Cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp giảm rủi ro trong phòng vệ thương mại

Thứ Hai, 25/03/2024, 08:12

Năm 2024, dự báo xuất khẩu (XK) hàng hoá tiếp tục gia tăng, thị trường tiếp tục được mở rộng nhờ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) bước vào giai đoạn mới, vì thế nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) gia tăng. Do vậy, doanh nghiệp (DN) cần chủ động ứng phó với vụ kiện PVTM nhằm giảm rủi ro và tăng lợi thế cho hàng hoá XK.

Sau vụ việc Ấn Độ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với mặt hàng kính cường lực tráng và không tráng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam hồi tháng 2, mới đây Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) lại ban hành Bản câu hỏi điều tra chống bán phá giá mặt hàng kính cường lực tráng và không tráng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.

cf4beb92_55d3_4cc7_83e4_1562348-1711329257735.jpeg
Doanh nghiệp cần được cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.

Trước thông tin này, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong vụ việc chống bán phá giá, DN sản xuất, XK của Việt Nam là bên liên quan của vụ việc, cần tham gia hợp tác đầy đủ toàn diện để chứng minh không bán phá giá hoặc bán phá giá ở mức thấp. Bên cạnh đó, để kịp thời ứng phó vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các bên liên quan cần nghiên cứu kỹ bản câu hỏi và các hướng dẫn của Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ; chuẩn bị các thông tin tài liệu theo yêu cầu, hợp tác đầy đủ toàn diện với Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ trong toàn bộ quá trình vụ việc.

Trước xu hướng bảo hộ gia tăng, hàng hóa Việt Nam ngày càng đối diện nhiều hơn với các vụ điều tra PVTM từ nước ngoài. Cùng đó, các vụ việc PVTM trước đây chủ yếu tập trung vào chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ nhưng gần đây việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM ngày càng nhiều hơn. Không dừng lại ở đó, xu hướng điều tra PVTM đối với hàng hoá XK Việt Nam ngày càng mở rộng sang các nước đang phát triển cũng như các nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Để hỗ trợ DN, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo sớm một số mặt hàng XK có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Bên cạnh việc đưa ra các cảnh báo XK. Trong đó có nhiều mặt hàng như một số sản phẩm gỗ, sản phẩm vật liệu xây dựng, sản phẩm thép, sản phẩm nhôm… XK sang Hoa Kỳ; hay một số sản phẩm thép XK sang Mexico.

Tính đến hết năm 2023, Mexico đang áp dụng 45 biện pháp CBPG đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trong giai đoạn trước năm 2021 chưa có các vụ việc PVTM phát sinh đối với hàng hóa XK của Việt Nam sang Mexico. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, mỗi năm Mexico đã tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với một sản phẩm thép của Việt Nam, lần lượt là thép mạ (2021), thép cán nguội (2022) và dây hàn (2023). Trong thời gian tới, một số sản phẩm thép XK sang Mexico có nguy cơ là đối tượng của điều tra PVTM tiếp theo, cụ thể như thép cán nóng.

Trước xu thế gia tăng của bảo hộ thương mại, để tránh nguy cơ mất thị phần trong nước cũng như tăng cường XK, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công Thương mà đầu mối là Cục Phòng vệ thương mại đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN xử lý, ứng phó hiệu quả với vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài với hàng hóa XK Việt Nam thông qua hoạt động đa dạng. Như cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM để DN chủ động xây dựng kế hoạch xử lý.

Cùng đó, trao đổi kịp thời với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin cập nhật giúp DN nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho DN. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, DN cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM, chống lẩn tránh của các nước XK, nhất là với các thị trường mục tiêu. Mặt khác, DN phải thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương để có hành động sớm, kịp thời và có chiến lược XK phù hợp, đồng thời thiết lập các kênh thông tin với đối tác, hiệp hội, ngành hàng để cập nhật, xử lý vụ kiện, tình huống phát sinh.

Phan Đức
.
.
.