Vốn đâu cho DN khi tham gia vào các hiệp định thương mại?

Thứ Tư, 31/08/2016, 10:10
Đây là câu hỏi băn khoăn của các doanh nghiệp Việt Nam tại Hội thảo “Giải pháp tài chính để tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập mới”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank) tổ chức ngày 30-8 tại Hà Nội.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước với gần 600.000 doanh nghiệp (DN), trong đó 96% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Có một thực tế là phần lớn sự hiểu biết của các DNNVV về hội nhập còn chưa có hệ thống. DN không biết sẽ phải làm cái gì, làm từ đâu và làm như thế nào?

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cùng với các DN đã trao đổi, thảo luận về sự tham gia và mối liên kết của DN vào chuỗi giá trị toàn cầu; thực trạng môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các chính sách, giải pháp hỗ trợ của tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh hội nhập để hỗ trợ DN phát triển.

Đồng thời, các chuyên gia đã tập trung phân tích rõ những cơ hội và thách thức của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là 3 hiệp định EVFTA, TPP và Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), thảo luận những giải pháp khai thác những lợi thế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, cũng như sự chuẩn bị các điều kiện cho tiến trình hội nhập của các DN một cách chủ động và hiệu quả.

Tiến sỹ Jason Kassel, chuyên gia quốc tế cho biết, trong quá trình hội nhập, cơ hội và thách thức luôn song hành, do vậy cần có những giải pháp để hỗ trợ DN tận dụng những cơ hội do FTA mang lại. 

Theo đó, trước tiên DN cần phải nắm bắt cơ hội, biết thế mạnh của mình và biết lựa chọn mình ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, để đặt ra những kế hoạch phát triển riêng, khi đó mới tham gia hội nhập thành công. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Jason Kassel, để thành công thì vấn đề then chốt của DN vẫn là nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch, bởi đến nay đây vẫn là bài toán trăn trở đối với các DN. 

Ông Phạm Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm khách hàng DN Thăng Long, VPBank cho biết, hiện chỉ có 30% DNNVV Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn qua kênh ngân hàng. Nguyên nhân chính là do DNNVV Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức, không đủ tài sản để đảm bảo, báo cáo tài chính không minh bạch đầy đủ. Do vậy, việc hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Ông Quyền Anh Ngọc, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, có 3 cản trở lớn nhất đối với DN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đó là: vốn, trình độ nguồn nhân lực và công nghệ. Đây là nguyên nhân cơ bản và cũng là đặc trưng cố hữu của DNNVV trong hội nhập. 

Do vậy, DN cần chủ động tận dụng cơ hội đến từ sự đồng hành của các định chế tài chính, để các ngân hàng thấy được ngành nghề nào có lợi thế khi hội nhập, từ đó có những ưu tiên trong việc dành nguồn tài chính của mình cho lĩnh vực đó.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, để giải bài toán trên thì DNNVV cần phải thay đổi tư duy kinh doanh, cùng liên kết để phát triển, nâng cao năng suất lao động quốc gia, cải thiện tiếp cận các yếu tố đầu vào sản xuất, chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam khi tham gia hội nhập, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Bên cạnh đó, để tiếp cận được nguồn tài chính, DN cần có chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp, bài bản gắn với từng giai đoạn ngắn hạn hay trung hạn nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ tài chính. cắt bỏ đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực chuyên sâu của mình. Đầu tư có trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho các tổ chức tín dụng để tiếp cận được nguồn vốn một cách hiệu quả.

Lưu Hiệp
.
.
.