Doanh nghiệp lưu ý chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào EU

Thứ Bảy, 23/09/2023, 07:59

Ngày 22/9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức tập huấn "Nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại ngành hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống sang thị trường EU".

EU hiện đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới và EU đang tăng mạnh nhập khẩu (NK) cà phê từ Việt Nam do thị hiếu tiêu dùng của người dân EU. Vì vậy, đây là lợi thế cho mặt hàng cà phê Việt Nam khi nhập vào thị trường này. Đặc biệt, EU cũng là thị trường NK mặt hàng rau quả lớn nhất thế giới, trong khi tỷ trọng NK rau quả của Việt Nam vào EU còn rất thấp, nên đây sẽ là dư địa lớn để ngành rau quả Việt Nam khai thác trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do đối mặt với khủng hoảng năng lượng và giá thực phẩm tăng cao dẫn đến suy thoái kinh tế, cắt giảm tiêu thụ thực phẩm tại nhiều nước EU khiến việc xuất khẩu (XK) hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường này đã sụt giảm đáng kể.

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông, lâm và thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU trong 8 tháng đầu năm đạt 3,7 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều mặt hàng nông sản XK chính vào thị trường này kim ngạch cũng sụt giảm mạnh như hạt điều, thủy sản…

Doanh nghiệp lưu ý chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào EU -0
Doanh nghiệp đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Mặt khác, EU là thị trường tiên phong trong việc ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường. Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà NK vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU. EU cũng nêu rõ các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai.

Với thực trạng như trên, DN gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi XK hàng hóa vào thị trường EU trong thời gian tới. Vì vậy, chương trình tập huấn cũng nhằm cung cấp cho DN XK về xu hướng, nhu cầu thị trường, các thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng cuả người dân EU. Đặc biệt, cũng để DN hiểu thêm những thách thức, những vấn đề mà ngành hàng của mình phải đối mặt như những quy định về chứng nhận xuất xứ, quản lý chất lượng, hay rủi ro thanh toán khi XK sang thị trường EU.

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O là bằng chứng để chứng minh lô hàng XK của DN là có xuất xứ rõ ràng. Còn với các thị trường có các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (FTA), thì C/O là công cụ để lô hàng XK của DN Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại nước NK.

Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều FTA, trong đó có FTA giữa Việt Nam và EU. Vì vậy, các DN rất quan tâm đến việc cấp C/O để được hưởng ưu đãi thuế quan khi XK vào EU. Là đơn vị trực tiếp xem xét để cấp C/O cho DN XK, bà Nguyễn Thị Trọng Nghĩa - Phó trưởng Phòng XNK khu vực TP Hồ Chí Minh, Cục XNK - Bộ Công Thương lưu ý DN: Khi làm C/O, DN cần khai báo trung thực, chính xác, minh bạch, rõ ràng. DN đừng vì một lý do nào đó, khai báo gian dối để cố tình lấy được C/O vì hậu quả về sau sẽ rất lớn. Một khi EU phát hiện C/O của không trung thực, họ sẽ lập đoàn để xác minh. Khi có kết quả xuất xứ hàng hóa không đúng, thì họ không chỉ áp thuế cho lô hàng XK của DN, mà áp thuế cho cả ngành hàng đó. Ví dụ, chỉ một mặt hàng XK thủy sản vi phạm C/O thì cả ngành hàng thủy sản bị áp thuế.

Thúy Hà
.
.
.