trang vải. Khẩu trang vải đã có mặt tại các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như: Vincommer, Big C, MM Mega Market, AEON, BRG Retail…

Qua tổng hợp tình hình sản xuất khẩu trang vải của hơn 20 tập đoàn, DN lớn trong ngành dệt may, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến 31/3/2020, tổng lượng khẩu trang vải kháng khuẩn có thể đưa ra thị trường là khoảng 57 triệu chiếc, năng lực sản xuất trên 1,1 triệu chiếc/ngày. Theo báo cáo của một số DN, năng suất may khẩu trang trung bình của 1 lao động là 150 chiếc/ngày.

Ngành may trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang trong nước và xuất khẩu

 Như vậy, “có thể khẳng định ngành may trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang trong nước và xuất khẩu”, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nói.

Về nguồn nguyên liệu vải may khẩu trang, số lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 là 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1,2 tỷ m2 vải dệt từ sợ nhân tạo, tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày. Nếu trung bình 1m2 sản xuất được 20 khẩu trang thì 1 ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng khẩu trang tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (nếu toàn bộ vải để may khẩu trang). 

Tuy nhiên hiện nay, lượng vải còn tồn trong thương mại, trong DN cũng còn tương đối, lượng vải này có thể gia công kháng khuẩn để đưa vào may khẩu trang vải kháng khuẩn mà chưa cần vải dệt mới.

 Ngoài ra, do dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc nên nguồn vải từ thị trường này bắt đầu được nhập về Việt Nam. Do đó, có thể khẳng định Việt Nam không thiếu vải để sản xuất khẩu trang.

Bộ Công thương sẽ sớm có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu “kép”, ứng phó dịch bệnh và xuất khẩu

Đánh giá về năng lực sản xuất mặt hàng khẩu trang, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, năng lực dệt may của Việt Nam rất lớn, là một trong những nước lớn về xuất khẩu. Do đó, việc sản xuất khẩu trang cung cấp cho người dân trong thời gian dịch bệnh không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên, cần điều tiết thị trường hợp lý, đặt ra mục tiêu cần số lượng bao nhiêu để sản xuất.

Về các vấn đề vướng mắc của DN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Công thương sẽ sớm có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu “kép”, ứng phó dịch bệnh và xuất khẩu. “Bộ Công thương sẽ sớm có báo cáo Chính phủ nhằm nhận diện các khó khăn, thách thức đối với DN không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh. Cần phải tính đến cả sau khi dịch kết thúc, những khó khăn đặt ra như thế nào?

 Trước mắt, trong hai đến ba ngày tới, Bộ Công thương sẽ có báo cáo Chính phủ đề xuất các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Lưu Hiệp
.
.
.