Có khoảng 25.000 - 29.000 vị trí lao động dịp Tết tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 11/01/2024, 07:59

Cuối năm 2023, các doanh nghiệp (DN) cũng đã có đơn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tết Nguyên đán là dịp các DN chú trọng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Theo Sở Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB &XH) TP Hồ Chí Minh, dự kiến có khoảng 25.000 - 29.000 vị trí công việc có nhu cầu tuyển lao động phục vụ dịp Tết.

Nhu cầu nhân lực trước Tết Nguyên đán tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may - giày da, dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn và bán lẻ, du lịch, dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khỏe... và tăng ở lao động thời vụ, bán thời gian, với nhiều vị trí như: Công nhân sản xuất, nhân viên kinh doanh, bán hàng, giao hàng, đóng gói, phục vụ,…

Dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán năm 2024, các DN ở thành phố cần từ 48.971 - 57.471 chỗ làm việc, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,56%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,78%.

Có khoảng 25.000 - 29.000 vị trí lao động dịp Tết tại TP Hồ Chí Minh -0
Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương cao, nhưng vẫn khó tuyển dụng lao động phù hợp.

Tuy nhiên, có một thực tế là tỷ lệ lao động mất việc từ đầu năm đến nay khá lớn, nhưng khi DN có đơn hàng trở lại và đưa ra mức lương khá cao vẫn khó tuyển đủ số lượng lao động theo nhu cầu. Như tại Ngày hội việc làm của TP Hồ Chí Minh diễn ra cuối tháng 12/2023, Công ty cổ phần Viện máy tính Việt Nam (quận Phú Nhuận), treo bảng tuyển dụng 1.000 kỹ thuật, mức lương lên đến 39 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam (huyện Hóc Môn) do mở rộng xưởng sản xuất, cần tuyển thêm công nhân là thợ may, ủi, quản lý, kiểm hàng... mức lương từ 8-15 triệu đồng/tháng. Công ty Cathay Life Việt Nam cần tuyển lao động, mức thu nhập hơn 13 triệu đồng/tháng… nhưng các DN vẫn khó tuyển dụng lao động đáp ứng được yêu cầu của DN. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng trong phân bổ đào tạo, dẫn đến có những ngành thừa lao động và những ngành thiếu hụt lao động.

Nền kinh TP Hồ Chí Minh đang dịch chuyển dần sang công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu này đòi hỏi thị trường lao động phải giảm dần lao động phổ thông, tăng tỷ lệ lao động có tay nghề cao, phải qua đào tạo.

Bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố đã đề ra mục tiêu đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Nam bộ, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% và đến năm 2030 đạt 89%.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động thông qua sự gắn kết giữa các cơ quan, DN với cơ sơ đào tạo, giáo dục hướng nghiệp, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

“Thời gian tới, Sở LĐTB_XH sẽ chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố tổ chức các sàn giao dịch việc làm theo từng ngành, lĩnh vực, để các DN có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực. Trong năm 2024, Sở sẽ nâng cấp cổng thông tin giáo dục nghề nghiệp, bổ sung thêm tính năng kết nối cung - cầu lao động về các trình độ sau tốt nghiệp. Đó cũng là một trong những kênh thông tin rất thuận lợi để giúp các DN tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của đơn vị mình”, bà Tới nói.

Hiện, TP Hồ Chí Minh có hơn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp với hơn 370.900 người đang theo học. Mỗi năm, có khoảng 125.000 người học tốt nghiệp, bổ sung cho thị trường lao động trong và ngoài thành phố.

Thúy Hà
.
.
.