Viettel đề xuất phát triển các nền tảng dùng chung để thúc đẩy chuyển đổi số
Hội thảo Chính phủ điện tử 2020 thu hút sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương (CQNN) cùng các đơn vị, doanh nghiệp CNTT đầu ngành trên toàn quốc, đưa ra một bức tranh phát triển toàn cảnh Chính phủ điện tử, đặc biệt thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam; mở ra nhiều hướng đi cho các giải pháp trong các lĩnh vực như: Logistics, giáo dục, y tế...
Tham dự Hội thảo, Viettel đã chia sẻ kinh nghiệm, định hướng mô hình và đưa ra các giải pháp trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới chính phủ điện tử. Trong đó, để thực hiện Chuyển đổi số và Chính phủ điện tử thì 4 yếu tố được coi là trụ cột bao gồm: Môi trường pháp lý (thể chế), Công nghệ, Nguồn lực và Con người.
Khách tham quan gian hàng Viettel |
Theo ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, để xây dựng nền tảng phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ điện tử cần phải có: Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng cụ thể; Đẩy mạnh hạ tầng điện toán đám mây, và Phát triển các nền tảng dùng chung như: Nền tảng định danh và xác thực điện tử; nền tảng sàn giao dịch định danh; Nền tảng ứng dụng di động để truy cập dịch vụ Chính phủ điện tử, Dịch vụ số qua thiết bị thông minh…
Với vai trò là Tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam, Viettel đã và đang góp phần chuyển đổi số công tác điều hành của cơ quan nhà nước, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho cơ quan quản lý nhà nước như: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (Viettel mOffice) và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet)… giúp lãnh đạo Chính phủ có thể điều hành công việc qua thiết bị di động, ký số trên SIM có tích hợp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ…
Ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel |
Ngoài ra, Viettel cũng xây dựng các giải pháp dịch vụ công trực tuyến cho các cơ quan nhà nước, các giải pháp Trung tâm điều hành thông minh cho các tỉnh thành, hỗ trợ người dân trong tất cả các hoạt động từ đăng ký dịch vụ, nhận kết quả xử lý hồ sơ cho đến thanh toán phí sử dụng dịch vụ, hoặc các hoạt động phản hồi ý kiến tới cơ quan nhà nước…
Với mục tiêu mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân; mỗi học sinh có một học bạ điện tử và mỗi gia đình trở thành một Home BTS kết nối với xã hội, Viettel đã xây dựng hệ sinh thái các giải pháp cho từng lĩnh vực, lấy người dân là trung tâm; dựa trên thế mạnh làm chủ các nền công nghệ lõi như: AI, Bigdata, Cloud, IOT, Blockchain…