Gỡ rào cản cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Thứ Hai, 12/12/2022, 08:34

Kiểm tra chuyên ngành - một thủ tục xuất nhập khẩu (XNK) cần thiết nhưng việc kiểm tra chuyên ngành làm thời gian thông quan tại cửa khẩu kéo dài, gây chậm trễ trong hoạt động giao thương, tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp (DN). Nguyên nhân là do hàng hoá chịu sự kiểm tra của nhiều bộ, ngành. Tình trạng này đã khiến nhiều DN bức xúc.

Thời gian gần đây, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tiếp nhận thông tin về sự việc 4 DN kinh doanh dịch vụ vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam - Campuchia phản ánh bị một số cán bộ hải quan gây khó khăn trong thủ tục kiểm tra. Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu nêu rõ khó khăn vướng mắc DN đang gặp phải đó là tỷ lệ kiểm tra 100% gây nhiều khó khăn cho DN, kiến nghị cần giảm tỷ lệ kiểm tra.

Gỡ rào cản cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu -0
Cần giảm dần tỷ lệ kiểm tra trong giai đoạn thông quan.

Việc khai chi tiết tên hàng, mã HS như quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC là chưa phù hợp đối với hoạt động quá cảnh. Đối với các lô hàng thuộc diện kiểm dịch thực vật, DN phải đi xin tại Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), yêu cầu phải kê khai chi tiết tên shipper (người giao hàng), tên consignee (người nhận hàng) là không phù hợp; lô hàng phải xin giấy phép của Bộ Công Thương làm mất nhiều thời gian của DN. Thời gian kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa kéo dài do DN chưa xin được giấy phép, kiểm tra chuyên ngành...

Đại diện Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã tiếp thu các ý kiến của DN, kiến nghị lên các cấp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, thủ tục. Từ sự việc trên cho thấy, trong hoạt động XNK, DN vẫn còn nhiều vướng mắc cần được cơ quan chức năng hỗ trợ liên quan đến chính sách, các thủ tục quản lý, kiểm tra.

Ông Trần Việt Huy – Giám đốc Công ty Trasas, Trưởng ban Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics cho rằng, cộng đồng DN thấy trong 3 năm gần đây “trăm hoa đua nở” trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhóm 2 chứ không hề cắt giảm. Các bộ, ngành cần phải xem lại có thật sự giảm kiểm tra chuyên ngành hay không? Ông Trần Việt Huy đề xuất: Cơ quan quản lý chuyên ngành nên chấp nhận hình thức đại lý hải quan thay mặt chủ hàng. Hầu hết các thủ tục do đại lý hải quan làm, nhưng hiện nay chỉ có một số cơ quan quản lý chuyên ngành chấp nhận đại lý hải quan được làm, ký tên thay mặt thôi chứ không chấp nhận; hoạt động quản lý chuyên ngành rất phức tạp, nhưng hiện nay các cơ quan quản lý chuyên ngành không có các tổng đài, email hỗ trợ tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, và chính vì vậy DN rất dễ bị sai phạm ở lĩnh vực này.

Trong báo cáo “Mức độ hài lòng của DN về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành” công bố vào tháng 11/2022 thông qua hợp tác giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan Việt Nam đánh giá: Có 58,92% DN đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ thủ tục. Kiểm tra chồng chéo, trùng lặp là khó khăn thường gặp nhất với 39% lượt DN lựa chọn khi tham gia khảo sát và 12% DN cho rằng, thái độ của công chức không đúng mực khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó là  thời gian xử lý hồ sơ quá lâu, thiếu thông tin thống nhất về quy định nội dung hồ sơ, bị yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định…

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết:  Trước năm 2015, tỷ lệ các lô hàng kiểm tra chuyên ngành rất lớn, trong đó gần như không áp dụng quản lý rủi ro, kiểm tra 100% lô hàng và nhiều đầu mối thực hiện hoạt động kiểm tra này, các hồ sơ thủ tục hành chính DN thực hiện với cơ quan hải quan và cơ quan quản lý thì hầu hết là thủ công. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, phải giảm dần tỷ lệ kiểm tra trong giai đoạn thông quan để rút ngắn thời gian cho DN, đồng thời áp dụng hệ thống điện tử vào trong các thủ tục hành chính và định hướng tới đây là áp dụng quản lý rủi ro. Đến nay, cơ quan đầu tiên áp dụng quản lý rủi ro là ngành Hải quan và từ mô hình này sẽ nhân rộng áp dụng cho cho các ngành quản lý khác.

Kể từ năm 2018, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (từ 2018 - 2023) và Tổng cục Hải quan đã tiến hành 5 đợt rà soát các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành, quy tụ đại diện của các cơ quan hải quan, các bộ, ngành và khu vực tư nhân để đề xuất những lĩnh vực cải cách cần thiết. Kết quả là số lượng hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 30% năm 2015 xuống còn 19%, qua đó tạo thuận lợi cho thương mại và tiết kiệm chi phí cho DN cả thời gian và tiền bạc.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: “Dự án đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và pháp lý hiệu quả thông qua nhiều hoạt động, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan, nâng cao năng lực và phát triển quan hệ đối tác công-tư hiệu quả”.

Thúy Hà
.
.
.