Vì sao nguồn vốn vào đổi mới sáng tạo bị “nghẽn”?

Thứ Hai, 03/10/2022, 08:20

Các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, quỹ đầu tư phản ánh, thiếu quy định chi tiết là một trong những điểm nghẽn khiến dòng vốn khó vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Khó hút vốn FDI vào đổi mới sáng tạo

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam”.

Tại hội thảo, chuyên gia khuyến nghị cần có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tiêu biểu như cơ chế đầu tư ra nước ngoài của các DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các quỹ đầu tư. Các vướng mắc, tồn tại của Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ về giới hạn số lượng nhà đầu tư hiện nay hay giới hạn về hoạt động được thực hiện đầu tư, từ đó kiến nghị cần mở rộng nội dung cho vay.

1 10 anh doi moi sang tao 1.jpeg -0
Các chuyên gia đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thu hút nhiều vốn hơn vào đổi mới sáng tạo.

Tham gia phần đối thoại trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu chia sẻ và đề xuất các cơ quan quản lý Việt Nam xem xét, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới về việc đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Điển hình, Singapore nhiều năm liền đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với vị trí thứ 8 toàn cầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo và là quốc gia dẫn đầu khu vực về hoạt động đầu tư mạo hiểm.

Theo các chuyên gia, để đạt được kết quả đó, Chính phủ Singapore đã đóng một vai trò tích cực thông qua việc trực tiếp tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc đóng vai trò là nhà cùng đầu tư (matching fund) thông qua các tổ chức khu vực công.

Singapore đang tiếp tục thúc đẩy đầu tư quốc tế và khuyến khích các nhà quản lý quỹ mở hoạt động tại Singapore. Ngoài các quỹ đầu tư mạo hiểm, Singapore cũng là nơi có mạng lưới và nền tảng đầu tư thiên thần đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của các DN và nền kinh tế.

Một ví dụ khác là UAE, thời gian gần đây có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Tiểu vương quốc Dubai đã khởi động “Chiến lược kinh tế đổi mới sáng tạo” với mục tiêu tăng gấp đôi mức đóng góp của các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo vào GDP, từ 2,6% năm 2020 lên 5% vào năm 2025.

Dubai sẽ cung cấp các gói giải pháp linh hoạt, đi kèm các ưu đãi vào các trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến, các DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.

Thống kê của Quỹ Đầu tư ThinkZone cho thấy, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các DN đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong năm 2021 đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, khoảng 90% là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.

“Điều này cho thấy, quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp vốn cho các DN khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần khai thông cơ chế để hút vốn từ các quỹ đầu tư này”, ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý của ThinkZone cho hay.

Tuy nhiên, hiện nay có một “nghịch lý” là các quỹ đầu tư này sẽ không rót vốn trực tiếp vào các DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Họ thường yêu cầu DN Việt Nam lập pháp nhân mới tại các quốc gia khác, thông thường là Singapore, để rót vốn vào những DN này. Sau khi nhận được vốn, các DN tại Singapore sẽ quay trở lại đầu tư vào DN tại Việt Nam.

“Điều này đang gây ra những khó khăn nhất định cho các quỹ đầu tư cũng như DN nhận đầu tư vì cùng lúc phải thực hiện 2 lần thủ tục, bao gồm đầu tư ra nước ngoài và đầu tư vào Việt Nam. Khó khăn như vậy chắc chắn sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nói chung và quỹ đầu tư mạo hiểm nói riêng”, ông Hiếu nhận định.

Doanh nghiệp “startup” cũng khó tiếp cận vốn

Theo đại diện ThinkZone, mặc dù Nghị định 38 có quy định cho phép thành lập quỹ đầu tư tại Việt Nam nhưng hiện vẫn còn nhiều “điểm nghẽn cổ chai” khiến hoạt động của quỹ tại Việt Nam rất khó khăn do không phù hợp với thực tiễn. Đó là quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân; quỹ đầu tư chỉ được phép có tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập; và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được đầu tư quá 50% vốn điều lệ của DN đổi mới sáng tạo, hay phải kê khai các ngành nghề của các DN đổi mới sáng tạo mà quỹ đầu tư sẽ thực hiện đầu tư...

Chia sẻ với đại diện các quỹ đầu tư và DN trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 2012 đến nay, số lượng DN “startup” đã tăng từ 400 lên 4.000 DN.

Vì vậy, Nghị định 38 được ban hành đầu năm 2018 nhằm đưa ra những định nghĩa rõ ràng nhất về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để từ đó có tiêu chí rõ ràng và cụ thể về đầu tư trong lĩnh vực này. “Nhưng hiện nay, DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo rất khó tiếp cận vốn vay do không có tài sản bảo đảm và phải chịu lãi suất cao. Do vậy, có thể bổ sung quy định cho phép quỹ đầu tư cung cấp các khoản vay thay vì chỉ đầu tư thẳng vào DN”, ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý của ThinkZone khuyến nghị.

Cũng tại hội thảo, đại diện các quỹ đầu tư, DN, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đề xuất, Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có nguồn vốn tư nhân và nhận các chính sách ưu đãi như quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ KH&ĐT cho biết, hội thảo là cầu nối giữa thanh niên khởi nghiệp, nhà đầu tư, DN và cơ quan quản lý, đại diện các bộ, ban, ngành để cùng nhau đánh giá những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên.

“Dù các cơ quan, bộ, ngành đã rất nỗ lực nhưng khung pháp lý hiện nay vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Triển khai thể chế còn chậm với thực tế”, bà Bùi Thu Thủy thẳng thắn nhìn nhận.

Lưu Hiệp
.
.
.