Hải quan hiện đại hóa công tác thu ngân sách (Bài 3)

Chủ Nhật, 08/10/2023, 10:17

Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, đặc biệt các DN thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu (XNK) có số lượng lớn tờ khai phải nộp thuế, Tổng cục Hải quan đã nâng cấp, mở rộng hình thức thanh toán nộp thuế điện tử 24/7, triển khai Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu (ủy quyền trích nợ), vừa tạo thuận lợi cho DN vừa đảm bảo thu đúng, đủ, tránh thất thu cho NSNN.

Đẩy mạnh chương trình doanh nghiệp nhờ thu

Cách đây 7 năm, để hiện đại hóa công tác thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Hải quan đã triển khai hình thức nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, tạo thêm kênh thanh toán với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Theo đó, việc nộp thuế được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, góp phần hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản kịp thời, chính xác, giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4. Chương trình DN nhờ thu sẽ là bước đột phá trong công tác thu nộp NSNN.

untitled-1.jpg -0
Cục Hải quan tỉnh Bình Dương vẫn đang duy chì cơ chế đối thoại với cộng đồng DN theo đột xuất và định kỳ.

Gần đây, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, đặc biệt các DN thường xuyên làm thủ tục XNK có số lượng lớn tờ khai phải nộp thuế, Tổng cục Hải quan nâng cấp mở rộng hình thức thanh toán nộp thuế điện tử 24/7, triển khai Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu (ủy quyền trích nợ). Tức là, DN không cần tự nộp thuế mà cơ quan hải quan sẽ gửi thông tin tờ khai và ngân hàng được ủy quyền sẽ tự động nộp thay DN.

Đến nay có 7 ngân hàng tham gia triển khai Chương trình nộp thuế điện tử - DN nhờ thu gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank); Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Ông Nông Phi Quảng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, với Chương trình này, sau khi phát sinh tờ khai nợ thuế thì cơ quan hải quan sẽ chuyển ngay thông tin số thuế phải nộp của từng tờ khai sang ngân hàng mà DN đã ủy quyền trích nợ tài khoản nộp thuế theo một định mức về tiền và khoảng thời gian nhất định. Với phương thức nộp thuế này, DN hoàn toàn chủ động, không mất thời gian và chi phí để thanh toán thuế.

untitled-2.jpg -0
Công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài hướng dẫn thủ tục cho khách XNC.

Đối với ngân hàng, chương trình này giúp ngân hàng phối hợp với cơ quan hải quan bổ sung dịch vụ thanh toán hỗ trợ DN trong thanh toán tiền thuế và thu khác vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, có thể thấy, chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu đã mang lại những lợi ích đa chiều cho các bên tham gia, tạo thuận lợi tối đa cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng, tăng tính minh bạch và cải cách thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Thế Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hòn Gai - Quảng Ninh cho biết, Chương trình giúp cơ quan hải quan trong việc theo dõi nợ thuế, hạn chế tối đa sai sót của DN khi nộp thuế, nhất là trường hợp DN có nhiều tờ khai và có nhiều bộ phận khác nhau. Cơ quan hải quan cũng rất nhanh chóng trong việc kiểm tra thanh toán thuế của DN và giải quyết thông quan hàng hóa nhanh nhất để DN đưa vào sản xuất, kinh doanh.

untitled-3.jpg -0
Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 3/10.

Mở thêm một kênh thanh toán điện tử tự động cho doanh nghiệp

Về lợi ích khi tham gia Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu có thể thấy, đối với DN, thủ tục với cơ quan hải quan được cập nhật và xử lý hoàn toàn tự động trên Cổng thông tin điện tử. Ông Nông Phi Quảng cho biết, khi đã được xác nhận tham gia chương trình, DN không phải thực hiện thao tác nào khác trên hệ thống của cơ quan hải quan. Tất cả các bước thu nộp sẽ được xử lý hoàn toàn tự động không có sự can thiệp của DN cũng như công chức hải quan. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa các sai sót khi thao tác nhầm trên máy, ví dụ như sai tiểu mục, số tiền, số tờ khai… dẫn tới chậm giải phóng hàng. DN cũng hoàn toàn chủ động không phải mất thời gian và chi phí để thanh toán thuế. Thời gian làm thủ tục cũng được rút ngắn đáng kể. Trong quản lý, cơ quan hải quan chuyển từ bị động chờ DN chuyển tiền nộp thuế sang chủ động chuyển yêu cầu của DN sang ngân hàng để thanh khoản nợ thuế. Từ đó rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa do tiền thuế được xử lý nhanh.

“Chúng tôi chỉ cần đăng ký một lần để tham gia chương trình, sau đó nhờ ngân hàng trích nợ ủy quyền trên hệ thống và không cần làm bất cứ thao tác gì trên hệ thống hải quan cũng như ngân hàng. Những khoản thuế tự động được nộp và tờ khai tự động được thông quan”, bà Trần Thị Mai Quyên, đại diện Công ty TNHH sợi hóa học Thế kỷ mới Việt Nam cho hay.

Đồng thời, các DN không phải thực hiện nộp trước tiền ngay sau khi khai báo, nên có thời gian chủ động nguồn vốn của mình. Ngân hàng chỉ trích tiền từ tài khoản của DN ngay sau khi DN đã hoàn thành về thủ tục hải quan, xác định chính xác số phải nộp, tờ khai tự động thông quan hàng hóa.

Đặc biệt, chương trình này còn hỗ trợ cho các DN làm thủ tục XNK hàng hóa tại các cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở không có điểm thu của ngân hàng/Kho bạc, không có mạng internet để triển khai nộp thuế điện tử. Ngoài ra, chương trình DN nhờ thu sẽ mở thêm một kênh thanh toán điện tử tự động cho DN có sự lựa chọn phù hợp với yêu cầu kinh doanh và tài chính của đơn vị.

Do vậy, việc nộp thuế, thanh khoản trừ nợ và thông quan hàng hóa hoàn toàn tự động không có sự can thiệp của DN và công chức hải quan đã rút ngắn thời gian xử lý so với nộp thuế điện tử 24/7, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN.

Để triển khai thuận lợi, Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề nghị các ngân hàng tham gia Chương trình bố trí cán bộ chuyên trách hỗ trợ giải đáp các vướng mắc liên quan kịp thời cho DN.

Về điều kiện tham gia chương trình, ông Nông Phi Quảng cho biết, đối với ngân hàng: Phải là ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan đã triển khai thanh toán điện tử và thông quan 24/7; đã phát triển hệ thống công nghệ đáp ứng triển khai Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu.

Theo ông Quảng, Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu được Tổng cục Hải quan nâng cấp, mở rộng trên nền tảng hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN thường xuyên làm thủ tục XNK có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ năng lực tài chính. Thủ tục để các DN đăng ký tham gia chương trình cũng rất đơn giản. DN chỉ cần đăng ký với cơ quan hải quan. Sau đó ký ủy quyền trích nợ tài khoản với ngân hàng giữ tài khoản của DN và ngân hàng đó đã tham gia Chương trình nộp thuế điện tử 24/7 với cơ quan hải quan. Lưu ý, chỉ được đăng ký 1 tài khoản tại 1 ngân hàng. Sau khi dữ liệu đăng ký được cập nhật, hệ thống của hải quan sẽ căn cứ số tiền còn nợ thuế và thu khác trên hệ thống kế toán thuế để chuyển thông tin còn phải thu sang ngân hàng để ngân hàng thực hiện trích nợ tài khoản nộp tiền thuế và thu khác cho DN. DN cần phải duy trì số dư của tài khoản luôn lớn hơn số tiền trích nợ.

Từ khi Tổng cục Hải quan bắt đầu triển khai Chương trình vào năm 2019, có 5 ngân hàng tham gia. Đến năm 2020 thêm 2 ngân hàng và hiện nay đã có 8 ngân hàng tham gia. Việc triển khai và mở rộng nộp thuế điện tử đang là xu thế phát triển của xã hội hiện đại và có rất nhiều tiện ích, do đó, sẽ có thêm nhiều ngân hàng, cũng như DN tham gia trong thời gian tới. Hiện có 47 ngân hàng hiện đang triển khai phối hợp thu với Tổng cục Hải quan và đã triển khai thanh toán nộp thuế điện tử 24/7 đều có thể đăng ký tham gia Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu (ủy quyền trích nợ). Ngoài ra, ngân hàng cần phát triển hệ thống công nghệ đáp ứng triển khai chương trình này.

Trong thời gian tới, ngành Hải quan đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn diện về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, chuyển đổi số, nghiệp vụ hải quan. Những nội dung này đã được xác định rõ trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030. Đối với lĩnh vực quản lý thuế, ngành Hải quan sẽ tái thiết kế quy trình quản lý thuế theo hướng đơn giản hóa, đồng bộ với quy trình thủ tục hải quan từ khâu thu, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế… đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động quản lý thuế, triển khai mô hình hải quan số với mức độ tự động hóa cao. Tổng cục Hải quan cũng đang tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý mở rộng thêm các hình thức thanh toán khác cho người nộp thuế, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả.

untitled-4.jpg -0
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước, Cục Hải quan Bình Dương

Giảm tỷ lệ luồng đỏ, tăng 20% doanh nghiệp tuân thủ pháp luật

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó, tạo động lực mới cho DN phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, ngành hải quan tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/1/2023 về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023, với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện. Dựa trên số liệu tờ khai XNK hàng hóa năm 2022, lực lượng chức năng giảm được 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ sẽ giảm tương ứng khoảng 31.000 tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa, qua đó, giảm gần 20.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. Nếu giảm 10% tỷ lệ lô hàng luồng vàng sẽ giảm đến 440.000 bộ hồ sơ hải quan phải kiểm tra hải quan và giảm gần 100.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. Rõ ràng, điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho cơ quan quản lý và cả DN XNK.

Một chương trình khác được triển khai nhiều năm là "Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên về hải quan", với nhiều hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho DN XNK. Qua thời gian thí điểm từ năm 2011, triển khai chính thức từ năm 2014, tính hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 DN đang được áp dụng chế độ DN ưu tiên. Đặc biệt đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với hải quan các nước thành viên ASEAN. Đây là thỏa thuận về DN ưu tiên đầu tiên với nước ngoài mà Việt Nam ký kết và triển khai thực tế.

Theo định hướng đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về DN ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức hải quan thế giới (WCO) để mở rộng đối tượng tham gia và tiếp tục thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên giữa hải quan Việt Nam và hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.

Trước đó, từ năm 2022, Tổng cục Hải quan ban hành quyết định về việc triển khai Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Thời điểm công bố vào tháng 9/2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 190.000 DN đang hoạt động XNK, chỉ có 10% DN tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Đáng quan ngại, có đến gần 90% DN đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ. Trong năm 2023, chương trình được đẩy mạnh tại các cục hải quan địa phương với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan hải quan và DN. “Chúng tôi đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% DN tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của DN, phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động XNK ", ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.

Sau 1 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, có 213 DN XNK, đại lý hải quan tham gia và được công nhận là thành viên của chương trình tại 34 cục hải quan các tỉnh, thành phố. Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình tăng hạng về tuân thủ pháp luật hải quan. Chẳng hạn, tại Cục Hải quan Đồng Tháp, trước khi tham gia chương trình, hệ thống thông tin ngành Hải quan ghi nhận Công ty TNHH liên doanh Nghị Phong và Công ty TNHH Tỷ Thạc tuân thủ pháp luật xếp hạng 4 nhưng sau gần 1 năm tham gia chương trình, đến tháng 6/2023, DN được nâng hạng khi hệ thống thông tin ngành hải quan ghi nhận đánh giá tuân thủ xếp hạng 3...

Quy trình thu thuế theo Đề án “Thí điểm nộp thuế điện tử đối với hàng hóa XNK qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán” sẽ gồm 6 bước.

Bước 1: Người nộp thuế lập chứng từ nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) trên hệ thống trung gian thanh toán.

Bước 2: Tổ chức trung gian thanh toán gửi và phản hồi thông tin thanh toán đến hệ thống hải quan.

Bước 3: Tổ chức trung gian thanh toán chuyển thông tin nộp tiền đến ngân hàng bảo lãnh- trung gian thanh toán.

Bước 4: Ngân hàng bảo lãnh- trung gian thanh toán chuyển thông tin nộp tiền đến cơ quan Hải quan. Đồng thời chuyển thông tin thu NSNN đến Kho bạc Nhà nước. Ngân hàng bảo lãnh- trung gian thanh toán phản hồi đến tổ chức trung gian thanh toán thông tin đã được gửi đến cơ quan Hải quan.

Bước 5: Cơ quan Hải quan kiểm tra thông tin, hạch toán trừ nợ, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ về thuế của người nộp thuế và thông quan, giải phóng hàng.

Bước 6: Kho bạc Nhà nước gửi bảng kê nộp tiền vào NSNN cho cơ quan Hải quan và cơ quan Hải quan cập nhật vào hệ thống, hạch toán thu với ngân sách.

Hải quan Việt Nam mong muốn vươn lên đón đầu công nghệ

Tại tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai” do Tạp chí Hải quan tổ chức, nhân sự kiện Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) diễn ra từ ngày 10-12/10/2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội, Việt Nam), bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho biết, Hải quan Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khối ASEAN đăng cai tổ chức sự kiện thường niên này của WCO. Việc Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm trong hợp tác đa phương và song phương của trong khuôn khổ WCO. “Tôi cho rằng chủ đề của hội nghị năm nay rất phù hợp với Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 mà Hải quan Việt Nam đang triển khai với mục tiêu xây dựng Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh. Tại hội nghị lớn này, Hải quan Việt Nam cũng sẽ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm cũng như tiếp cận công nghệ mới và cơ hội giới thiệu tới Hải quan các nước về những nỗ lực triển khai công tác hiện đại hóa, áp dụng công nghệ mới nổi và công tác kiểm soát, kiểm tra giám sát hải quan của Hải quan Việt Nam”, bà Nga nói.

Đặc biệt, hội nghị cũng là cơ hội để Hải quan Việt Nam giới thiệu về các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, xây dựng Hải quan thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam. Đặc biệt, việc đăng cai hội nghị cũng sẽ mở ra cho Hải quan Việt Nam nói chung và các DN công nghệ của Việt Nam nói riêng cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước. Với mong muốn vươn lên đón đầu công nghệ, Hải quan Việt Nam đã và đang nỗ lực, học hỏi, chia sẻ và không ngừng trau dồi, đẩy mạnh công tác đào tạo cho cán bộ công chức Hải quan. Trong đó, theo lãnh đạo cơ quan Hải quan, việc đổi mới và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan không chỉ hướng tới mục tiêu khai thác sức mạnh của công nghệ để ứng phó với các thách thức mới nổi của thương mại toàn cầu mà còn là giúp nuôi dưỡng thế hệ kế cận và chia sẻ thông tin, chống các hành vi gian lận, tạo thuận lợi thương mại giữa các quốc gia trên thế giới.

Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đẩy mạnh cơ chế đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp

Hiện, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương vẫn đang duy chì cơ chế đối thoại với cộng đồng DN theo đột xuất và định kỳ. Cụ thể: Chủ động tổ chức tham vấn DN XNK, Đại lý hải quan và các Hiệp hội DN ngay khi nhận được phản ánh vướng mắc, bất cập khi thực hiện quy định về XNK và các quy định có liên quan. Qua các buổi tham vấn, Cục đã nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN liên quan đến thực hiện quy định mới, đồng thời tổng hợp vướng mắc và đề xuất kiến nghị Tổng cục Hải quan, các Bộ ngành theo hướng tháo gỡ khó khăn cho DN trong gia đoạn khó khăn hiện nay.

Hàng năm, Cục đều tổ chức Hội nghị tập huấn, đối thoại cấp Cục với các DN Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản (2 hội nghị/năm) và cấp Chi cục (4 hội nghị/năm) tại tất cả 8 Chi cục trực thuộc để tập huấn cho các DN về các chính sách, quy định mới liên quan đến lĩnh vực hải quan, lĩnh vực XNK cũng như lắng nghe và nắm bắt vướng mắc, khó khăn, thực hiện giải đáp các vướng mắc còn tồn tại của các DN hoặc tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị của DN về các quy định pháp luật có liên quan để kịp thời tổng hợp, báo cáo Tổng cục Hải quan có hướng tháo gỡ kịp thời. Chủ động mời gọi DN tham gia các Hội nghị lấy ý kiến, giải đáp vướng mắc về thủ tục hải quan do Tổng cục Hải quan tổ chức nhằm tạo điều kiện để DN trực tiếp trình bày các khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị để được tháo gỡ. Tổ chức triển khai thường xuyên kế hoạch ký kết hợp tác đối tác Hải quan – doanh nghiệp cấp Cục và cấp Chi cục.

Tính đến nay, toàn Cục đã tổ chức ký kết hợp tác đối tác với hơn 100 DN và Đại lý hải quan có uy tín và chấp hành tốt pháp luật. Đáng chú ý trong số đó, vào tháng 3/2023, Cục đã tổ chức ký kết hợp tác đối tác với 1 đối tác lớn là Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam thuộc Tập đoàn Lego toàn cầu, có quy mô vốn đầu tư 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương.

Thông qua các cơ chế đối thoại và ký kết hợp tác đối tác, Cục cũng tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc phản ánh các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động XNK, cũng như hỗ trợ cho DN trong việc chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các quy định pháp luật và giám sát các hoạt động quản lý của cơ quan hải quan để có ý kiến góp ý, phản ánh nếu có nhằm nâng cao chất lượng phục vụ DN và hạn chế các biểu hiện tiêu cực của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ. Các khó khăn, vướng mắc sẽ được giải đáp thỏa đáng ngay tại các buổi đối thoại.

Lưu Hiệp
.
.
.