Việt Nam sẽ xuất khẩu lao động sang Thái Lan trong năm nay

Thứ Sáu, 06/03/2015, 09:22
Trong 2 ngày 4 và 5/3, đoàn công tác của Bộ Lao động Thái Lan đã sang Việt Nam, có những phiên đàm phán đầu tiên với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để thống nhất ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai nước. Nếu không có gì thay đổi, Việt Nam có thể xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo đường chính thức sang Thái Lan ngay trong năm nay. 

PV Báo CAND đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà về vấn đề này.

- Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, mới đây Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu triển khai việc đăng ký và cấp phép cho lao động tự do Việt Nam đang cư trú tại Thái Lan. Đây có phải là bước khởi đầu tiến tới ký kết thỏa ước hợp tác lao động giữa 2 nước ngay không?

- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Từ 2 năm trước, Bộ LĐ-TB&XH đã có cuộc khảo sát tại Thái Lan và có các cuộc làm việc với Bộ Lao động  Thái Lan để xây dựng dự thảo hợp tác lao động. Dự thảo gần như đã xong, tuy nhiên, do Thái Lan có những thay đổi về chính trị, nên cuối năm 2014, lãnh đạo cấp cao 2 nước mới thống nhất thúc đẩy nhanh. Ngày 4, 5 tháng 3, chúng tôi đã mời Bộ Lao động Thái Lan sang thảo luận và đàm phán để xúc tiến ký thỏa thuận này.

- Xin ông cho biết kết quả đàm phán giữa 2 bên đã thống nhất những điểm gì? Cụ thể Việt Nam sẽ đưa sang Thái Lan những ngành nghề nào, mức lương tại đây mà lao động có thể được hưởng là bao nhiêu, thưa ông?

- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Chúng tôi chưa hy vọng thống nhất tất cả, nhưng tại buổi đàm phán, 2 bên chủ yếu bàn về cơ chế hợp tác, cơ chế để bảo vệ người lao động, xem xét có đại diện của Việt Nam tại Thái Lan, cơ chế đối thoại hai bên... Phía bạn đang cần nhất 2 ngành nghề xây dựng và đánh bắt cá và một số lĩnh vực khác. Còn về mức lương, chúng tôi đang bàn, nhưng nhìn chung lao động của ta sang làm việc tại Thái Lan phải được đối xử như lao động bản địa. Hiện nay mức thu nhập bình quân của lao động Thái Lan ở những vùng sâu, vùng xa khoảng 500 USD tương đương với Malaysia. Ở những khu vực phát triển lên tới 1.000 USD, ở thành phố có thể cao hơn. Với mức thu nhập này tương đương với XKLĐ tại Malaysia. Thời gian làm việc tại Thái Lan có thể 2-3 năm.

Đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

- Dòng di cư tự do sang Thái Lan vẫn khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung, Bộ LĐ-TB&XH có nắm được số lượng cụ thể không thưa ông?

- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Rất nhiều lao động ở các tỉnh miền Trung hiện nay đang di cư theo con đường visa du lịch. Người Việt Nam sang đó gặp gì làm nấy nên đến nay vẫn chưa có một con số chính xác. Tuy nhiên, có 2 con số  phía Thái Lan đưa ra cho chúng tôi là 50.000 và gần 100.000 người. Muốn biết con số chính thức phải chờ sau đợt đăng ký này, phía bạn sẽ công bố.

- Khi ký thỏa thuận hợp tác, đưa lao động hợp pháp sang Thái Lan chắc chắn người lao động sẽ phải chịu mức phí, trong khi lao động di cư tự do chỉ phải chịu chi phí thấp. Đây liệu có là trở ngại cho việc thực hiện Thỏa thuận không, thưa ông?

 - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Lúc đó, người lao động sẽ phải tự cân nhắc, tính toán lợi ích giữa hợp pháp với không hợp pháp. Trước đây, hằng tháng lao động phải bỏ thời gian và chi phí ra biên giới đăng ký, còn bây giờ, nếu đăng ký với cơ quan chức năng, trong vòng 1 năm người ta để chuyển đổi sang hợp pháp lâu dài. Tất nhiên, cơ quan hợp tác lao động hai nước cũng đã phải tính toán để làm sao việc đăng ký này có lợi hơn là lao động bất hợp pháp thì mới làm. Hơn nữa, Thái Lan gần với Việt Nam, đi lại cũng thuận tiện hơn nên chắc chắn chi phí sẽ thấp hơn đi Malaysia. Việc ký kết hợp tác nhằm tạo điều kiện cho lao động sang Thái Lan có kênh làm việc hợp pháp chứ không phải chiến dịch hay trào lưu di cư sang Thái. Hiện Thái Lan bắt đầu siết chặt quản lý, người vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Chúng tôi cảnh báo, không khuyến khích lao động đi theo con đường bất hợp pháp, không an toàn. 

- Nếu Thỏa thuận được ký kết thì cơ chế đưa lao động đi sẽ do cơ quan của Chính phủ hay doanh nghiệp thực hiện?

- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Chúng tôi đàm phán dựa trên nguyên tắc đảm bảo chi phí thấp, đảm bảo quyền lợi và thuận lợi cho người lao động. Cơ chế hợp tác thông qua tổ chức chính phủ hay thông qua doanh nghiệp muốn hợp tác kiểu gì cũng phải đạt được 2 yêu cầu đó. Nhà nước làm mà phức tạp thì Nhà nước cũng không làm. Còn nếu Nhà nước làm thuận lợi Nhà nước sẽ làm.

- Thỏa thuận hợp tác lao động với Thái Lan ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh việc làm trong nước khó khăn, trong khi các thị trường XKLĐ truyền thống của Việt Nam đang bị thu hẹp lại?

- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Hiện Thái Lan mới chỉ đồng ý tiếp nhận lao động của các nước như Lào, Campuchia, Myanmar. Lần đầu tiên Thái Lan đồng ý chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam trong một số ngành nghề. Đây là kênh di cư an toàn và hợp pháp, lâu dài. Việc Thái Lan hợp thức hóa lao động tự do có ý nghĩa rất lớn, từ nay, lao động Việt Nam sang Thái phải đi theo kênh này, không còn phải đi “chui” như trước đây. Và chắc chắn đi hợp pháp, lương của người lao động sẽ cao hơn. Dự kiến, trong tháng này, cơ quan quản lý lao động của 2 nước sẽ đàm phán xong, cố gắng vào dịp Thủ tướng sang thăm Thái Lan vào đầu tháng 6 tới. Sau cuộc đàm phán này, nếu còn vướng mắc gì, lãnh đạo Bộ sẽ sang Thái Lan đàm phán tiếp. Phía bạn cũng đồng tình quyết tâm làm nhanh. Song song với việc đưa lao động sang thị trường Thái Lan, tại dự thảo hợp tác lao động, phía Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận lao động Thái Lan sang làm việc.

- Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!

Thu Uyên
.
.
.