Doanh nghiệp vẫn phàn nàn lãi suất cao

Chủ Nhật, 17/03/2024, 07:09

Trong khi tín dụng hầu hết các ngành kinh tế giảm, thì tiền lại đổ mạnh vào chứng khoán. Hai tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

Tín dụng 2 tháng tăng trưởng âm

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

img_8502.jpg -0
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tín dụng giảm 2 tháng đầu năm.

"Mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS), tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023. Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế", ông Tú nói.

Về lý do tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, nguyên nhân khách quan là theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán dẫn tới 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng. Bên cạnh đó, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng chung, tín dụng BĐS tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế… Về nguyên nhân chủ quan, NHNN cho rằng, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn. Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng. Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường BĐS đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn…

Chia sẻ thực tế từ ngân hàng, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, trong thời gian qua, Agribank đã quyết liệt thực hiện nhiều chủ trương để đẩy vốn ra nền kinh tế, tuy nhiên tín dụng Agribank vẫn giảm hơn mức bình quân của cả hệ thống. "Đây cũng là tính đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp khi khách hàng bán hàng phục vụ dịp Tết, có tiền trả nợ thậm chí còn gửi lại ngân hàng và chưa đến vụ gieo trồng mới chưa có nhu cầu vay vốn để mua giống phân bón thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, do sức cầu yếu, người dân thận trọng thắt chặt chi tiêu cũng ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, từ đó tín dụng không có cơ hội để tăng trưởng nhanh. Mặt khác, còn nguyên nhân chủ quan như thủ tục cho vay thiếu cởi mở, mạnh dạn hoặc là yêu cầu về tài sản đảm bảo nhưng đó có lẽ không phải là nguyên nhân trọng yếu", ông Ấn phân tích.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV chia sẻ, trong hơn 70 ngày qua, BIDV đã giải ngân cho vay hơn 470.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mức cho vay này vẫn thấp hơn số tiền trả nợ của người dân và các doanh nghiệp cho ngân hàng (gần 485.000 tỷ đồng) nên dư nợ của BIDV sụt giảm so với cuối năm 2023 (khoảng 1%), nhưng vẫn tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023. Theo lãnh đạo của BIDV, dư nợ tín dụng 2 tháng đầu năm của nền kinh tế tăng 12,14% so với cùng kỳ, nhưng có sụt giảm (0,72%) so với dư nợ cuối năm 2023, điều này không quá quan ngại vì phù hợp với xu hướng diễn biến thị trường và chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Trong khi đó, cho rằng tăng trưởng tín dụng nên đi đôi với chính sách miễn giảm thuế, phí, "khoan thư sức dân", bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho rằng bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân tín dụng, cần sớm khôi phục niềm tin để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trở lại để các doanh nghiệp, dự án có nguồn vốn dài hạn, bền vững.

Doanh nghiệp mong hạ chi phí lãi vay

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết với ngành dệt may, hiện lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%, còn tại Việt Nam, mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu. "Lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên Báo cáo hợp nhất tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%. Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%. Và đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, 2/2024 đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023", ông Trường nói. Ngoài ra, ông Trường nhấn mạnh, hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Chưa kể, về lãi suất, mỗi năm, ngành sợi đang phải trả ngân hàng 300 triệu USD, chưa kể tiền điện cũng tới 500 triệu USD, tiền lương công nhân 1 tỷ USD. "Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định.

Cũng đề xuất được hạ chi phí lãi vay, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp BĐS có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Trong khi đó, dẫn số liệu từ Petro Việt Nam, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết cơ cấu về tài sản và cơ cấu nợ, đặc biệt là tín dụng trong toàn Tập đoàn hợp nhất đến nay khoảng 240.000 tỷ. Nếu tăng 1% lãi suất thì chi phí vốn của Tập đoàn sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ/năm.

"Trong thời gian tới, Petro Việt Nam có kế hoạch huy động khoảng 250,3 nghìn tỷ từ tín dụng để cho đầu tư phát triển. Với ảnh hưởng độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của PVN như vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp nói chung", ông Hùng kiến nghị.

Tương tự, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ mong muốn được hỗ trợ lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn…

Hà An
.
.
.