Vĩnh Phúc tạo môi trường thuận lợi để các cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ

Chủ Nhật, 17/09/2023, 18:45

Tại buổi truyền đạt kiến thức, bồi dưỡng cho gần 1.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tổ chức chiều 15/9, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định, Vĩnh Phúc tạo môi trường thuận lợi để các cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Giữ gìn sự tâm huyết, trách nhiệm, sự trong sáng của giáo dục

Ông Nguyễn Văn Huyến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện toàn ngành có 952 cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ thạc sỹ, 8 cán bộ quản lý có trình độ tiến sỹ; nhiều thầy, cô giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, hằng năm được Bộ triệu tập ra đề thi và tham gia vào các hoạt động nghiên cứu chuyên môn; nhiều cán bộ quản lý ở các nhà trường đã có những đổi mới sáng tạo trong quản lý, điều hành đem lại hiệu quả tích cực; một số nhiệm vụ mới và khó đã được các thầy, cô giáo hoàn thành xuất sắc…

Vĩnh Phúc tạo môi trường thuận lợi để các cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ -0
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành trực tiếp truyền đạt một số nội dung quan trọng tại hội nghị. Ảnh: Trà Hương.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch phân bổ, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp các cơ sở giáo dục. Thực hiện tốt việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT đạt kết quả tốt, chất lượng công tác giảng dạy của giáo viên; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được trang bị đồng bộ, theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo yêu cầu phục vụ cho công tác dạy - học đạt chất lượng cao. Ngành đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động và phong trào thi đua do Bộ GD&ĐT phát động. Công tác kiểm tra, đánh giá các đơn vị nhà trường được tiến hành thường xuyên...

Tại kỳ chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023, Vĩnh Phúc có 79 học sinh đoạt giải, gồm: 5 giải Nhất, 20 giải Nhì, 23 giải Ba, 31 giải Khuyến khích, tăng 17 giải so với năm học 2021-2022, đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải. Có 1 học sinh dự thi Olympic Quốc tế môn Sinh học đạt Huy chương Đồng.

Vĩnh Phúc tạo môi trường thuận lợi để các cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ -0
Buổi truyền đạt kiến thức, bồi dưỡng chính trị đã thu hút gần 1.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trà Hương.

Vĩnh Phúc cử đoàn dự thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia và có 2 dự án đoạt giải. Trong đó có dự án thuộc top 30 lọt vào vòng chung kết cấp quốc gia. Kết quả thi tại vòng chung kết, dự án của tỉnh Vĩnh Phúc đạt giải Nhì cấp quốc gia. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình tất cả môn thi tốt nghiệp THPT với 7,219 điểm, tăng một bậc so với năm 2022; đứng thứ 5 cả nước về số điểm 10. Trong đó, có 4/9 môn thi đứng vị trí top 1 cả nước đó là Lý, Sử, Địa, Giáo dục công dân; môn Ngữ văn đứng top 2 cả nước; môn Toán đứng top 4; môn Hóa, Sinh đứng top 5; môn Ngoại ngữ đứng top 7.

Trong nhiều năm qua, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Thực hiện đổi mới giáo dục, Vĩnh Phúc là một trong 4 tỉnh sớm nhất cả nước hoàn thành biên soạn, giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1. Chất lượng trong dạy, học, thi cử và kiểm định chất lượng giáo dục được xếp là một trong 5 đơn vị đứng đầu toàn quốc.

Vĩnh Phúc tạo môi trường thuận lợi để các cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ -0
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Huyến phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Trà Hương.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành thông tin nhanh 10 điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ khi tái lập tỉnh đến nay và một số nghị quyết, đề án của tỉnh đã ban hành liên quan đến ngành Giáo dục và Đào tạo trong 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

“Với mong muốn cháy bỏng, các thầy cô giáo phải là người giữ lửa, giữ tinh thần, truyền lửa cho các em học sinh; môi trường làm việc hiện nay của các thầy cô giáo và các em học sinh phải được nhìn lại thực sự; mối quan hệ giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa thầy với cán bộ quản lý, giữa nhà trường với phụ huynh; mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tìm ra giải pháp tốt nhất trong đào tạo học sinh. Cần xây dựng hình ảnh, giữ được vị thế của người giáo viên trước xã hội hiện nay; truyền lửa, kiến thức cho học sinh bằng trái tim, xuất phát từ trái tim yêu thương sẽ tìm ra những hướng đi, khắc phục yếu điểm của các em học sinh, tạo sự sáng tạo, nâng tầm trí tuệ cho các em qua cách tiếp cận, kỹ năng giao tiếp, hòa đồng, chất lượng trong các bài giảng…”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nói.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc trong năm học vừa qua. Bước sang năm học mới, Thứ trưởng nhấn mạnh: Ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc cần tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền, hiệu lực và hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Tiếp tục đổi mới công tác quản trị tại các nhà trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả, minh bạch; tăng cường dân chủ, phát huy vai trò tiếng nói đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường.

Vĩnh Phúc tạo môi trường thuận lợi để các cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ -0
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ về tầm nhìn, hoài bão và trăn trở trong đổi mới giáo dục đào tạo.

Thứ trưởng đề nghị, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp, thực hiện linh hoạt, bố trí sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác giáo dục quốc phòng an ninh, tăng cường phòng chống bạo lực học đường, bảo đảm trường học thật sự an toàn. Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy kết quả đạt được,  quyết tâm thực hiện tốt 12 nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong năm học. Từng bước khắc phục hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản về các vấn đề GD&ĐT mà xã hội quan tâm; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện…

Vĩnh Phúc tạo môi trường thuận lợi để các cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ -0
Thứ trưởng Ngô Thị Minh và lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao bằng khen cho các em học sinh.

Đổi mới giáo dục không thể bị lệch lạc, mất phương hướng

Chia sẻ về tầm nhìn rộng mở, những hoài bão và trăn trở đối với sự nghiệp trồng người và phát triển GD&ĐT của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, nói đến giáo dục giai đoạn vừa qua là nói đến cải cách, đổi mới. Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT yêu cầu chúng ta thay đổi rất nhiều thứ. Xã hội cũng yêu cầu chúng ta thay đổi rất nhiều thứ. Đổi mới, thay đổi là cần thiết nhưng đổi mới thế nào, đổi mới ra sao để không bị lệch lạc, mất phương hướng mới là vấn đề quan trọng. “Chúng tôi nghĩ, giáo dục phải là môi trường đòi hỏi những nguyên tắc căn bản, những kiến thức nền, những chuẩn mực, gọi là “khuôn vàng thước ngọc”. Giáo dục cần sự ổn định, thế nhưng thực tiễn lại đòi hỏi chúng ta phải đổi mới liên tục, vậy thì vấn đề ở đây đặt ra là đổi mới thế nào để vừa đáp ứng được nguyên tắc, chuẩn mực của nghề, mà cũng đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành, của xã hội? Đây là điều mà ngành phải tính, phải nhận thức thật sự thấu đáo đề làm đúng. Là lãnh đạo quản lý, chúng ta phải tạo điều kiện, môi trường để các thầy cô đạt được cả hai yêu cầu này”, ông Lê Duy Thành chia sẻ.

Vĩnh Phúc tạo môi trường thuận lợi để các cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ -0
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu, chia sẻ sâu sắc với những thiệt hại, mất mát trong vụ cháy xảy ra tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Theo ông Lê Duy Thành, giáo dục mầm non phải giữ được sự hồn nhiên cho thế hệ công dân tương lai, Dạy đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục Tiểu học. Có một nhà sư phạm đã nói: “Giáo dục đại học là nơi đầu tiên của hội nhập, nhưng giáo dục tiểu học lại là nơi cuối cùng của gìn giữ bản sắc văn hóa, đạo đức của con người”. Rõ ràng, ta muốn dạy một con người có đạo đức thì phải cố gắng làm sao đưa ngay vào chương trình ở bậc Tiểu học. Tôi thực sự mong muốn chúng ta có một nền giáo dục thực sự nhẹ nhàng, nhưng đi sâu vào tâm khảm của các em như vậy.

Với học sinh trung học, dạy kiến thức cơ bản và hãy dạy cho các em bản lĩnh, kiên trì, ứng phó trước sóng gió, sự thay đổi của cuộc sống. Trước tiên là dạy cho các em có khả năng sau này ra trường làm thợ. Tại sao chúng ta đang duy trì tỉ lệ ngày càng cao hơn học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp THPT chính vì mục tiêu này. Những vấn đề liên quan đến ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống là 2 vấn đề hết sức cơ bản. Nếu chúng ta biết cách làm, biết cách xã hội hóa sẽ hết sức thuận lợi. Ngoại ngữ để giúp con trẻ chúng ta có thêm một font văn hóa, có thêm tư duy và kiến thức, có thêm khả năng tiếp cận với thế giới bên ngoài, mở ra cơ hội rất lớn về công việc trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay.

Chúng tôi muốn giáo dục làm sao để sau này các em học sinh tốt nghiệp THPT, có rất nhiều cơ hội, thậm chí nếu không sống tại quê hương, các em có thể sang các nước để sống và làm việc.

Chống gian lận trong thi cử, tiêu cực trong ngành

Ông Lê Duy Thành cũng cho rằng, gian lận trong thi cử, tiêu cực trong ngành từ việc xin điểm, cất nhắc, đề bạt, chuyển trường, có hay không có? Đây là vấn đề chúng ta cũng phải đặt lên bàn để trả lời, xem xét. Phải khẳng định được với xã hội là chúng ta thật sự không có những chuyện đó. Nếu như có mầm mống ở đâu thì chúng ta phải xử lý triệt để ngay.

Phải làm thế nào để môi trường này thực sự là môi trường trong sạch, minh bạch, đào tạo ra những con người có Đức, Trí, Thể, Mỹ, bởi tiêu cực ở một ngành, một lĩnh vực khác, nó chỉ ảnh hưởng đến phạm vi con người, cá nhân, ngành đó, nhưng tiêu cực trong ngành Giáo dục, nó ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Thầy cô phải thực sự trong sáng thì mới dạy, mới đào tạo ra được những công dân trong sáng.

Đối với các thầy cô giáo, xã hội còn đòi hỏi ở người thầy một cái tâm, sự say mê sáng tạo, một phương pháp phù hợp, mới mẻ để học sinh thích, hiểu, “tiêu hóa” được kiến thức một cách hứng thú nhất; đòi hỏi một cách tiếp cận làm sao vừa gần gũi, vừa chân thành nhưng vẫn nghiêm túc để học sinh muốn đến trường, muốn học tập và tự tin phát triển bản thân. Đó đều là những điều khó khăn, vất vả mà chúng tôi muốn chia sẻ với những người đã chọn sự nghiệp đứng trên bục giảng, nhưng đấy cũng chính là những điều mà học sinh, phụ huynh, nhân dân và lãnh đạo Tỉnh mong muốn, yêu cầu, đòi hỏi ở chúng ta. Cùng với đó, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ngành Giáo dục thấm nhuần và phát huy, tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đây là nội dung mà tôi cho là hết sức quan trọng. Ai đó đã từng đúc kết: Trong dạy và học thì học quan trọng hơn. Trong học thì tự học là vô cùng quan trọng. Muốn tự học được thì phải có ý thức, có mong muốn. Công tác khuyến học đóng góp quan trọng vào điều đó.

Thứ hai, chúng tôi vẫn nói giáo dục mũi nhọn với các em học sinh đạt Huy chương quốc tế giúp nâng tầm Tỉnh chúng ta lên, làm cho chúng ta rất tự hào, nhưng làm sao để thu hút được các nhân tài này quay về với địa phương vẫn là vấn đề đặt ra. Mặc dù Nghị quyết của tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt chi rất nhiều tiền để thu hút nhân tài, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thuyết phục được các em ấy quay về. Chúng ta chưa thực sự có đủ điều kiện để đáp ứng được yêu cầu của các em, nhưng cũng cần nhận ra rằng, xây dựng xã hội học tập để tạo ra cả một xã hội cùng học, nó sẽ tạo ra và nâng cao được mặt bằng dân trí của Tỉnh. Một em đạt Huy chương Vàng như một cánh én nhỏ, chưa thể làm thay đổi được chúng ta, nhưng một xã hội học tập, trong vòng 5 năm tới, nếu làm tốt, thì sẽ làm thay đổi cả Vĩnh Phúc.

Vấn đề mà chúng tôi tâm huyết, quan tâm, đề nghị các thầy cô, đặc biệt là lãnh đạo Sở GD&ĐT, đó là thu hút đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT, vấn đề hội nhập trong giáo dục. Nhiều năm nay, chúng ta có một tình trạng là thiếu giáo viên, thiếu tiền đầu tư cho giáo dục, nhưng chúng tôi khẳng định rằng, việc thiếu giáo viên chỉ một phần do chính sách, cái chính là chúng ta chưa làm tốt, chưa xây dựng được cơ chế xã hội hóa giáo dục. Nếu giáo dục chỉ trông mãi bằng chi ngân sách thì chúng ta sẽ mãi là giáo dục nghèo. “Tôi học Kinh tế, là người ngoại đạo với Giáo dục, nhưng có thể khẳng định rằng, không có một ngành nào chỉ trông vào đồng ngân sách để phát triển ngành đấy cả. Cho nên, để thu hút đầu tư, để xã hội hóa giáo dục thì phải làm ngay từ mỗi nhà trường, mỗi gia đình. Đơn giản nhất là mỗi gia đình có thể đóng góp để con em học ngoại ngữ hay kỹ năng sống kể trên”, ông Thành nói.

Hình thức xã hội hóa cao hơn đó là thu hút các trường tư có thương hiệu về đầu tư. Ta có trường công lập nào nếu dành được khu đất đấy cho các trường tư nói trên thuê, để họ mang Trí, mang Lực, mang Tài của họ về đào tạo cho con em chúng ta, thì thứ nhất, chúng ta thu được tiền; thứ hai, ngân sách không phải trả lương cho toàn bộ giáo viên của trường đó; thứ ba, chất lượng giáo dục họ mang từ thế giới về đây dạy con em chúng ta, thay vì áp lực thầy cô giáo của chúng ta vừa dạy học, vừa “cõng” các kiến thức từ Mỹ, Pháp, Canada về đây...

Đặc biệt, tới thời điểm này, ông Thành cho rằng, hội nhập trong giáo dục là vấn đề hết sức cấp thiết. Tôi rất nhớ câu chuyện đoàn lãnh đạo cao cấp của Tỉnh đi công tác tại Mỹ. Đoàn có đi thăm các trường đại học là Arizona ở bang Arizona và Portland ở bang Oregon. Và họ gợi mở, nếu các bạn thay đổi tư duy, cách tiếp cận một chút thì sẽ hiệu quả hơn nhiều, đó là đề nghị Arizona mở một cơ sở ở Vĩnh Phúc, đưa toàn bộ con người, giáo trình, kiến thức sang để lập một cơ sở đào tạo của Trường Đại học Arizona tại Vĩnh Phúc. Trong đó, đào tạo cho người Vĩnh Phúc có thể miễn, giảm học phí, nhưng quan trọng là thu học phí của người học ở các địa phương khác, quốc gia khác cũng phải đến Vĩnh Phúc để được học và được cấp bằng của Đại học Arizona, thì tại sao lại không? Họ đề xuất như vậy, chúng tôi mới thấy rằng, đúng là chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách tiếp cận, mà cái này đâu phải quá khó nếu chúng ta có đủ đất, đủ cơ chế. Thực hiện hướng đi này, chúng ta hãy bắt đầu đặt một cơ sở nho nhỏ thôi, làm dần dần thì nó sẽ thay đổi. Cách tốt nhất, con đường ngắn nhất của giáo dục để đưa được dân tộc, người dân ra biển lớn bắt kịp với thế giới, nâng tầm Vĩnh Phúc lên; trao thêm cơ hội cho các em, các cháu chúng ta và giảm gánh nặng cho ngân sách chính là thu hút đầu tư và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế này.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Vĩnh Phúc đã đạt được những chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Vĩnh Phúc ngày càng hướng tới phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Cơ sở vật chất trường học và trang, thiết bị giảng dạy được tăng cường đầu tư theo chiều sâu, từng bước đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, về cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy - học của giáo viên và học sinh.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh: Năm 2020, toàn tỉnh đã có 100% trường công lập từ mầm non đến THPT được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tính đến tháng 6/2023, Vĩnh Phúc đã công nhận đạt Chuẩn Quốc gia đối với 191 trường (chiếm tỉ lệ 39,4%) và theo lộ trình đến hết năm 2025 sẽ đạt 70%. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội được học tập thường xuyên, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh Vĩnh Phúc trao kinh phí 500 triệu đồng hỗ trợ người bị nạn vụ cháy tại quận Thanh Xuân, Hà Nội

Vĩnh Phúc tạo môi trường thuận lợi để các cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ -0
Tỉnh Vĩnh Phúc trao tiền hỗ cho người bị nạn trong vụ cháy tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Ngày 16/9, Đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Phúc do đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, ủng hộ người dân bị nạn trong vụ cháy tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc.

Báo cáo nhanh với đoàn, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai cho biết, vụ cháy xảy ra trên địa bàn quận đã làm 56 người tử vong, 37 người bị thương phải cấp cứu tại các bệnh viện, hiện đã qua cơn nguy kịch, chỉ còn 28 người đang tiếp tục điều trị. Phát biểu tại buổi trao tiền ủng hộ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành và các thành viên trong đoàn đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc với những mất mát đau thương của các gia đình và mong muốn thân nhân của các nạn nhân sớm ổn định tâm lý, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Chia sẻ với những thiệt hại do vụ hỏa hoạn gây ra, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã trao kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho những người dân bị thiệt hại trong vụ hỏa hoạn với số tiền 500 triệu đồng.

Đón nhận sự hỗ trợ, đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh Vĩnh Phúc trong khó khăn, hoạn nạn. Đồng thời khẳng định, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đồng hành với các gia đình người bị nạn không chỉ trong thời gian này mà còn cả lâu dài để người dân ổn định cuộc sống.

Trân Trân
.
.
.