Doanh nghiệp nhỏ và vừa vật vã chờ… tiếp sức

Chủ Nhật, 28/06/2015, 11:25
“Theo lộ trình đến năm 2015, thuế suất trong khu vực sẽ bằng 0%, tạo sức ép cạnh tranh gay gắt lên các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới vì hiện tại năng suất lao động ngành công nghiệp trong nước thấp hơn các nước trong khu vực”, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết. 

Trước tình hình đó, cần có một cơ chế chính sách mang tính đột phá để làm đòn bẩy, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề bàn bạc các giải pháp để thúc đẩy phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (gồm: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực – thực phẩm) lại trở nên nóng bỏng như trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám Đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Chính phủ các nước rất quan tâm, dành nhiều ưu đãi cho việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bởi vì đây là một khu vực tạo ra việc làm và hỗ trợ cho nhiều ngành kinh tế chủ lực của quốc gia. 

Ngoài 4 ngành công nghiệp trọng yếu thì dệt may và da giày cũng được TP HCM ưu tiên đẩy mạnh phát triển.

Trong khi đó ở Việt Nam, DNNVV chiếm tỷ lệ rất lớn (tại TP Hồ Chí Minh, tính hết năm 2014, DNNVV chiếm đến 95% về số lượng doanh nghiệp) và đang gặp rất nhiều khó khăn như: Phải nhập khẩu nguyên vật liệu, chỉ tham gia chủ yếu những công đoạn có công nghệ đơn giản, giá trị gia tăng thấp, nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ... Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa tham gia vào chuỗi cung ứng, giữa các doanh nghiệp thiếu sự kết nối, thiếu thông tin về nhau.

Rất ít DNNVV đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng kỹ thuật của các tập đoàn đầu tư nước ngoài (FDI), hoặc nếu có thì giá bán lại cao hơn so với nhà cung ứng hiện hữu của doanh nghiệp FDI. Không chỉ thiếu vốn, thiếu công nghệ, DNNVV còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của ngành công nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Tuệ - Phó phòng Kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, để tiếp sức cho các DNNVV, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như: thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để từ đó có những góp ý và định hướng cho doanh nghiệp, tổ chức các cuộc kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để giúp DNVVN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Đến nay, toàn thành phố có 9 đầu mối tổ chức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng và hiện đã thực hiện được khoảng 55.000 tỷ đồng gói hỗ trợ doanh nghiệp (kế hoạch năm 2015, thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp là 60.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn như, tư vấn miễn phí các DNNVV lập hồ sơ vay vốn, giới thiệu doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, trợ giúp doanh nghiệp xây dựng các phương án, dự án kinh doanh... để nâng cao khả năng vay tín chấp.

Đến nay, Quỹ Bảo lãnh tín dụng đã ký 121 hợp đồng bảo lãnh với tổng trị giá 871,27 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều chương trình dành cho DNNVV khác như: Chương trình kích cầu; Hỗ trợ nông nghiệp; Bình ổn thị trường; Hỗ trợ pháp lý; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư... 

Ông Nguyễn Phương Đông đánh giá: “Đến nay, Chính phủ và TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển liên quan đến công nghiệp hỗ trợ và DNNVV. Nhìn chung cơ chế thúc đẩy và chính sách phát triển khá đầy đủ, nhưng hiệu ứng chưa cao.

TS Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh: TP cần tập trung vào những vấn đề như lựa chọn công nghệ, tránh tình trạng như từ trước giờ ta thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều chính sách ưu đãi, nhưng khi hết thời hạn đầu tư sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài thì công nghệ cũng bị lạc hậu, doanh nghiệp trong nước không được chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nữa là đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, nhằm tăng năng suất, tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh.

Thúy Hà
.
.
.