Doanh nghiệp “ngán” nộp thuế điện tử vì bị ngân hàng "bắt chẹt"
- Từ năm 2016, sẽ triển khai thí điểm nộp thuế điện tử đối với các hộ kinh doanh
- Nộp thuế điện tử đạt 13.800 tỷ đồng
Hiện nay, nhiều ngân hàng tung chương trình khuyến mại miễn phí nộp thuế điện tử đối với khách hàng doanh nghiệp trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên, khi hết thời hạn, khách hàng sẽ phải nộp phí giao dịch.
Trong thanh toán không dùng tiền mặt, nộp thuế điện tử là một bước phát triển mà ngành Thuế đang ráo riết triển khai.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ, là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do như TPP, EVFTA, AEC… nộp thuế điện tử cũng là động lực khiến doanh nghiệp (DN) đổi mới mô hình quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại hơn để bắt kịp xu hướng thay đổi của quốc tế và những quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.
“Một tổ chức nước ngoài luôn muốn giao dịch với DN có sổ sách minh bạch, nếu sử dụng quá nhiều tiền mặt sẽ khiến đối tác nghi ngờ và khó làm ăn hơn. Chính vì vậy, xu hướng không dùng tiền mặt sẽ trở thành văn hóa của Việt Nam và nó có thể trở thành công cụ chống tham nhũng hiệu quả”, ông Lộc chia sẻ.
Nộp thuế bằng tiền mặt khiến DN gặp khó khi giao dịch với đối tác nước ngoài. |
Song, một trong những rào cản dẫn tới việc một số DN ngán nộp thuế điện tử được cho là vì bị các ngân hàng thu phí. Hiện nay, nhiều ngân hàng tung chương trình khuyến mại miễn phí nộp thuế điện tử đối với khách hàng DN trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên, khi hết thời hạn, khách hàng sẽ phải nộp phí giao dịch.
Ngoài ra, dù đang trong chương trình khuyến mại, nhưng trường hợp DN mở tài khoản ở ngân hàng này, mà Cục Thuế địa phương lại mở tài khoản ở ngân hàng khác, thì DN vẫn phải nộp phí chuyển khoản liên ngân hàng. Bởi vậy, dù con số DN đăng ký nộp thuế điện tử lên tới 90%, nhưng số thực nộp thì ít hơn.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Cúc, chuyên gia về thuế, cho rằng việc khai, nộp thuế điện tử đã và đang áp dụng chủ yếu mới dừng ở gần 500.000 DN. Trong khi đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp, sự nghiệp có thu, trường học, bệnh viện và đặc biệt là hơn 1,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, cùng hàng triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ... lại chưa thực sự quan tâm đến khai, nộp thuế điện tử. Bởi vậy, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thương mại điện tử, giúp các hộ gia đình, cá nhân tham gia thanh toán điện tử, giao dịch điện tử trong việc khai và nộp thuế, cần phải có lộ trình và chính sách phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.
“Việc thanh toán qua thẻ phải thuận tiện, một cửa hàng có thể sử dụng dịch vụ thanh toán của nhiều ngân hàng khác nhau, trước mắt các nhà băng không thu phí khi thanh toán bằng thẻ. Riêng đối với các địa phương có cơ sở hạ tầng truyền thông tốt, nên có điều khoản bắt buộc thanh toán điện tử trong việc cấp phép kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ thuế”, bà Cúc góp ý.
Cùng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%, cần những giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến hệ thống pháp luật chung, cùng sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan thuế đến các đơn vị bổ trợ như ngân hàng, trung gian thanh toán và DN.
Cụ thể, ông Lộc đề ra 4 giải pháp để đẩy mạnh nộp thuế điện tử. Đầu tiên và quan trọng nhất là phải xây dựng lòng tin cho DN, để họ không còn cảm thấy khó khăn và “nản” khi thử nghiệm áp dụng nộp thuế không dùng tiền mặt.
Thứ hai là phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để DN hiểu chính sách và vận động họ đăng ký nộp thuế điện tử. Thứ 3, các ngân hàng, trung gian thanh toán cũng phải kết nối với nhau để hỗ trợ DN nộp thuế điện tử.
Và về phía DN, trình độ công nghệ thông tin cần được nâng cao, vì hiện nay, một tình trạng khá phổ biến là trình độ công nghệ thông tin của nhiều lãnh đạo và cán bộ DN còn thấp, thói quen sử dụng máy tính và Internet chưa phổ biến - chính điều này dẫn đến những e ngại khi nộp thuế điện tử và thói quen sử dụng tiền mặt cần phải khắc phục.