Cộng đồng doanh nghiệp FDI lạc quan, cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam

Chủ Nhật, 03/10/2021, 09:04

Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam vẫn khả quan. Nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia, doanh nghiệp có FDI vẫn nhận định Việt Nam là điểm hấp dẫn đầu tư, bằng chứng là Việt Nam đang đón nhiều dự án FDI với quy mô hàng tỷ USD.

Trước những khó khăn nhất thời, bất khả kháng do dịch COVID-19, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung và DN FDI nói riêng để hồi phục sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng. Để hiểu rõ hơn về làn sóng đầu tư cũng như dòng vốn FDI đang đổ vào Việt Nam và những xu hướng đầu tư, chính sách thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới, PV Báo CAND đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc xung quanh vấn đề này.

8a85e7374aff1dc4d1c41670ed86473c.jpg -0
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc.

PV: Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, nhưng 9 tháng đầu năm thu hút vốn FDI vẫn đạt 22,15 tỷ USD,  tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 13,28 tỷ USD. Đây được xem là điểm sáng trong bức tranh thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua. Trước tín hiệu tích cực này, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tác động của dịch COVID-19 đối với dòng vốn FDI tại Việt Nam cũng như tác động tới DN FDI?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Tính đến tháng 9/2021, cả nước có 34.141 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư. Khu vực này phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng, thu ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động.

Đại dịch COVID-19 đang tác động hết sức tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, trong đó có DN FDI, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm cả các giao dịch M&A. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh…, là những nơi tập trung nhiều DN FDI, khiến các DN bị ảnh hưởng nặng nề, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều DN bị đảo lộn sản xuất kinh doanh, có DN phải dừng một phần, thậm chí dừng toàn bộ hoạt động.

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà DN đối mặt; đã nỗ lực và hành động quyết liệt vì một mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh; đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh với phương châm như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”; chuyển trạng thái từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.

Chúng tôi cũng thấy rằng, ở chiều ngược lại, cộng đồng DN, trong đó có DN FDI, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với COVID-19 bằng nhiều hình thức. Các DN đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.

PV: Trước những khó khăn của DN, Chính phủ đã có những giải pháp, chính sách gì để tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài, để họ yên tâm đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trong bối cảnh các DN phải đối mặt với khó khăn, thách thức trước đại dịch, cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách liên tiếp và nghiêm ngặt, Chính phủ đã tham mưu cho Đảng hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Chính phủ đã ban hành một số nghị định, nghị quyết chuyên đề về miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện…

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị để chỉ đạo, điều hành một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong việc phòng, chống dịch; đã thành lập 2 Tổ công tác đặc biệt do 2 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng để rà soát khó khăn, vướng mắc và tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư. 

Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Trên cơ sở Nghị quyết này, các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là DN là chủ thể, trung tâm; đầu mối giải quyết là các địa phương; Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sẽ đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế, chính sách để DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét việc ban hành Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để nới lỏng và khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp, đảm bảo an toàn để sản xuất, sản suất phải an toàn.

Qua làm việc, các hiệp hội DN nước ngoài, DN FDI đều ghi nhận và đánh giá cao các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN thời gian qua và cho rằng, các chính sách này đã góp phần giảm bớt những khó khăn mà DN đang phải gánh chịu, giúp DN có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Với chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, hoạt động FDI tiếp tục sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

PV: Trước những khó khăn và thách thức mà DN trong các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) đang phải đối mặt, Bộ KH&ĐT đã có những kiến nghị, giải pháp gì để tháo gỡ, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Xây dựng và phát triển KCN, KKT là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước nhằm thu hút tối đa nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trên địa bàn cả nước có 395 KCN đã được thành lập tại 61 tỉnh, thành phố; 18 KKT ven biển.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, KCN, KKT vẫn đóng vai trò là điểm sáng trong thu hút đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng. Ước trong 9 tháng đầu năm 2021, KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 10,2 tỷ USD vốn FDI và 189,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng lần lượt là 8,7% và 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có một số dự án đầu tư lớn như dự án của tập đoàn Hòa Phát (85.000 tỷ đồng), dự án của Tập đoàn LG (tăng vốn 1,4 tỷ USD). Các chỉ số về tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong các khu đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều địa phương và DN trong KCN, KKT đã phối hợp, tổ chức triển khai các sáng kiến mang lại hiệu quả cao để vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Bộ KH&ĐT đã chủ động làm việc với các DN FDI, các Ban Quản lý KCN, KKT. Qua tổng hợp, có 6 nhóm vấn đề khó khăn mà các DN trong KCN, KKT đang phải đối diện. Đến nay, về cơ bản, các khó khăn của các DN trong KCN, KKT đã được giải quyết bằng các Nghị quyết của Chính phủ.

Trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp mang tính cấp thiết và một số giải pháp mang tính dài hạn.

PV: Xin bà cho biết giải pháp cụ thể đó là gì?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Thứ nhất, cần triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung vào các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất" nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực với DN; tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi lao động.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ  tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thứ ba, các địa phương cần khẩn trương xây dựng, công bố ngay chương trình phục hồi kinh tế và kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. DN chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh tại địa phương và điều kiện thực tế của DN. Hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy. Tăng cường đối thoại giữa DN và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn và đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của DN.

Về dài hạn, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về KCN, KKT để tạo thuận lợi cho phát triển KCN, KKT, theo hướng tiếp tục kiện toàn, thực hiện triệt để việc phân cấp, uỷ quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT để thực hiện có hiệu quả mô hình “một cửa, tại chỗ”; tiếp tục đổi mới mô hình các khu theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hoá và phát triển bền vững (KCN sinh thái, KCN chuyên sâu…); xây dựng nhà ở và thiết chế cho người lao động đồng bộ với quá trình phát triển KCN, KKT và thu hút đầu tư.

PV: Trước những nỗ lực của Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài có đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Thực tế cho thấy, mặc dù đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, chúng ta vẫn thu hút được tới 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, DN FDI vào môi trường kinh doanh của Việt Nam và tính hiệu quả trong các giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN và thu hút đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cộng đồng DN FDI đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, xác định quan điểm mới về chống dịch.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử. Đồng thời, góp phần thúc đẩy một số mô hình sản xuất kinh doanh mới như kinh tế số, chuyển đổi DN dựa trên nền tảng số; phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp dược, tăng cường hệ thống năng lực y tế của địa phương… Đây cũng chính là cơ hội để các nhà đầu tư nghiên cứu cơ hội đầu tư.

Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có 67% số DN châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. DN Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

DN Hàn Quốc đều có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Phần lớn DN Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch bệnh.

Những tín hiệu tích cực này đã cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.