Làm gì để các Khu công nghiệp, Khu kinh tế miền Trung cất cánh?

Cảnh đìu hiu tại một số khu công nghiệp (Kỳ 2)

Thứ Tư, 25/10/2023, 08:17

Những tưởng tình trạng đìu hiu chỉ diễn ra bên trong các khu kinh tế (KKT) “đình đám” với không gian kinh tế riêng biệt, rộng lớn, với môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư, tại rất nhiều khu công nghiệp (KCN) ở miền Trung, nhà đầu tư lại vào cũng hết sức lèo tèo, chẳng khác cảnh… “chợ chiều”. Sau nhiều năm được thành lập, nhiều KCN hiện vẫn chỉ là bãi đất đầy cỏ hoang giữa vùng gió cát đặc thù của “khúc ruột”, thành nơi nhởn nhơ gặm cỏ lý tưởng của những đàn trâu, bò đông đúc. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, trong đó có hậu quả do dịch COVID-19 mang lại, chính quyền thừa nhận đã có sự tính toán thiếu khoa học…

Đỏ mắt tìm nhà đầu tư

KCN Du Long (Ninh Thuận) nằm ở vị trí khá thuận lợi (giáp với QL1, cách trung tâm tỉnh lỵ của Ninh Thuận là TP Phan Rang - Tháp Chàm; cảng biển hàng hóa Cam Ranh; ga đường sắt Tháp Chàm và sân bay quốc tế Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa chỉ từ 20-40km). Sau 15 năm xây dựng, nhà đầu tư hạ tầng của KCN này mới chỉ bỏ ra 90 tỉ đồng và tỉ lệ lấp đầy là... 0%. Cách nay chưa lâu, KCN này được khởi động trở lại với dự án xây dựng nhà máy may...

Tại Thừa Thiên Huế, theo tìm hiểu của PV Báo CAND, trừ các KCN Phú Bài, Phong Điền, La Sơn… thu hút được nhà đầu tư, hiện tỷ lệ lấp đầy tại một số KCN vẫn còn rất thấp. Đơn cử như KCN Quảng Vinh (nằm trên địa bàn huyện Quảng Điền) sau 10 năm được thành lập và quy hoạch chi tiết xây dựng, đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống giữa vùng gió và… cát. KCN này được quy hoạch 150ha, định hướng là KCN tổng hợp, ưu tiên phát triển các ngành chế biến nông, thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghiệp nhẹ và công nghiệp sạch.

Cảnh đìu hiu tại một số khu công nghiệp (Kỳ 2) -0
Sau 13 năm, KCN Phú Vinh (Hà Tĩnh) chỉ mới có 2 doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: Thiên Thảo.

Ông Phan Gia Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Điền cho biết, hiện trạng hạ tầng ngoài hàng rào của KCN Quảng Vinh đến nay mới chỉ có đường tránh lũ Sịa kết nối với KCN. “Hạ tầng giao thông nội bộ, khu xử lý nước thải, hệ thống cây xanh… đang thiếu là một trong những nguyên nhân khiến KCN này không được các nhà đầu tư để mắt tới. Trong hơn 10 năm qua, có khoảng 4-5 nhà đầu tư tới đây tìm hiểu nhưng rồi lại… quay lưng”, ông Phú cho biết. Trong khi đó, đất bỏ hoang nhiều năm rất lãng phí, nhiều hộ dân làm trang trại nằm trong vùng quy hoạch KCN thì… tiến thoái lưỡng nan.

Ở Thanh Hóa, bên ngoài KKT Nghi Sơn hiện có 5/8 KCN thu hút nhà đầu tư hạ tầng. KCN Đình Hương (gần 30ha, là một phần của KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, lập 3/2013, rộng hơn 200ha), đến nay vẫn không có nhà đầu tư hạ tầng, hệ thống các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Đối với KCN Hoàng Long - dự án do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, sau 7-8 “ngủ yên”, đã bị UBND tỉnh dừng đầu tư hạ tầng, chấm dứt hoạt động và thu hồi chứng nhận đăng ký. Còn các KCN: Bãi Trành, Thạch Quảng, Ngọc Lặc đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng.

Khoảng 15 năm trở lại đây, Hà Tĩnh được quy hoạch, phê duyệt nhiều KCN với diện tích lên đến hàng nghìn hécta. Thế nhưng thực tế chỉ lèo tèo vài nhà đầu tư  nhỏ, lại hoạt động manh mún, hoạt động cầm chừng vào đây.

PV Báo CAND tìm hiểu KCN Phú Vinh – dự án rộng khoảng 207ha, được được BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, vốn đầu tư khoảng gần 440 tỷ đồng, do Công ty CP đầu tư xây dựng Hạ Tầng Phú Vinh làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại các phường Kỳ Long, Kỳ Liên và Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Theo phê duyệt, trong vòng 3 năm sau khi được chứng nhận đầu tư, giao mặt bằng, chủ đầu tư phải hoàn thành các hạng mục, kêu gọi các nhà đầu tư thuê hạ tầng và lấp đầy dự án. Thế nhưng mãi đến cuối 2017, chủ đầu tư mới bắt đầu triển khai xây dựng. Và đến nay, KCN này chỉ mới hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện cao áp, chiếu sáng, cấp thoát nước); thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó chỉ có 2 dự án đi vào hoạt động; còn nhiều hạng mục chưa được thi công, trong đó có khu đất thương mại, dịch vụ. Do chậm tiến độ, cơ quan thẩm quyền của Hà Tĩnh đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư này…

Đất KCN thành nơi…trâu bò gặm cỏ

Với kỳ vọng tạo cú hích thu hút đầu tư tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, năm 2007 KCN Đại Kim (Hà Tĩnh) được thành lập, trên diện tích hơn 33ha thuộc huyện Hương Sơn. Thời điểm công bố quyết định thành lập, có 30 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký đầu tư vào nhưng đến nay, sau gần 20 năm, dự án KCN này chỉ mới có 4 nhà đầu tư vào trên diện tích khoảng 13ha. Trong đó, duy nhất Nhà máy may Five Star Thiên Thành đi vào hoạt động từ cuối 2021, với khoảng 300 công nhân. Các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng khác tại KCN này lại trì trệ, dở dang, bỏ hoang tàn cho cỏ dại mọc, thành nơi gặm cỏ lý tưởng cho trâu, bò.

Đáng chú ý, trong số này có nhiều dự án từng được kỳ vọng “làm thay đổi diện mạo kinh tế khu vực phía Tây tỉnh Hà Tĩnh”, chẳng hạn như dự án xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy và các sản phẩm công nghiệp SOKI - CT do Công ty CP Đầu tư phát triển Việt - Lào làm chủ đầu tư với số vốn 371 tỷ đồng. Được khởi công từ 15 năm trước nhưng dự án hiện trong tình trạng “chết yểu” vì thiếu vốn. Hay như dự án khu nghỉ dưỡng Ngàn Phố, hiện cũng chỉ là một vùng cỏ dại. Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung nam sông Ngàn Phố thi công giữa chừng rồi bỏ dở từ nhiều năm qua. Thậm chí, dự án Khu trung tâm thương mại cửa khẩu được Công ty CP Đầu tư CK Việt Nam xây dựng tại Khu vực Trạm kiểm soát Nội địa KKT Cửa khẩu Cầu Treo, với số vốn 112 tỷ  đồng, đã hoàn thành nhưng đang tình trạng… “xây xong để ngó”.

“Phần đất thực hiện dự án KCN Đại Kim trước đây chủ yếu là đất ruộng sản xuất của người dân trên địa bàn. Sau khi bị thu hồi để xây dựng KCN nhưng hoạt động không hiệu quả, thậm chí hoang hóa đã kéo theo nhiều hệ lụy, gây phức tạp tình hình ANTT và môi trường”, ông Hoàng Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết.

Cảnh đìu hiu tại một số khu công nghiệp (Kỳ 2) -0
Tình trạng lãng phí đất đai, đất quy hoạch công nghiệp tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa) do dự án không đảm bảo tiến độ như phê duyệt ban đầu.

Thực trạng tại các KCN Phú Vinh và Đại Kim cũng là tình trạng chung của nhiều KCN tại Hà Tĩnh. Năm 2006, cấp thẩm quyền phê duyệt, thành lập KCN Hạ Vàng, diện tích 250ha (quy hoạch mở rộng lên đến 700ha) tại 2 xã Thiên Lộc và Vượng Lộc, huyện Can Lộc. Và đến nay sau 17 năm được “khai sinh”, KCN này cũng chỉ là dự án “treo”, tất cả đều đang nằm trên hồ sơ quy hoạch.

Theo Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài 6 KCN nằm trong KKT Vũng Áng và các KCN trong KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, hiện Hà Tĩnh còn có 5 KCN khác, bao gồm: KCN Gia Lách, Bắc Hồng Lĩnh, Hạ Vàng, Bắc Thạch Hà và KCN phía Tây TP Hà Tĩnh, với tổng diện tích đất sử dụng quy hoạch đến năm 2030 hơn 3.500ha. Hiện có 4 KCN trong số này đang triển khai xây dựng;…Theo ông Phạm Trần Đệ, Phó Trưởng BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh, trong quá trình triển khai xây dựng các KCN cũng như kêu gọi thu hút đầu tư đã gặp những khó khăn, vướng mắc, trong đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Tại Nghệ An hiện có 12 KCN đã được quy hoạch với tổng diện tích hơn 4.300ha, có thể kể đến: KCN, đô thị và dịch vụ VSIP; Nam Cấm; các KCN Nam Cấm, Cửa Lò, Đông Hồi, Hoàng Mai I, II, Thọ Lộc, Nghĩa Đàn, Bắc Vinh, Tri Lễ,  Tân Kỳ… Dù được quy hoạch khá rầm rộ nhưng không ít KCN tại đây vẫn trong tình trạng hoang vắng, thưa thớt nhà đầu tư. Chẳng hạn như KCN  Hoàng Mai I được khởi công từ 15 năm trước, tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng, diện tích quy hoạch gần 290ha do Công ty CP Đầu tư KCN Hoàng Mai làm chủ. Dù được ghi vào danh mục ưu tiên phát triển và cũng đã hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng từ lâu, song đến nay chỉ vài nhà đầu tư vào đây đăng ký thuê đất. Cũng trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, KCN Đông Hồi cũng lèo tèo vài nhà đầu tư vào, thuê khoảng 1,436ha diện tích quy hoạch ban đầu. Một số KCN khác ở các huyện miền núi của Nghệ An, quy mô hàng trăm hécta như KCN Tri Lễ, Tân Kỳ cũng đìu hiu cảnh… chợ chiều.

Liên quan đến loạt dự án chậm tiến độ, “đắp chiếu”, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực rất lớn, tại Kỳ họp thứ 14 khóa XVIII, HĐND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm, bức xúc về vấn đề này. Ông Nguyễn Công Văn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nghi Lộc - địa bàn trọng điểm, tập trung các KCN quy mô lớn của tỉnh Nghệ An, cho rằng trong quản lý giám sát điều hành kinh tế, tỉnh có nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực của tỉnh. “Nhiều cử tri tâm huyết gửi gắm, phản ánh về xử lý các dự án treo, mục đích chiếm dụng đất, chuyển đổi lòng vòng, thu lời chênh lệch chứ không triển khai. Nếu tỉnh quyết liệt khai thác được các dự án này hoạt động thì nguồn thu sẽ cao, công ăn việc làm của nhân dân nhiều hơn, đời sống nhân dân tốt hơn”, ông Văn băn khoăn và nêu đề xuất.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, quá trình phát triển của địa phương trước đây còn thiếu đi một “nhạc trưởng” quan trọng vừa có tầm nhìn về quy hoạch, vừa có kiến thức sâu rộng trong quản lý hành chính nhà nước về mọi mặt. “Vì vậy, quá trình đó để lại những tồn tại, vướng mắc và khó khăn lớn cho việc điều chỉnh quy hoạch phù hợp với phát triển sau này. Trong đó, bất cập nhất là về một số địa điểm quy hoạch, xây dựng và phát triển các KCN, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, thu hút đầu tư công nghiệp nhưng lại không xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung”, ông Hà Sỹ Đồng nhìn nhận.

Nhóm PV miền Trung
.
.
.