Góp vốn bằng 320ha đất sạch để làm khu đô thị Phú Mỹ Hưng:

Doanh nghiệp nội lép vế

Thứ Năm, 28/05/2015, 08:54
Đến nay tổng diện tích đất TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty IPC làm đại diện góp vốn với đối tác nước ngoài để đầu tư xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 lên tới hơn 320ha, trong đó khu E chỉ có hơn 21,8ha, còn lại thuộc khu A. Dù vậy, tài sản góp vốn liên doanh bằng đất này cũng mới chỉ tương đương với hơn 16% so với mức cam kết trong hợp đồng liên doanh là 30%.

Theo hợp đồng liên doanh, IPC sẽ phải góp tới 600ha đất sạch mới đủ phần vốn góp trên. Trong khi đó đến thời điểm này, tỷ lệ diện tích đất đã được khai thác, xây dựng nhà ở, hạ tầng được Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng khai thác, xây dựng nhà ở gần như toàn bộ khu A. Riêng phần vốn bỏ ra để xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã lên tới 100 triệu USD. 

Trong khi đó, theo chủ đầu tư KĐT này, việc thu phí tuyến đường Nguyễn Văn Linh lại không nhằm mục đích thu hồi vốn. Nguồn phí thu được ngoài phục vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng cho tuyến đường, phần còn lại cũng chỉ được nộp ngân sách 70% và đối tác nước ngoài được chia 30%. Như vậy, khi khoản tiền đầu tư làm đường này được cộng vào vốn, IPC không có đất để sạch để góp thêm, tỷ lệ vốn góp trong liên doanh có thể sẽ teo lại.

Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng. 

Phải đến khi thông tin từ năm 2010 – 2014 Công ty Phú Mỹ Hưng có lợi nhuận cao, đối tác đại diện vốn Việt Nam trong liên doanh Phú Mỹ Hưng đã nhiều lần yêu cầu công ty chia lãi với số tiền hơn 1.400 tỷ đồng, nhưng yêu cầu này không được Công ty Phú Mỹ Hưng chấp thuận được nêu ra… ngày 25/5, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng Nguyễn Bửu Hội mới lên tiếng công khai về vấn đề này.

Theo ông Hội, liên doanh Phú Mỹ Hưng được thành lập cách đây hơn 22 năm với số vốn pháp định là 60 triệu USD. Trong đó phía Việt Nam góp 18 triệu USD bằng quỹ đất, chiếm 30% vốn; phía nước ngoài góp 42 triệu USD bằng tiền mặt, chiếm 70% vốn.

Năm 2014, Công ty Phú Mỹ Hưng đã nộp ngân sách 1.292 tỷ đồng và tổng số tiền nộp ngân sách lũy kế từ ngày thành lập đến nay đạt 7.071 tỷ đồng. Về tình hình phân chia lợi nhuận, theo ông Hội, tính đến năm 2010, Công ty IPC đã được chia lợi nhuận và thực nhận 2.425 tỷ đồng. 

Phần tiền lãi IPC đã nhận cộng với phần thuế đã nộp là 7.071 tỷ đồng và tiền sử dụng đất Phú Mỹ Hưng nộp vào ngân sách là 5.827 tỷ đồng. Tổng cộng, từ khi đi vào hoạt động đến nay Công ty Phú Mỹ Hưng đã đóng góp cho ngân sách thành phố là 15.323 tỷ đồng.

Dù vậy, theo đại diện một DN BĐS ở quận 7, tiền sử dụng đất, tiền thuế chuyển nhượng BĐS chủ đầu tư KĐT Phú Mỹ Hưng phải nộp là đương nhiên. Nhưng ngay cả khi cộng gộp các khoản này lại, mỗi hecta đất sạch tại quận 7 đưa vào góp vốn cũng chỉ thu về chừng 50 tỷ đồng.

Lý giải việc tại sao không chi trả khoản tiền lãi trên cho đối tác Việt Nam, đại diện Phú Mỹ Hưng cho rằng, những năm gần đây hoạt động kinh doanh của liên doanh gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản không thuận lợi. Để nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút khách hàng, Công ty Phú Mỹ Hưng đã đầu tư xây dựng các công trình có quy mô lớn như khu thương mại The Cresent trị giá 2.000 tỷ đồng.

Thêm vào đó, từ năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố, công ty phải đóng tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chưa ký kết hợp đồng mua bán cho phần diện tích khoảng 63ha với số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Để giải quyết các gánh nặng về tài chính trên, thông qua Hội đồng thành viên, Công ty Phú Mỹ Hưng đã huy động tất cả các nguồn lực về tài chính, kết hợp vay ngân hàng.

Trước tình hình đó, thông qua tỷ lệ biểu quyết chiếm 67%, Hội đồng thành viên Công ty Phú Mỹ Hưng đã thống nhất: tạm thời không chia lãi cho cả hai bên trong liên doanh, để lại nguồn lãi thu được từ kinh doanh để tái đầu tư, phát triển kinh doanh. Với tỷ lệ góp vốn cao gấp hơn 2 lần IPC, đối tác nước ngoài chiếm thế áp đảo đã khiến đại diện vốn của thành phố là IPC lép vế. Câu chuyện liên doanh với nước ngoài nhưng ít vốn một lần nữa bộc lộ thực trạng đối tác ngoại mạnh vốn đè DN nội yếu thực lực.

Đ.Thắng
.
.
.