Nguồn lực nào xây dựng gói hỗ trợ quy mô đủ lớn?

Thứ Ba, 23/11/2021, 08:28

Năm 2021 sắp kết thúc, dự báo tăng trưởng cả năm tương đối khả quan, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 đạt 6-6,5% thì cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn để kích thích nền kinh tế, đưa doanh nghiệp (DN) trở lại guồng máy sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Khi nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước, Bộ KH&ĐT nhận định cần có gói hỗ trợ lớn, thời gian phù hợp, đảm bảo cân đối vĩ mô, có hỗ trợ cả phía cung và cầu, gắn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phù hợp với kế hoạch tài chính công, tái cơ cấu nền kinh tế, tính cả dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đảm bảo khả thi, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm.

Theo đó, chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho các đối tượng là người dân, DN, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Dự tính thời gian thực hiện hỗ trợ trong 2 năm 2022 - 2023 và nếu thông qua ngay vào kỳ họp cuối năm sẽ thực hiện ngay vào đầu năm 2022".

Mặc dù cho đến nay, quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chưa được quyết định, nhưng được dự báo là quy mô hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay. Theo các chuyên gia, để đảm bảo hiệu quả, chương trình này cần được tính toán sát hơn, khoa học và đúng bản chất hơn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6-6,5% cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn, trong đó ít nhất 1% GDP là tiền mặt.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, để tăng trưởng đột phá, gói hỗ trợ cũng phải ở mức đột phá. Nhìn ra thế giới, các nước, đặc biệt là các nước phát triển đã chi ra mức hỗ trợ lên tới 20-40% GDP. Họ không chỉ tăng chi tiêu cho y tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, mà còn hỗ trợ cả thu nhập của người dân và DN. Vì vậy người dân mất việc làm, giảm tiền lương nhưng không giảm thu nhập (vì được nhà nước bù đắp). Khi hết giãn cách xã hội, cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu chi tiêu của người dân tăng vọt, từ đó tăng trưởng kinh tế cũng bật lên rất nhanh. Mỹ là một điển hình.

Cùng với đó, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không thể đưa ra một chương trình phục hồi tốt nếu như không biết rõ thực trạng nó như thế nào. Vì vậy, phải có một đánh giá đầy đủ hơn, chính xác hơn về thực trạng, nhất là về tác động của dịch vừa qua đối với DN, với lao động, việc làm đối với một số lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Để chương trình phục hồi này khả thi thì cần xác định rõ tính mục tiêu và đối tượng để phục hồi và hỗ trợ.

TS. Võ Trí Thành cũng nêu 3 điểm cần lưu ý. Trước hết là quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ phải đủ rộng. Bên cạnh diện rộng thì cần quan tâm, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm. Những lĩnh vực quan tâm này chủ yếu dựa vào những đóng góp và mức độ thiệt hại, cũng như là sự lan tỏa khi phục hồi của ngành đó đối với phát triển. Đồng thời, chương trình này phải đủ dài về mặt thời gian trong khoảng thời gian 2 năm, từ năm 2022 đến năm 2023 mới đảm bảo hỗ trợ các DN phục hồi được.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguồn lực cho hỗ trợ là từ tăng chi, bội chi ngân sách và vay; tiết kiệm chi thường xuyên; sử dụng một phần nào đó từ dự trữ ngoại hối; tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục phải cắt giảm chi phí giao dịch cho DN. Giả sử như nếu chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2% (từ 4 - 6%) thì chúng ta có thêm 7 tỷ USD. Chúng ta có thể vay mượn trong nước, tổ chức quốc tế và điều kiện vay tương đối thuận lợi. Ngoài ra, cũng có những cách kĩ thuật để sử dụng một phần nào đó của dự trữ ngoại tệ…

TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, cần mạnh dạn sử dụng công cụ tài khóa, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, muốn huy động nguồn lực từ đâu cần căn cứ vào cấu trúc đó để tính toán, huy động. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt những gói hỗ trợ hiện tại bởi vẫn còn dư địa của những gói đó khi các gói này vẫn đang trong quá trình giải ngân.

Lưu Hiệp
.
.
.