Doanh nghiệp lo Luật 'mở ra', Nghị định 'đóng lại'

Thứ Hai, 06/07/2015, 07:52
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1/7 được đánh giá là có nhiều thay đổi đột phá, “cởi trói” cho DN được thoải mái thi thố khả năng kinh doanh. Tuy nhiên, qua vài ngày đầu thực hiện, Nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, không chỉ doanh nghiệp “vò đầu bứt tai” mà ngay cả các cơ quan chức năng ở địa phương cũng còn rất nhiều tranh cãi.

Tại hội thảo về dự thảo Nghị định Đăng ký doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm 3/7, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) cho biết, trong 2 ngày đầu tiên luật mới có hiệu lực, số lượng người đến đăng ký thành lập DN trên cả nước đạt hơn 600, cùng với khoảng 1.100 DN đến đăng ký, thay đổi, bổ sung khác, cho thấy tình hình đăng ký kinh doanh diễn ra tốt, không có sự cố gì lớn. Tuy nhiên, đại diện Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng vẫn còn tồn tại những điểm gây khó khăn cho DN trong dự thảo Nghị định mới, như việc ghi ngành nghề kinh doanh và mã số tại hồ sơ đăng ký, điều mà VCCI đã “theo đuổi từ tháng 3 đến giờ”. 

Doanh nghiệp đang kỳ vọng những mở ra về pháp lý sẽ giúp họ thoải mái thi thố khả năng hơn.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng (Ban Pháp chế VCCI) cho rằng ban soạn thảo đã sửa đổi đôi chút, nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Yêu cầu DN phải chọn ngành kinh tế cấp 4 trong giấy đề nghị đăng ký kinh doanh không có gì cải tiến hơn so với Nghị định hiện hành, đẩy cái khó cho DN, đặc biệt khi DN và cơ quan đăng ký kinh doanh còn có cách hiểu khác nhau và ngành nghề kinh tế cấp 4 chưa bao quát hết thực tế hoạt động kinh doanh. Việc DN phải xác định ngành nghề kinh doanh của mình thuộc mã nào là rất khó khăn, vì việc mã hóa ngành không phải ai cũng biết, và ngay cả các cơ quan đăng ký kinh doanh cũng có thể ghi mã khác nhau cho cùng một ngành.

“Chúng tôi không phản đối việc ghi mã để thống kê, mà vấn đề là xác định chủ thể nào thực hiện. Chúng tôi cho rằng nhà nước nên thực hiện chứ không phải là DN” – bà Hồng kiến nghị. Đây cũng là điểm được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhất trí khi góp ý về dự thảo này. Nhiều người cho rằng quy định như vậy nghĩa là Luật mở ra nhưng Nghị định lại đóng lại, làm nảy sinh giấy tờ rườm rà và khó tránh nạn cửa quyền, nhận “lót tay”của các cán bộ thực thi.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương là bà Trần Thị Bình Minh (Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: “Luật quy định thế mà vẫn phải ghi để xếp mã ngành kinh doanh là đẩy khó khăn cho DN. Lâu nay, DN họ không làm được phần này, đây phải là công việc của cơ quan quản lý. Đề nghị DN cứ ghi ngành ra, còn cơ quan nhà nước sẽ xếp mã”.

Phản hồi về những kiến nghị này, ông Bùi Anh Tuấn lý giải đây là vấn đề đã được trao đổi rất nhiều lần, ngay xây dựng Nghị định này cũng đã qua 9 lần hội thảo. Ông Tuấn khẳng định quy định này không ảnh hưởng gì đến quyền kinh doanh của DN, “DN vẫn được kinh doanh bất cứ cái gì luật không cấm, nên không có ngành nghề (trong giấy đề nghị cấp đăng ký kinh doanh) thì vẫn cấp bình thường”.

Ông Tuấn cho rằng việc ghi theo hệ thống ngành kinh tế để bảo vệ chính DN. Hiện nay có 158/162 nước cũng thực hiện ghi ngành kinh doanh, để khi cần thiết, cơ quan ĐKKD phục vụ, cung cấp thông tin cho các DN là có bao nhiêu DN đang kinh doanh trong lĩnh vực đó. Đây là điều mà DN, người dân họ quan tâm, tham khảo rất nhiều. Hiện nay, trên Cổng thông tin DN quốc gia cũng có công cụ để DN tìm mã ngành, tên ngành”. 

Sau nhiều tranh luận, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư Hải Dương góp ý: “Phải chấm dứt tình trạng tranh cãi này bằng việc xử lý kỹ thuật. Có nhiều DN chưa biết phân vào mã ngành gì, như bán phở thì chúng ta cũng phải xem nội hàm nó là gì, để phân vào mã cụ thể, không để ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân”.

Ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng dù có giữ đăng ký mã ngành kinh doanh thì cũng phải làm sao để thuận lợi, DN không tìm thấy mã ngành trên hệ thống thông tin đăng ký quốc gia thì vẫn phải cấp đăng ký, còn cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm cập nhật, bổ sung.

Ngoài vấn đề này, đại diện của nhiều sở KH-ĐT các địa phương cũng cho biết còn có một số quy định không rõ khác khiến DN khó hiểu, do dự khi đi làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo luật mới, như thay đổi thông tin đăng ký vẫn chưa có quy định về thời hạn xử lý thủ tục; thủ tục đăng ký kinh doanh của các hộ cá thể chưa rõ; chưa nêu rõ cách xử lý khi các DN đi đăng ký thành lập DN bị trùng tên... 

Theo bà Trần Thị Bình Minh trong 2 ngày đầu tiên, số lượng DN đến làm thủ tục tại Sở KH & ĐT TP Hồ Chí Minh giảm từ 750 hồ sơ/ngày xuống 520 hồ sơ/ngày cho thấy DN còn băn khoăn, do dự. Nhiều DN có tâm lý chờ đợi, hoặc có người hiểu chưa rõ luật, nên cần phải có thông tin chính xác để DN hiểu. 

Mới đây, Thủ tướng cũng vừa yêu cầu có báo cáo toàn diện về công tác tổ chức, triển khai thực hiện để thảo luận các nội dung hoàn thiện Nghị định hướng dẫn. Thủ tướng đã giao Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong thời gian sớm nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Nam Phương
.
.
.