Doanh nghiệp đội chi phí vì quy định lập riêng hóa đơn VAT

Thứ Ba, 05/04/2022, 09:58

Dù đã triển khai được hàng tháng trời, song quá trình thực hiện chủ trương giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đã nảy sinh một số vấn đề, trong đó có việc phải lập riêng hóa đơn với hàng hóa được giảm VAT khiến cho các doanh nghiệp phát sinh chi phí. Vì thế, mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quy định này.

Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị định 15) đã quy định chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Như vậy, sau khi giảm trừ, mức thuế VAT các mặt hàng thuộc nhóm được giảm sẽ ở mức 8%. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 đến hết năm 2022. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình triển khai Nghị định 15, Bộ Tài chính nhận được một số phản ánh của các Cục Thuế, doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí phản ánh vướng mắc về quy định lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT.

Doanh nghiệp đội chi phí vì quy định lập riêng hóa đơn VAT -0
Siêu thị phát sinh chi phí khi phải tách hóa đơn hàng.

Theo đó, tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 15 quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đổi tượng giảm thuế VAT thì mới được áp dụng thuế suất 8%, theo phản ánh của doanh nghiệp là làm tăng chi phí (tăng chi phí thời gian của kế toán và chi phí sử dụng hóa đơn). Vì đối với cùng một khách hàng, thay vì lập 1 hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau (5%, 8%, 10%) thì doanh nghiệp phải lập 2 hóa đơn: 1 hóa đơn ghi thuế suất 8% và 1 hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%).

Ví dụ cụ thể cho thấy tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống siêu thị Coopmart phản ánh trong 1 ngày, hệ thống sử dụng trên 10.000 hóa đơn điện tử, phần mềm hóa đơn điện tử cho phép tách riêng nhiều thuế suất trên 1 hóa đơn, các siêu thị đã xuất hóa đơn điện tử ghi nhiều mức thuế suất khác nhau, nay phải tách riêng thì rất tốn kém chi phí của doanh nghiệp.

Tương tự, tại Hải Phòng, Công ty Cấp nước sạch mỗi tháng phải lập khoảng 400.000 số hóa đơn. Việc phải tách hóa đơn cho khoản thu hộ tiền dịch vụ thoát nước với thuế 8% khiến số hóa đơn phải lập mỗi tháng tăng gấp đôi. Ngoài ra, tiền dịch vụ thoát nước xác định căn cứ vào số nước tiêu thụ trong tháng nên việc tách hóa đơn sẽ khó khăn trong việc đối chiếu, kiểm tra; khó khăn trong việc thu tiền nước và tiền phí thoát nước từ khác hàng; chưa kể phát sinh rất lớn các chi phí về nâng cấp, sửa đổi phần mềm hóa đơn, phần mềm kế toán, nhân lực đi kèm…

Được biết, theo phản ánh, các doanh nghiệp  kinh doanh theo hình thức siêu thị, trung tâm thương mại, các đại lý vận tải biển có phát sinh các khoản thu hộ cước vận tải và các khoản phí khác... cũng gặp những khó khăn tương tự.

Trước thực tế này, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã có đề xuất sửa đổi quy định nói trên. Để tháo gỡ các vướng mắc, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP theo hướng cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

Trường hợp từ ngày 1-2 đến ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ sở kinh doanh đã xuất hóa đơn mà ghi rõ thuế suất thì không phải điều chỉnh lại hóa đơn và không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn. Để nhanh chóng giải quyết vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP theo thủ tục, trình tự rút gọn.

Cũng liên quan đến việc giảm thuế VAT, mới đây, một số ý kiến cho rằng việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% theo Nghị định 15 của Chính phủ đã triển khai được hơn 1 tháng. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn không biết thông tin giảm VAT khi mua sắm, DN cũng rối bời xác định thuế với từng danh mục sản phẩm. Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cho biết cơ quan này đã có các công văn hướng dẫn cụ thể. 

"Về nguyên tắc, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định loại trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể không được giảm thuế và quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP không được giảm thuế giá trị gia tăng. Các Cục Thuế hướng dẫn người nộp thuế đối chiếu hàng hóa, dịch vụ mà người nộp thuế sản xuất, kinh doanh với các nhóm hàng hóa, dịch vụ loại trừ không được giảm thuế tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 15 và Danh mục hàng hóa, dịch vụ tại các Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định 15 để thực hiện đúng quy định", Bộ Tài chính cho biết.

Hà An
.
.
.