Để trái phiếu doanh nghiệp không là trái đắng:

Những hệ lụy liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (kỳ 2)

Thứ Năm, 15/12/2022, 08:43

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ rõ: “Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, năm 2022, sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC hay Công ty An Đông và Ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo”.

Nhiều hệ lụy, mất niềm tin với nhà đầu tư

Ngày 23/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp khẩn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Về phía các doanh nghiệp tham dự có 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Những hệ lụy liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (kỳ 2) -0
Cơ quan Công an thực hiện khám xét tại tòa nhà của tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Đề cập đến những sai phạm, vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gây nhiều hệ lụy, mất niềm tin với nhà đầu tư, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ rõ: “Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, năm 2022, sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC hay Công ty An Đông và Ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo”.

Với trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: "Trái phiếu doanh nghiệp luôn xác định là một công cụ của thị trường vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/9 toàn thị trường có 1,26 triệu tỷ đồng, tức gần 10% so với dư nợ vay ngân hàng thương mại. Thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong vấn đề phát hành bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư đua nhau đi rút tiền, doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn”.

Vụ án Tân Hoàng Minh xảy ra từ tháng 4/2022 cho đến nay đã hơn nửa năm nhưng những hệ lụy của nó đối với những nhà đầu tư trái phiếu đã mua trái phiếu của doanh nghiệp này là vô cùng lớn. Hàng nghìn nhà đầu tư đã bị thiệt hại trong vụ án, hằng ngày sống trong hoang mang, lo sợ. Nhiều nhà đầu tư  đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng, hàng chục tỷ đồng đi mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh; hằng tuần nhiều người vẫn tập trung căng băng rôn ở khắp nơi kêu cứu, đòi tiền.

Kết quả điều tra xác định: Trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật. Tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Ngày 5/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trước đó, ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt; Công ty CP Cung điện Mùa Đông và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil. Căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trên của nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh. Theo quyết định này, các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa Đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong 9 đợt chào bán trái phiếu trên.

Vụ việc Cơ quan điều tra bắt Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vạn Thịnh Phát cùng 3 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Sáng 8/10/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giữ Trương Mỹ Lan (SN 1956), Chủ tịch HĐQT Công Ty cổ phần Vạn Thịnh Phát cùng 3 đồng phạm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư, của các công ty, đơn vị liên quan Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 7/10/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, gồm: Trương Huệ Vân (SN 1988), tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng (SN 1984), tại TP Hồ Chí Minh, trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương (SN 1972), tại TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cơ quan điều tra xác định, các bị can trên có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các thủ tục tố tụng theo đúng quy định pháp luật.

Xử lý mạnh tay, triệt để những doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp

Những vụ án lớn, nghiêm trọng liên quan đến các sai phạm về trái phiếu của Tân Hoàng Minh, Công ty An Đông của Vạn Thịnh Phát đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội.  Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, quan điểm xử lý của ta là không có ngoại lệ, sai đến đâu xử lý đến đó, để làm lành mạnh môi trường kinh doanh, lập lại trật tự thị trường chứng khoán, trái phiếu.

“Tôi rất trân trọng và hoan nghênh cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an đã xử lý mạnh tay, triệt để đối với các trường hợp như FLC, Tân Hoàng Minh hay Công ty An Đông của Vạn Thịnh khi những doanh nghiệp này có các hoạt động làm ăn bất hợp pháp. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh vi phạm pháp luật, quan điểm xử lý của ta là không có ngoại lệ, không bỏ sót đối tượng sai phạm, sai đến đâu xử lý đến đó, để làm lành mạnh môi trường kinh doanh, lập lại trật tự thị trường chứng khoán, trái phiếu, tạo niềm tin, sự an tâm cho nhà đầu tư khi "rót tiền" vào thị trường này” - đại biểu Phạm Văn Hoà chỉ rõ và đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Những tiêu cực trong vấn đề phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh, FLC là "scandal" trong thị trường chứng khoán, trái phiếu; hệ luỵ của nó gây ra mất niềm tin cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhưng khi phát hành trái phiếu thì tỉ lệ nhà đầu tư tham gia không cao do tâm lý e ngại từ các vụ việc tiêu cực vừa qua.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, việc tổng kết việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ngày 2/6/2022, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình chỉ rõ:  Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Với sự tăng trưởng như vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh cấp vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp. Nhưng cùng với sự tăng trưởng nóng đó là những rủi ro tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm khi có nhiều loại trái phiếu phát hành không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm.

Cùng với đó, đến nay nhiều trái phiếu doanh nghiệp sắp đến kỳ đáo hạn nhưng sức khỏe của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang sụt giảm do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên dễ đối mặt với rủi ro doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn. Ngay khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp manh nha những rủi ro thì cơ quan quản lý Nhà nước đã kịp thời phát đi những cảnh báo rủi ro. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, qua những vụ việc như Tân Hoàng Minh vừa qua cho thấy, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Việt Hưng
.
.
.