Vẫn mắn đẻ trong giãn cách

Thứ Hai, 30/08/2021, 10:16

Vào những ngày cuối tháng 7/2021, nhiều ngân hàng như: VietinBank, Vietcombank, Kienlongbank, LienVietPostBank, Techcombank, ABBank, VPBank, VIB… đều công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm cao gấp từ 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến là từ lãi, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối. Trong đó, thu nhập tăng mạnh từ lãi là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Cùng thời gian này, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đạt gần 6% và huy động vượt trên 3,15% so với đầu năm.

Vẫn mắn đẻ trong giãn cách -0

Báo tin lãi kỷ lục: Tốt hay phản cảm?

Các ngân hàng dồn dập báo lãi khủng chục nghìn tỷ trong khi 70.200 DN sản xuất - kinh doanh ngấp nghé rơi tự do trên bờ vực thẳm; hàng triệu người thất nghiệp, mất việc do dịch bệnh, an sinh xã hội bị ảnh hưởng trầm trọng, nợ nần tín dụng ngân hàng chồng chất… Nghịch lý càng trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng “đang gia tăng giãn cách”.

Còn nhớ đợt dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020, các doanh nghiệp kêu gào rát cổ thì mới chỉ nhận được sự “hứa hẹn” nhanh chóng trên Tivi hoặc loan tin lấy tiếng rầm rộ trên báo chí. Khi ấy, Chính phủ, Ngân hàng TW, các Bộ ngành đã ban hành khá nhiều Chỉ thị, công văn can thiệp. Đồng thời, các đại biểu quốc hội, các chuyên gia, cố vấn cũng đã “nói hộ” rất mạnh mẽ khi chứng kiến “sự hờ hững” của các nhà Băng. Dưới áp lực khá dữ dội của công luận, NHTM đành phải lên tiếng “cam đoan hỗ trợ” bằng những viện dẫn hết sức rối rắm khiến cho doanh nghiệp phải tẩu hỏa - quay cuồng cung cấp cho bằng được hàng núi thủ tục.

Hôm nay, COVID-19 còn tàn khốc hơn, biến thể của SARS-CoV-2 như điên cuồng đe dọa từng ngày, từng giờ đến sinh mệnh, sức khỏe, tinh thần, tâm lý của người dân.

Hàng loạt các Chỉ thị từ nhẹ 10 - 12 - 15 rồi đến Chỉ thị 16 tăng cấp độ lên 16 plus, áp dụng các biện pháp mạnh tay giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”.

Các đô thị, thành phố đành phải vắng lặng xót xa và đầy chốt gác với mục tiêu dập dịch triệt để thì cũng là lúc guồng quay của mạch sống đang ngưng trệ, sự vận động của xã hội bị chững lại, đồng nghĩa với hoạt động sản xuất - tiêu thụ bị tắc nghẽn, dòng tiền của doanh nghiệp bị gãy khúc.

Cách đây không lâu, Chính phủ cho phép “doanh nghiệp 3 tại chỗ” để hoạt động  không bị gián đoạn. Chỉ được 1 thời gian ngắn, họ buộc phải ngưng bởi chi phí vận hành quá lớn trong khi lưu thông hàng hóa và sức mua xã hội suy yếu khiến họ không trụ nổi.

Tại khu vực ĐBSCL, cái nôi của nghề nuôi trồng và xuất khẩu cá tra đã ngừng đưa. Hàng ngàn hộ nuôi, hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ phải thở oxy. Hàng trăm tấn sản phẩm tồn kho do logistic vấp thủ tục, thị trường xuất khẩu bị gián đoạn. Cá trong hầm vẫn lớn từng ngày nhưng doanh nghiệp không thể mua vì không xuất  được. Dịch bệnh đã buộc các công ty phải giảm tối đa lượng công nhân để tuân thủ chấp hành nghiêm các Chỉ thị. Khó khăn cơ học chồng chất đã đành. Gánh nặng về lãi vay xuyên thời gian và không gian mới đáng sợ làm sao.

Kế đến là các công ty du lịch, lữ hành cũng đã chết lâm sàng từ lâu. Các khu du lịch đóng cửa, Nhà hàng - khách sạn lạnh băng trong khi các nguồn chi cho bảo dưỡng duy tu cơ sở hạ tầng, nhân sự vẫn ra đều để không ai phải bỏ việc, tránh xuống cấp hư hao.

Và có rất nhiều công ty bị liệt vào danh sách ngành nghề “không thiết yếu” phải cửa đóng then cài để phòng chống dịch.

Đã có Oxy cho F0 - máy thở nào cho doanh nghiệp bị COVID-19 hành?

Dịch cao điểm, cứu người là trên hết. Điều này hoàn toàn đúng trên mọi phương diện. Đảng - Nhà nước và Chính phủ kêu gọi sức mạnh toàn xã hội đồng lòng,  trong đó tài lực của doanh nghiệp là rất lớn. Họ đã xắn tay đóng góp hàng nghìn tỷ  cho Quỹ phòng chống dịch quốc gia. Từ đó Oxy, thiết bị y tế, vaccine đã được khơi dòng để đến kịp thời cho hàng chục ngàn bệnh nhân COVID-19 nhanh chóng thoát cửa tử.

Vẫn mắn đẻ trong giãn cách -0

Bóng ma virus Corona gây nguy hiểm cho sinh mệnh con người đã đành mà còn ám ảnh, tổn thương cho nền kinh tế. Hơn ai hết các doanh nghiệp bị "dính chưởng" đầu tiên. Vậy máy thở nào cho họ?

Phó Thống đốc NHNN cho rằng, dịch tiếp tục phức tạp, DN ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu gần như cạn kiệt. Vì thế, năm 2021 vẫn cấp thiết có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các NHTM trong việc  cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Lãi vay đang quá sức doanh nghiệp

Mâu thuẫn về lãi suất giữa ngân hàng và DN không mới, và nó tồn tại hàng chục năm nay khi đại đa số DN đều đang có dư nợ tín dụng với ngân hàng.  

Có ý kiến cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay của NHTM trong giai đoạn này "như muối bỏ bể", mức giảm 0,5% - 1% sẽ không đủ tháo gỡ khó khăn trong khi thủ tục để được giảm lại rất khắt khe.

Vẫn mắn đẻ trong giãn cách -0

Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng khi cả xã hội đang phải nín thở chống dịch thì lãi vay vẫn mắn đẻ bất kể ngày đêm. Do vậy, rất cần có chính sách “khoanh vùng lãi suất” đối với doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do đại dịch COVID-19. Điều này rất quan trọng để có thể thực hiện "mục tiêu kép" và mang ý nghĩa sống còn cho cả đôi bên.

Không ai hiểu DN hơn NHTM. Mỗi ngân hàng có cách đánh giá của mình về độ rủi ro, triển vọng SXKD để có chính sách riêng. "Rủi ro cao, lợi tức cao"; thị trường với muôn vàn sắc thái.

Vẫn mắn đẻ trong giãn cách -0

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TW (CIEM) đã chia sẻ quan điểm, hầu hết NHTM có lãi nhiều nghìn tỷ chỉ trong một thời gian ngắn là một điều kiện tốt để chia sẻ với DN. Vì mối quan hệ giữa họ là thực thể cộng sinh với nhau mang tính sống còn. Doanh nghiệp có sống thì NHTM mới sống được.

“Không ai bị bỏ lại phía sau”! Khẩu hiệu ấy rất cần cho mọi đối tượng kể cả doanh nghiệp. Nên chăng, các ngân hàng chỉ cần trích vài % nhỏ nhoi trên chục nghìn tỷ lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng (doanh nghiệp) không phải là điều gì quá khó khăn!. Cứu người là để giúp ta !

Khánh Dư
.
.
.