Vĩnh Phúc tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển
Triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới chuỗi sản xuất của doanh nghiêp. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhiều doanh nghiệp đã chủ động “biến nguy thành cơ”, tận dụng thế mạnh của công nghệ và số hóa để trụ vững, tăng tốc và bứt phá. Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Đại diện Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment cho biết, công ty chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu, những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các thủ tục thông quan hàng hóa gặp nhiều khó khăn khiến sản xuất kinh doanh của nhà máy may chi nhánh Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment, đóng tại Cụm công nghiệp Đồng Thịnh, huyện Sông Lô bị đình trệ. Tuy nhiên, với sự nhanh nhạy, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất thay thế, đặc biệt là nhờ có hệ thống trang thiết bị máy móc được nhập khẩu mới với dây chuyền sản xuất khép kín tự động hóa giúp tiết kiệm nguyên liệu, nhân công và thời gian, Vit Garment hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch vừa giữ đà tăng trưởng, tạo việc làm ổn định người lao động. Kết thúc năm 2020, nhà máy sản xuất trên 2 triệu sản phẩm, doanh thu đạt trên 48 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp. |
Công ty cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc cũng là một trong những đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh. Bắt kịp xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ cũng như các giao dịch điện tử, doanh nghiệp đã từng bước chuyển đổi từ phát hành hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử; chủ động trang bị các máy in nhiệt tại quầy thu, phát hành thẻ khách hàng, gửi tin nhắn thông báo số tiền cần thanh toán đến khách hàng trước thời gian thu tiền nước; kết nối với các ngân hàng để khách hàng có thể lựa chọn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Nghị quyết số 57/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 39/2017 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, với Quyết định 23/2019 tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho DN tham gia phát triển CNHT. Cụ thể như, hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực DN CNHT, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối CNHT; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT…
“Tỉnh Vĩnh Phúc xác định phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng khả năng thu hút đầu tư, đưa Vĩnh Phúc sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy lớn và là tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các DN trong lĩnh vực CNHT đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”- đại diện Sở Công Thương cho hay.
Công ty TNHH Ohashi Tekko Việt Nam (KCN Bình Xuyên) chuyên sản xuất các loại bàn đạp chân ga xe ô tô xuất khẩu sang thị trường châu Âu. |
Nhờ liên tục đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển DN tham gia vào lĩnh vực CNHT, đến nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 240 doanh nghiệp CNHT hoạt động. Trong đó, nhiều DN đã tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn trên thế giới. Nổi bật trong số đó là Công ty TNHH Jahwa Vina (Khu công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc), đây là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử phục vụ sản xuất điện thoại di động, máy tính, tivi, tủ lạnh, điều hóa, máy in, ôtô…
Sau 13 năm đi vào hoạt động, nhờ không ngừng đầu tư dây chuyển sản xuất, hiện đại hóa công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện Jahwa Vina đã trở thành doanh nghiệp CNHT uy tín cho hãng điện thoại Samsung và một số tập đoàn nước ngoài lớn tại Việt Nam.
“Các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn thời gian qua không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương mà còn góp phần quan trọng vào tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển cũng như tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh”- đại diện Sở Công Thương nhấn mạnh.
Để thu hút thêm các DN trong nước tham gia vào lĩnh vực CNHT, tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục xây dựng các chính sách đặc thù, tạo môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNHT, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, tạo động lực mới đưa nền công nghiệp và kinh tế của tỉnh phát triển. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, CNHT của tỉnh sẽ trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, đối với chuyển đổi số, thì cho tới nay, tại Vĩnh Phúc đã có hơn 2.410 DN nhà nước, DN dân doanh có hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh dịch vụ số với các sản phẩm chủ yếu là thiết bị điện tử, linh kiện điện tử. Chỉ tính riêng năm 2020, dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 song doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử toàn tỉnh vẫn đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, để trụ vững và phát triển, nhiều DN đã linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đầu tư thêm trang thiết bị để tự động hóa dây truyền sản xuất; thay vì gặp gỡ khách hàng hay tổ chức hội nghị, hội thảo theo lối truyền thống như trước đây đã chủ động “số hóa” để quảng bá sản phẩm qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, DN CNHT, qua đó, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số. |
Thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển doanh nghệ công nghiệp số, trong năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá, giảm thời gian, chi phí cho DN, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, DN ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Internet và dịch vụ bưu chính công ích… Đến hết năm 2020, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng tại Vĩnh Phúc đạt 43%.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đã thẩm định 3 dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm với số vốn đề nghị vay trên 18 tỷ đồng; phối hợp với ngân hàng giải ngân vốn vay 8,4 tỷ đồng cho Nhà máy sản xuất gia công thủy tinh pha lê OSUM, đóng tại xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc thực hiện dự án đầu tư máy móc dây truyền khảm vàng lên thủy tinh pha lê.
Tận dụng cơ hội này, OSUM không chỉ vượt qua khó khăn bởi những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, từng bước đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, ổn định sản xuất, kinh doanh mà còn xuất sắc đưa sản phẩm lọ hoa pha lê khảm vàng 18K trở thành một trong hai sản phẩm của tỉnh được Bộ Công thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020.
Tăng đối thoại với doanh nghiệp
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Vĩnh Phúc, tạo ra mối quan hệ thân thiện và gắn bó giữa Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ doanh nhân hàng tuần. Đến nay, Chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân” tiếp tục được triển khai vào các buổi chiều thứ Hai hàng tuần. Tại Phòng gặp gỡ giữa Lãnh đạo UBND tỉnh và doanh nhân, trong khuôn viên HĐND, UBND tỉnh, số 38 đường Nguyễn Trãi, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, thông qua chương trình, các DN có thể phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc của DN mình; hiến kế cho tỉnh các giải pháp hoặc phản biện cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển DN. Qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp thu phản ánh, kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp để chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. “Trên tinh thần cởi mở, thân thiện và cầu thị, UBND tỉnh lắng nghe, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của DN về môi trường đầu tư, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ giải quyết nhanh các kiến nghị của DN trên cơ sở đúng quy định của pháp luật”- ông Lê Duy Thành khẳng định.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 24/5/2021về đối thoại giữa chính quyền với DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2021 để kịp thời nắm bắt, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các các DN liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và việc thực hiện các thủ tục hành chính. Theo đó, UBND tỉnh dự kiến sẽ tổ chức 4 hội nghị đối thoại giữa chính quyền với DN, quy mô dự kiến mỗi hội nghị đối thoại có thể mời từ 60-80 DN tham gia. Trong đó, hội nghị đối thoại giữa chính quyền - DN trong việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn do chịu tác động bởi dịch bệnh COVID-19 đã được triển khai thực hiện vào ngày 18/3/2021.
Thời gian từ nay đến cuối năm 2021, UBND tỉnh dự kiến tổ chức 3 hội nghị đối thoại nữa với DN về các vấn đề, lĩnh vực, gồm: Giải quyết những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm gây khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, thuế,....(dự kiến trước 25/6/2021). Giải quyết khó khăn theo từng nhóm vấn đề: đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, lao động, BHXH, thanh tra, kiểm tra,... (dự kiến trước 25/7/2021) và Các thủ tục hành chính, dịch vụ công,...(dự kiến trước 25/9/2021). Ngoài 4 hội nghị đối thoại nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19 có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đối thoại với DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn quản lý theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 08/3/2021 để kịp thời nắm bắt, giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư trên địa bàn.
Doanh thu các doanh nghiệp FDI trong KCN đạt hơn 3,1 tỷ USD Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC… đã giúp các doanh nghiệp trong KCN duy trì ổn định SXKD, nhiều doanh nghiệp vẫn nhận được nhiều đơn hàng lớn. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu các doanh nghiệp FDI trong KCN đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 5%; giá trị xuất khẩu đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10%; nộp ngân sách nhà nước đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 66 % kế hoạch năm 2021. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các dự án đã đầu tư hiệu quả tại các KCN trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy dòng vốn tái đầu tư của các dự án đi vào hoạt động SXKD nhằm tăng quy mô và giá trị vốn đầu tư. Đồng thời rà soát những khó khăn vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án; ứng dụng CNTT trong quản lý, theo dõi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp trong KCN. |