Ngành dệt may phải chuyển đổi xanh để theo kịp xu hướng toàn cầu

Thứ Sáu, 28/07/2023, 07:15

Tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh” tổ chức ngày 27/7 ở TP Hồ Chí Minh, TS. Trương Thị Ái Nhi, Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) nhận định: Dệt may thuộc nhóm ngành phải tuân thủ các tiêu chuẩn “xanh hóa” trong sản xuất như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm khí phát thải. Hiện có từ 75 đến 96 tiêu chí đánh giá của các nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc và một số nước khác đối với dệt may Việt Nam.

Bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, sản lượng dệt may toàn cầu tăng gần gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2015 và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Mức tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến sẽ tăng 63% vào năm 2030. Song song với việc mở rộng về sản xuất và tiêu thụ là các tác động tiêu cực đến tài nguyên, nước, tiêu thụ năng lượng và khí. Chính vì vậy, nhu cầu giải quyết vấn đề môi trường và tài nguyên trong ngành dệt may trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hiện, ngành dệt may thế giới đang trong quá trình chuyển đổi “xanh”, tức là thay đổi quy trình sản xuất, lưu thông sản phẩm theo hướng giảm thiểu ô nhiễm đầu vào và đầu ra, tiết kiệm nguồn lực cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngành dệt may phải chuyển đổi xanh để theo kịp xu hướng toàn cầu -0
Ảnh minh họa.

Nhiều khu vực và quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ban hành những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi hàng hóa sản xuất phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững. Ngành dệt may Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Việc xanh hóa ngành dệt may sẽ góp phần mang lại nhiều lợi thế cho DN hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) khẳng định: “Nếu DN không có chiến lược chuyển đổi, khách hàng sẽ lựa chọn những nhà cung cấp khác đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh và phát triển bền vững, DN sẽ mất đơn hàng và sẽ không thể tồn tại”.

Trong chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 12/2022 cũng quy định rõ: Phát triển ngành dệt may, da giày phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội, đảm bảo phù hợp mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2035, ngành dệt may và da giày phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.

Với ngành dệt (bao gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải), phát triển sản xuất các loại xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao,... đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu. Ưu tiên xây dựng các dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.

Với ngành may: Lựa chọn phát triển những mặt hàng chiến lược có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao, dịch chuyển sản xuất về các huyện, thị xã và các khu vực có nguồn lao động và hệ thống hạ tầng thuận lợi.

Để đạt mục tiêu “xanh hóa”, phù hợp xu hướng của thị trường xuất khẩu, bà Đinh Thị Bảo Linh khuyên DN cần quan tâm các vấn đề như: Hiệu quả năng lượng, bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và đầu tư vào máy móc tiên tiến để giảm đáng kể lượng khí thải carbon; tiết kiệm nước để giảm thiểu lượng nước thải; chuyển sang sử dụng các nguồn điện tái tạo để giúp tiết kiệm năng lượng; xử lý chất thải và bao bì để giảm thiểu chất thải, các vật liệu đóng gói không cần thiết.

T.Hà
.
.
.