Doanh nghiệp mong giảm thuế, phí

Thứ Ba, 03/08/2021, 09:50

Quá khó khăn - đó là thực trạng của sản xuất kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh kéo dài và bùng phát lần thứ 4. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp (DN) cần được hỗ trợ bằng những biện pháp thiết thực và “nặng đô” hơn nữa.

Khó khăn chồng chất

Là một DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Chánh Trung, PTGĐ Tập đoàn Tân Long cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, những tháng cuối năm sẽ tiếp tục là những tháng rất khó khăn.

“Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, không tự tin tăng trưởng 50% như kế hoạch ban đầu mà chuyển hướng sang xây dựng nội lực, xây dựng các kênh phân phối phục vụ thị trường nội địa. Hiện chúng tôi đang áp dụng “3 tại chỗ”, tuy nhiên, vẫn gặp một số khó khăn do một số khâu có nhân công không thuộc biên chế công ty như khâu bốc vác, vận chuyển…”, ông Long cho biết.

Doanh nghiệp mong giảm thuế, phí -0

Doanh nghiệp mong được tiếp tục giảm thuế, phí. 

Thế nhưng còn xoay xở được như Tập đoàn Tân Long vẫn là may. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ: “Chúng tôi có dự án ở thành phố mới Thủ Đức. Trước khi có ảnh hưởng dịch bệnh, đã có một số khó khăn nhất định liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung cầu. Khi dịch bệnh ập tới, khó khăn nhân đôi. Hầu như đến thời điểm này, các DN bất động sản TP Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa văn phòng, DN ở tất cả các nhóm đều khó khăn. Các chủ đầu tư thường có kế hoạch hoạch định dài hơi nên cũng có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án, nhưng đấy là với điều kiện bình thường vẫn có nguồn thu, hiện tại không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư. Còn với các DN môi giới, họ hiện cũng đang không có nguồn thu và họ đang phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự. Đấy là chưa kể, thị trường bất động sản vốn đã tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn về mặt pháp lý”.

“Với cương vị DN bất động sản, nhiều khi chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý có nhiều vấn đề”, bà Hương chia sẻ thêm.

Đến từ tổ chức đại diện cho toàn thể DN Việt, nhìn nhận về bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam những tháng đầu năm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, DN tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành phía Nam những tháng gần đây.

"Chưa bao giờ VCCI tiếp nhận nhiều phản ánh từ DN như thời gian qua. Nhiều lúc cảm thấy bất lực vì có quá nhiều khó khăn mà DN phản ánh đến", ông Đậu Anh Tuấn cho biết. Vì thế, vị đại diện VCCI cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình cải cách hỗ trợ DN.

“Đối với Chính phủ, cần nhất trong thời gian tới là chính sách hỗ trợ cụ thể. DN hiện đang đương đầu với cả “rừng” chi phí: vừa vận hành kinh doanh, lo bao nhiêu chi phí, giá như mà nhà nước hỗ trợ một phần chi phí chống dịch, như vậy chính sách sẽ đến ngay được với DN. Những chương trình hỗ trợ này rất có ý nghĩa, chính sách cần phải thuận tiện và đi vào cuộc sống tốt hơn nữa”, ông Tuấn góp ý.

Thêm gói hỗ trợ “nặng đô” cho doanh nghiệp

Phản ánh từ thực tế hoạt động của mình, đại diện Tập đoàn Tân Long bày tỏ mong muốn chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho DN cần phải cụ thể hơn về chi phí. “DN đang phải duy trì hệ thống, trước tiên cần chú ý đến chính sách lãi suất về thuế, ví dụ như thuế nhập khẩu thời gian tới. Với ngành của chúng tôi, thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 3% đã là giảm xuống rất lớn”, ông Long nói.

Còn với bất động sản, theo bà Hương, đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn. Các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ và giảm để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án. Ngoài gói tín dụng, cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường bất động sản có thêm nguồn lực hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý 4 năm nay cũng như năm 2022.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đang triển khai những giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Việc ban hành các giải pháp hỗ trợ cần đạt được các mục tiêu, yêu cầu là đảm bảo các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng nhằm giúp DN, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật về thuế, đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện.

Theo đó, nội dung dự thảo Nghị quyết đang được xây dựng nhằm thực hiện 4 giải pháp, cụ thể là: Giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; Giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

“Theo dự tính, việc thực hiện các giải pháp đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng, ngoài ra Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp giảm tiền thuê đất cho năm 2021. Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các giải pháp đề xuất bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho DN, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong đó: gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Số tiền thuế, tiền thuê đất, tiền chậm nộp được hỗ trợ có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước, nhưng sẽ có tác động lớn thể hiện sự đồng hành, quan tâm của nhà nước và góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội”, ông Hưng thông tin.

Hà An
.
.
.