Giá thịt lợn giảm khiến người chăn nuôi thấp thỏm

Chủ Nhật, 04/12/2022, 07:58

Giá thịt lợn liên tục giảm trong khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu thừa cung do người tiêu dùng giảm tiêu thụ khiến người nuôi lo lắng. Bên cạnh việc kiến nghị “nới lỏng” các khâu để xuất khẩu được thịt lợn qua đường tiểu ngạch, về lâu dài, phải có phương án nâng cao chất lượng thịt lợn, tiến tới xuất khẩu chính ngạch giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Người chăn nuôi đang lỗ

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi cả nước đã xuống dưới 60.000 đồng/kg. Có những ngày trong tháng 11, giá lợn hơi tại nhiều địa phương đã tụt xuống mức 58.000 đồng/kg. Với mức giá trên, nhiều người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ bị thua lỗ, vì thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã đẩy giá thành chăn nuôi heo lên mức 60.000 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và hiện chiếm hơn 80% trong cơ cấu giá thành. Với giá thành khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg, trừ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có thể tiết giảm chi phí và bù đắp lợi nhuận ở các lĩnh vực khác, còn hầu hết người chăn nuôi đều thua lỗ nặng.

Giá thịt lợn giảm liên tục có nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Kể từ sau COVID-19, giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng cao trong khi thu nhập của người dân không tăng, thậm chí giảm trong bối cảnh nhiều công ty, xí nghiệp bị thu hẹp thị trường và giảm đơn hàng đã phải cắt giảm giờ làm việc, cho công nhân nghỉ việc. Người tiêu dùng cũng có xu hướng chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại thực phẩm khác và giảm ăn thịt lợn.

Nguồn thịt lợn trong nước dồi dào, trong khi theo đúng chu kỳ mọi năm thì tháng 11 sẽ là tháng tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh, giá sẽ tăng lên nhưng năm nay, giá thịt lợn đã giảm hơn cùng kỳ năm trước. Trước tình trạng này, đã có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nới lỏng xuất khẩu thịt lợn qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Trước ý kiến này, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các bộ, ngành liên quan về việc phối hợp nghiên cứu những phản ánh liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt lợn.

Công văn do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký nêu rõ, giá lợn hơi trong nước ở nhiều địa phương hiện đã xuống thấp dưới 60.000 đồng/kg, thậm chí những ngày gần đây rớt xuống còn 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo phản ánh, nguồn cung trong nước đang dư thừa và có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để được bán lợn qua biên giới khi giá lợn hơi thế giới đang ở mức cao. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long khẳng định, Việt Nam không giới hạn định mức xuất khẩu lợn và sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm thịt lợn sang thị trường các nước thì doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đây là trở ngại lớn với nhiều doanh nghiệp muốn xuất khẩu thịt lợn.

4-2.jpg -0
Hiện nay, các nước nhập khẩu chỉ chấp nhận sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ quốc gia, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới.

Xuất khẩu chính ngạch còn nhiều rào cản

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định, với mức giá lợn hơi như hiện nay người chăn nuôi không có lãi. Do vậy, cần tìm nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nhằm nâng giá lên, giúp người chăn nuôi có lợi nhuận, đảm bảo duy trì sản xuất ổn định.

"Nếu xuất khẩu thịt lợn được thì tốt quá, thậm chí đó là giải pháp hiệu quả nhất về lâu dài cho ngành chăn nuôi", ông Dương nhấn mạnh. Ông Nguyễn Trí Công cũng đề xuất: “Giá thịt lợn trong nước hiện nay đang có sự chênh lệch khá lớn so với các nước lân cận. Do đó, Nhà nước cần có chính sách điều hành linh hoạt, kể cả xem xét xuất sang Trung Quốc theo hình thức mậu biên, trao đổi hàng hóa qua biên giới". Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, thời gian qua, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hàng năm. Hiện nay, lượng thịt lợn xuất khẩu vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng xuất chuồng.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, vấn đề về giá bán và xây dựng vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là “rào cản” lớn cho thịt lợn xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam. Hiện Việt Nam chưa có cơ sở, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Việc này khiến cho xuất khẩu thịt lợn gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, thịt lợn xuất khẩu Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác vì giá thành cao (tương đương 3 USD/kg, trong khi giá thịt lợn ở Mỹ là 1,1 USD/kg). Mặt khác, giá thành chăn nuôi lợn ở Việt Nam cũng cao do nước ta phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó, chi phí này chiếm tới 65-70% cơ cấu giá thành chăn nuôi lợn.

Hiện nay, các nước nhập khẩu chỉ chấp nhận sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ quốc gia, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Trong khi việc chứng minh vùng nuôi lợn an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới là rất khó, cần nhiều nguồn lực, đặc biệt là cần vùng đất rộng lớn (từ 500ha trở lên), tách biệt về mặt địa lý và có khoảng cách xa (tối thiểu 10km) với các vùng chăn nuôi lợn mật độ cao. Nhận định xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới tại vùng Đông Nam Bộ. Bước tiếp theo là nhân rộng mô hình, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước; đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu mặt hàng thịt lợn chính ngạch sang các nước.

Chi Linh
.
.
.