Giá trị tăng cao từ phụ phẩm xuất khẩu

Thứ Hai, 12/06/2023, 08:10

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m3 gỗ tròn, thải ra 3,4 triệu tấn vỏ, cành, lá và quá trình chế biến tạo ra 2,4 triệu tấn mùn cưa. Các phụ phẩm này được dùng ép viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, phân hữu cơ...

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong quý 1/2023 doanh thu xuất khẩu (XK) ngành gỗ đạt 3,1 tỉ USD, giảm 28% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, cũng giống như năm 2022, trong khi XK các sản phẩm chính gặp khó khăn, thì các phụ phẩm của ngành gỗ vẫn tăng trưởng rất ấn tượng. Tăng trưởng mạnh nhất là sản phẩm viên nén gỗ, năm 2022 đạt 818 triệu USD, (tăng gần 81% so với năm 2021) và trong quý I/2023, mặt hàng này đạt kim ngạch 212 triệu USD (tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022).

Thị trường tiêu thụ chính là Hàn Quốc, Nhật Bản và một phần nhỏ xuất sang EU. Mặt hàng thứ hai là dăm gỗ, năm 2022 XK gần 2,8 tỉ USD (tăng gần 61% so với năm 2021) và trong quý I/2023 đạt gần 600 triệu USD (tăng trên 30% so với cùng kỳ 2022). Thị trường XK chính của mặt hàng là Trung Quốc và Nhật Bản.

Giá trị tăng cao từ phụ phẩm xuất khẩu -0
Ngành gỗ xuất khẩu gặp khó khăn nhưng sản phẩm phụ tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, XK dăm gỗ và viên nén gỗ thuận lợi vì xu hướng ở một số nước chuyển sang nguyên liệu này khi nguồn cung xăng dầu căng thẳng. Tuy nhiên, tình hình chung của cả ngành vẫn tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, các nước tăng cường các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại nên ngành gỗ XK gặp không ít khó khăn.

Trong lĩnh vực thủy sản, các loại phụ phẩm có khoảng 1 triệu tấn (chiếm đến 15-20% tổng sản lượng chế biến thủy sản chế biến), tưởng là đồ bỏ đi, nhưng trong đó có đến 90% phụ phẩm chính là nguyên liệu đầu vào rất quan trọng của nhiều ngành công nghiệp. Như cá tra fillet là sản phẩm XK chính, còn da cá sản xuất ra collagen và gelatin được dùng trong lĩnh vực liên quan tới thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, còn mỡ cá tra thì sản xuất dầu ăn… Tuy nhiên, hiện nay ngành chế biến phụ phẩm thủy sản chỉ mới khai thác khoảng 275 triệu USD (năm 2020). Nếu ứng dụng công nghệ cao vào chế biến gần 1 triệu tấn phụ phẩm của ngành thủy sản thì có thể thu về tới 4-5 tỷ USD.

Có thể thấy, gần như ngành nào trong lĩnh vực nông nghiệp các loại phụ phẩm đều mang lại giá trị cao, nhưng gần như bị bỏ phí chưa khai thác nhiều. Ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ, với cây dừa thì không bỏ gì hết, nhưng thực tế hiện nay ghi nhận XK chỉ có trái dừa. Còn gỗ dừa, hiện nay chỉ đơn thuần làm thủ công mỹ nghệ đơn giản sử dụng trong gia dụng như muỗng, nĩa,... với chỉ số XK rất thấp, do công nghệ chế biến chưa chuyên sâu, các loại hóa chất bảo quản trong các loại gia dụng chưa được công bố rộng rãi, cho nên hạn chế đi vào các thị trường cao cấp trên thế giới. Gỗ dừa phục vụ cho ngành xây dựng, trang trí nội thất và thủ công mỹ nghệ khác như gốc cây dừa, Trung Quốc làm ra những bức tượng lớn, làm thủ công mỹ nghệ rất chuyên sâu, nhưng Việt Nam từ trước giờ gần như bỏ ngỏ.

Những năm gần đây, người dân Việt Nam bắt đầu quan tâm đến và cũng đã xuất hiện nhiều ngôi nhà bằng gỗ dừa. Hiệp hội cũng khuyến khích XK chính ngạch gỗ dừa, nhưng doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, chưa rõ ràng về ấn định mức thuế trong quá trình XK, thậm chí cơ quan thuế, hải quan cũng lúng túng trong vấn đề này.

“Tôi cho rằng, ngành gỗ của Hiệp hội dừa trước đây gần như là bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đến. DN cũng không có một hành lang pháp lý, chưa được chính sách khuyến khích của các ban, ngành chức năng, nên DN không có một điểm sáng để mạnh dạn đầu tư. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tổ chức nhiều sự kiện để DN có định hướng ngành này trong tương lai và đẩy mạnh chuyên sâu ngành gia dụng từ gỗ dừa đang khai thác để sản phẩm gia dụng gỗ dừa bước vào bàn ăn của giới thượng lưu, thuộc hàng sản phẩm cao cấp”, ông Khoa nói.

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, là những khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Việc khai thác, tái sử dụng và chế biến sâu các loại phụ phẩm của các ngành hàng không chỉ mang lại doanh thu cho DN mà còn có ý nghĩa lớn hơn là hướng tới một nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không chất thải, tiến gần tới cam kết Việt Nam đến năm 2050 đưa phát thải khí nhà kính bằng 0.

T.Hà
.
.
.