Doanh nghiệp rất trông đợi vào hoạt động hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, cơ quan chức năng.

Thứ Bảy, 21/08/2021, 08:48

Làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến doanh nghiệp có nguy cơ đứt gãy sản xuất. Chưa bao giờ “bài toán” tăng trưởng trở nên nan giải như hiện nay. Các chuyên gia nhận định triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả của các biện pháp phòng, chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

Cần tập trung “cứu” doanh nghiệp

Nền kinh tế Việt Nam vừa phục hồi trở lại trong 6 tháng đầu năm 2021, thì dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 trở lại ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp (DN) - một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế gần như điêu đứng. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021, có tới gần 79.700 DN rút lui khỏi thị trường.

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, so sánh bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam tại thời điểm này của năm 2020, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nhiều điểm khác biệt do dịch bệnh. Đó là bên cạnh sự nguy hiểm của biến chủng Delta thì dịch bệnh lần này đã tấn công vào những trung tâm kinh tế sản xuất công nghiệp, đến những tỉnh, thành sở hữu những khu công nghiệp quan trọng đóng vai trò mấu chốt trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị như Bắc Ninh và Bắc Giang, và mới đây là tấn công vào đầu tàu kinh tế của cả nước - TP Hồ Chí Minh - nơi đóng góp 1/3 ngân sách Nhà nước. Đầu kéo cho nền kinh tế đang bị tấn công dữ dội thì tất nhiên đoàn tàu kinh tế Việt Nam sẽ bị chậm lại.

Trang 22: Doanh nghiệp rất trông đợi vào hoạt động hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, cơ quan chức năng.  -0
 Doanh nghiệp rất trông đợi vào hoạt động hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, cơ quan chức năng.

“Để duy trì được động lực tăng trưởng kinh tế, theo tôi dù chúng ta chống dịch nhưng phải đảm bảo được các mục tiêu kinh tế, nhất là đảm bảo đủ nguồn lực kinh tế để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động. Tôi tin rằng cho dù chúng ta đạt được mục tiêu 70% dân số tiêm vaccine thì nền kinh tế của chúng ta vẫn khó lòng quay trở lại trạng thái bình thường như trước đây. Thuốc đặc trị để chữa bệnh mới thật sự tạo ra triển vọng chắc chắn cho nền kinh tế”, ông Bảo cho biết.

Ông Bảo cho rằng, năm 2020, kinh tế Việt Nam thành công trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới lại không đạt được, bên cạnh những quyết sách vì chống dịch, điều quan trọng là sức chống chịu của khu vực DN, đặc biệt là DN tư nhân.

“Trong năm 2020, khu vực DN đã làm rất nhiều điều cho thấy sự linh hoạt, tính chịu đựng để đảm bảo duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động, đảm bảo đơn hàng để thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Nhưng sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng, những nguồn tích luỹ mà DN có được trong nhiều năm hiện đã cạn kiệt, nhất là trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Có thể nói sự suy yếu của DN là khó khăn rất lớn cho nền kinh tế, trụ cột của nền kinh tế đang lung lay”, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo phân tích.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ có hơn 39% số DN được hỏi cho rằng tình hình sẽ khá hơn trong quý III và đây là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các quý trước đó. Trên thực tế, DN tiếp tục đối diện với tình trạng bấp bênh trong sản xuất, gián đoạn trong việc tham gia chuỗi cung ứng cũng như về nguồn nguyên liệu đầu vào, phát sinh thêm chi phí để phòng, chống dịch, mất ổn định về nguồn nhân công.

Mỗi DN đều có hoàn cảnh, mong muốn khác nhau để giải quyết được yêu cầu vừa chống dịch vừa sản xuất. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cần áp dụng cách xét nghiệm hợp lý nhằm tiết kiệm thời gian cho cán bộ, chuyên gia để đưa họ về nhà máy, thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.

Trong hoàn cảnh này yêu cầu cải cách hỗ trợ DN một cách quyết liệt và hiệu quả lại càng phải chú trọng hơn. Vấn đề là giảm tải tối đa cho DN, tạo sự ổn định cũng như tiếp cận, thụ hưởng những chính sách, giải pháp hỗ trợ một cách nhanh, gọn, hiệu quả nhất. Bình luận về yêu cầu này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, lúc này DN rất trông đợi vào hoạt động hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, hệ thống cơ quan chức năng. Cũng là hỗ trợ nhưng nếu chậm trễ, thiếu sự linh hoạt trong thực hiện và thiếu chính xác đối với từng đối tượng DN khó mang lại hiệu quả đích thực. Đôi khi, chỉ là nhanh hay chậm một chút cũng sẽ đẩy DN vào kết cục khác nhau...

Linh hoạt giữa chống dịch và phát triển kinh tế

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, yêu cầu của sự hợp tác chặt chẽ và chia sẻ giữa người dân, DN và Chính phủ cũng như các địa phương trong phòng, chống dịch để các quyết sách hỗ trợ đi vào cuộc sống. Các địa phương cần chia sẻ thông tin, thống nhất cách hiểu và đề cao nguyên tắc công nhận lẫn nhau để tiết kiệm thời gian, giải phóng hàng hóa, nguồn lực cho DN trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa ra thị trường. Đơn cử, kết quả xét nghiệm y tế được một địa phương công nhận thì địa phương khác cũng phải công nhận để giải tỏa tâm lý người dân và ách tắc trong phân phối lưu thông. Ngoài ra, sự kịp thời và minh bạch về thông tin trong phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ DN cũng cần bảo đảm thông suốt, liên tục.

Trang 22: Doanh nghiệp rất trông đợi vào hoạt động hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, cơ quan chức năng.  -0
 

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 sẽ chịu tác động tiêu cực bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Để duy trì tăng trưởng ở kịch bản cao nhất, ông Lực cho rằng, cần kiên định mục tiêu kép và có giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Giải pháp chính sách cần ứng xử phù hợp, linh hoạt.

“Cần kiên định mục tiêu tăng trưởng kép nhưng tùy từng địa phương, tùy từng thời điểm hoàn cảnh cụ thể thì cần ưu tiên mục tiêu nào hơn để có giải pháp phù hợp, tránh tập trung chống dịch thái quá thì sẽ rất căng như TP Hồ Chí Minh hiện nay”, ông Lực khuyến nghị.

Ngoài ra, ông Lực cho rằng, cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng bổ sung thay thế, tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường sớm hồi phục, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhằm tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực, đồng thời tăng cường phát triển kinh tế số, thúc đẩy hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… để tạo nền tảng thuận lợi cho doanh nghiệp có thể sớm phục hồi khi dịch được kiểm soát.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực và duy trì tăng trưởng ở mức cao nhất, thực hiện đạt mục tiêu kép như Chính phủ đặt ra, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra một số khuyến nghị giải pháp, như: Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng. Chính phủ và các bộ, ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột biến và sáng tạo sẽ là yếu tố không thể thiếu để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các DN khi bắt đầu quá trình phục hồi.

Lưu Hiệp
.
.
.