Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững
- ASEAN cơ bản hoàn tất các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020
- Thúc đẩy triển khai hiệu quả sáng kiến của ASEAN trong ứng phó COVID-19
Với chủ đề “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”, hội nghị năm nay tập trung thảo luận những cơ hội mới cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hơn 1500 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham gia hội nghị trực tiếp và trực tuyến trên phạm vi toàn cầu.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét, ngành dịch vụ hậu cần thông minh logistics là chìa khóa để Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch toàn cầu, ngành dịch vụ logistics đang có những thay đổi lớn.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP |
Trong khi đó, ngành logistic Việt Nam đang là một điểm nghẽn của sự phát triển. Chi phí logistic ở Việt Nam đang ở mức cao nhất ở khu vực và thế giới. Việt Nam cần khắc phục điểm nghẽn này, tạo ra bước đột phá trong phát triển logistic. Có những cơ hội trong phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa.
Là một trong những nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu trên thế giới, việc hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam sẽ giúp tăng sản lượng và chất lượng nông sản, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Vậy nên, Việt Nam cần nâng cao chất lượng và sản lượng cho xuất khẩu nông sản, tìm hướng phát triển cho sản xuất nông nghiệp, và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vì đây chính là cơ hội tốt để Việt Nam xuất khẩu nông sản.
Hội nghị VBS là sáng kiến của Việt Nam trong năm APEC 2017. |
Chủ tịch VCCI cũng cho biết, hội nghị VBS là sáng kiến của Việt Nam trong năm APEC 2017. Kể từ đó đến nay, hội nghị luôn là sự kiện được cộng đồng các nhà đầu tư mong đợi nhất trong năm. Với khẩu hiệu “Vietnam, We mean Business” (Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy), hội nghị đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Để thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam chủ trương nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ người dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hướng tới phát triển bền vững. Chính phủ sẽ hỗ trợ hạ tầng kĩ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kĩ năng nhằm đưa đóng góp của kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025".
Phó Thủ tướng cũng cho biết, chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống số về cả 3 phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế xanh và bền vững.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam là Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư thường niên lớn nhất của Việt Nam, quy tụ hàng nghìn nhà đầu tư trong và ngoài nước tới tìm hiểu cơ hội hợp tác với Việt Nam. Hội nghị là diễn đàn hàng đầu để các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương giới thiệu những định hướng, ưu đãi mới nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút luồng đầu tư chất lượng cao. Hội nghị cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cùng thảo luận, trao đổi những thực tiễn tốt, mô hình hợp tác thành công, đưa ra các khuyến nghị nhằm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. |