Nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn trả nợ trái phiếu?

Thứ Bảy, 10/09/2022, 07:59

Áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp (DN) đang tăng cao thời gian qua trong bối cảnh nhiều "sóng gió" của ngành bất động sản, đã làm cho một số DN gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay.

Phát hành sụt giảm

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 8 của Fiin Group vừa công bố cho thấy, thị trường trái phiếu chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt vì khối lượng phát hành. Giá trị phát hành trong tháng đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng phát hành thấp nhất cả năm trên thị trường TPDN và còn thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết vốn có tính chu kỳ với khối lượng thấp.

Nguyên nhân chủ yếu do sự cẩn trọng và chờ đợi các chính sách mới từ cả phía nhà đầu tư lẫn nhà phát hành. Trong khi nhà phát hành chờ đợi những thay đổi về chính sách để có phương án phù hợp, nhà đầu tư cá nhân cũng không mấy mặn mà với các lô trái phiếu đang được chào bán bởi chưa thể nắm rõ các quy định và hướng dẫn trong trường hợp nếu không được xác định là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì có được giao dịch thứ cấp với trái phiếu đang nắm giữ hay không.

Nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn trả nợ trái phiếu? -0
Thị trường trái phiếu chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt vì khối lượng phát hành. Ảnh minh họa

Cũng theo theo Fiin Group, có một số điểm đáng lưu ý trên thị trường TPDN trong tháng 8 vừa qua, đó là hoạt động phát hành trong tháng hiện rất ảm đạm và chỉ còn hoạt động chủ yếu của các ngân hàng, dù các DN bất động sản có hồ sơ tín dụng tốt và minh bạch vẫn huy động được trái phiếu. Đặc biệt là vấn đề chậm trả lãi và gốc của một số tổ chức phát hành.

Theo FiinGroup, áp lực đáo hạn của các DN đang tăng cao trong thời gian qua trong bối cảnh nhiều "sóng gió" của ngành bất động sản, đã làm cho một số DN gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay. Thực tế này có thể sẽ còn xảy ra với một số trường hợp khác khi mà phần đông tổ chức phát hành trong 2-3 năm trước là các DN chưa niêm yết, bao gồm công ty, dự án có sức khỏe tài chính yếu, chưa có lịch sử kinh doanh và dòng tiền ổn định. Do đó, hồ sơ tín dụng chưa được tốt hoặc chưa đáp ứng tiêu chí vay tín dụng ngân hàng, hoặc huy động nguồn vốn khác trong bối cảnh hiện nay.

Có tình trạng gian lận khi chào bán trái phiếu

Nói về các rủi ro trên thị trường TPDN, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, mặc dù khung khổ pháp lý đã được ban hành đầy đủ, nhưng vấn đề thực thi pháp luật chưa nghiêm đã dẫn đến các vụ việc vi phạm bị xử lý. Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đánh giá thị trường còn các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia trên thị trường.

Cụ thể, một số DN đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu; nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo pháp luật dân sự; một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ. Đặc biệt, rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay là rủi ro từ các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu những vẫn tham gia mua TPDN.

Trên các mạng xã hội, hội nhóm gần đây đã xuất hiện hiện tượng môi giới của một số DN, tổ chức tài chính mời chào người dân mua TPDN như một hình thức gửi tiết kiệm với chào mời hỗ trợ lách luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức phí 2-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, cùng với việc lãi suất có xu hướng tăng cao, việc huy động của DN trở nên khó khăn hơn, các DN bắt đầu có hiện tượng nâng lãi suất TPDN để huy động vốn, đặc biệt là các DN bất động sản, xây dựng.

"Trước khi tham gia thị trường TPDN, nhà đầu tư cá nhân cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.

Nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết "Hợp đồng đầu tư trái phiếu" với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, DN khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự không được coi là chủ sở hữu trái phiếu hoặc theo các hình thức đầu tư khác không rõ ràng theo quy định của pháp luật là hết sức rủi ro, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.

Mọi hành vi "lách" các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật", ông Dương khuyến nghị.

Hà An
.
.
.