Vì sao lao động thất nghiệp chưa chú trọng học nghề?
Các cơ quan chức năng đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1,06 triệu người, với tổng số tiền trợ cấp hơn 18.200 tỷ đồng (mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng).
Không chỉ vậy, người hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, số liệu của Bộ LĐ-TBXH cho thấy, hiện chỉ có khoảng 5% số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lựa chọn học nghề, một con số rất thấp.
Nhiều lý do từ chối học nghề
Làm việc tại một hệ thống siêu thị điện máy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với việc các siêu thị điện máy hiện nay rất vắng khách phải thu gọn quy mô kinh doanh, chị Nguyễn Bích Thủy (Cầu Giấy- Hà Nội) rơi vào cảnh mất việc gần nửa năm nay.
Chị đã đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã có quyết định hưởng trợ cấp được 3 tháng. Chị Thủy cho hay, từ khi nghỉ việc chị cũng đã tìm hiểu xin việc ở một vài nơi nhưng chưa tìm được việc làm mới. Vừa tìm việc vừa bán thêm hàng online, mong muốn lớn nhất hiện nay là sớm tìm được việc làm mới bởi số tiền hàng tháng được hưởng từ trợ cấp thất nghiệp không thể đủ để đảm bảo cuộc sống.
“Cũng biết học nghề sẽ có lợi sau này, tuy nhiên hai vợ chồng cùng một con nhỏ, nhà vẫn đang phải đi thuê thì tìm việc làm mới vẫn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Cũng may là công việc của chồng không bị ảnh hưởng nhiều, chứ nếu hai vợ chồng cùng phải nghỉ việc thì không biết sẽ ra sao. Lương của chồng, cùng khoản trợ cấp thất nghiệp của tôi phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Nếu giờ đi học nghề nữa thì không thể cáng đáng được”, chị Thủy chia sẻ.
Khác với lý do phải lo cơm áo gạo tiền hàng ngày của chị Thủy, anh Đặng Quang Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh không chọn học nghề bởi chính sách học nghề không thực sự thu hút. Cũng là nhân viên kỹ thuật của một hệ thống siêu thị điện máy, phải nghỉ việc từ tháng 8 năm ngoái, cũng làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng khi được tư vấn học nghề anh đã từ chối bởi chính sách hỗ trợ học nghề không phù hợp.
“Từ lúc nghỉ việc, trong lúc tìm việc mới tôi đi làm bên ngoài cùng một vài nhóm thợ, gia đình nào cần lắp đặt, sửa chữa thì anh em bảo nhau làm. Tôi đã có nghề kỹ thuật điện tử điện lạnh rồi, cứ túc tắc làm chờ tìm chỗ làm mới. Nếu giờ chuyển đổi nghề khác thì phải mất một thời gian dài đi học, chính sách hỗ trợ học nghề mỗi người chỉ được khoảng 1 triệu/tháng, tối đa được 6 tháng. Số tiền ấy có khi chưa đủ để trả các khoản học ở trường nghề chứ chưa nói còn rất nhiều khoản khác. Sinh viên đi học giờ cũng phải tốn 3- 4 triệu một tháng, chả lẽ mình đi làm rồi và vẫn về xin tiền bố mẹ để tiếp tục học nghề”, anh Huy phân tích.
Tỷ lệ lao động thất nghiệp tham gia học nghề hiện đang rất thấp. |
Cần tăng mức hỗ trợ
Theo các chuyên gia về lao động, nguyên nhân chính dẫn tới thất nghiệp của người lao động hiện nay là do nghề nghiệp hiện tại không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
Vì vậy, để có thể thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu cao hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Chính vì thế TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người lao động không nên quá quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, bởi đây chỉ là lợi ích trước mắt. Tuy vậy theo TS Nguyễn Thị Lan Hương việc người lao động không mặn mà học nghề khi thất nghiệp cũng có lý do.
Phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông nên không có tích lũy về tài chính để học nghề. Mặt khác, mức hỗ trợ học nghề hiện chưa đáp ứng được mức học phí mà các cơ sở đào tạo nghề đang thực hiện.
“Mức hỗ trợ học nghề hiện nay thấp (hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng) và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên. Tại một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề,... nên chưa hấp dẫn người lao động tham gia học nghề. Người lao động không học nghề thì khó thoát thất nghiệp. Nhưng cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn để người lao động có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các chương trình đào tạo nghề và đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau học nghề ở mức cao thì mới thu hút được người thất nghiệp tham gia học nghề”, TS Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá.
Theo con số của Bộ LĐ-TBXH, cả nước hiện có khoảng 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hơn 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, trong đó hơn 230 nghìn người được hỗ trợ học nghề (chỉ chiếm 5%).
Đề cập đến con số này, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH) cho biết, hiện Bộ đang căn cứ báo cáo của các địa phương để đưa ra các giải pháp nhằm tăng số người được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, còn một số quy định trong luật hiện đang cần nghiên cứu sửa đổi như danh mục nghề được hỗ trợ đào tạo, về thời gian hỗ trợ học nghề,... cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ cho các khóa đào tạo ngắn hạn.
“Bộ LĐ-TBXH cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thay thế Quyết định 77. Theo đó, mức hỗ trợ học nghề của người lao động được nâng lên so với quy hiện hành và linh hoạt hơn. Đối với các khóa học nghề ngắn hạn có kinh phí học nghề cao hơn, cố gắng làm sao đáp ứng được cơ bản nhất những nghề ngắn hạn mà trên thị trường hiện đang đào tạo", ông Trần Tuấn Tú cho biết.