Vì sao khó thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao?

Thứ Ba, 16/01/2018, 08:40
Có một nghịch lý đang diễn ra, các khu công nghệ cao (CNC) của Việt Nam đều thu hút đầu tư chưa tương xứng, dù được hưởng nhiều ưu đãi. Điều gì khiến cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài không mấy mặn mà khi đầu tư vào các khu CNC?

Được thành lập năm 1998, Khu CNC Hòa Lạc đặt mục tiêu trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái thông minh và là không gian ươm tạo công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Sau 20 năm, dấu ấn của một thành phố khoa học vẫn chưa rõ nét mặc dù Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù với nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư.

Hiện Khu CNC Hoà Lạc mới thu hút được 81 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD, trong đó có 36 dự án đang hoạt động với trên 10.000 người. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu kì vọng mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ không có chủ trương “lấp đầy” bằng mọi giá.

Khoảng 3.000 lao động của Công ty FSoft chưa được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân.

Với tổng diện tích hơn 1.100 ha, Khu CNC Đà Nẵng được kì vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn đầu tư, thúc đẩy sự phát triển về khoa học – công nghệ của TP Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Tuy vậy, cho tới nay, mới có vài dự án đăng kí đầu tư, nổi bật nhất là 2 dự án FDI sản xuất công nghệ cao của Nhật Bản (Tokyo Keiki và Niwa Foundry) với tổng vốn đầu tư là 70 triệu USD và 5 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 90 triệu USD. Hiện tại, Khu CNC Đà Nẵng đã có quỹ đất sạch 300ha cùng hạ tầng kĩ thuật tương đối hoàn chỉnh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư là Khu CNC TP Hồ Chí Minh. Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Khu CNC TP Hồ Chí Minh đã thu hút 128 dự án với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Microsoft, Samsung, Nidec... tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động. Trong năm 2017, mức doanh thu của toàn khu đạt gần 12 tỷ USD.

Khu CNC TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đạt doanh thu khoảng 20 tỷ USD vào năm 2020. Cũng theo ông Quốc, hiện nay, dự án Công viên Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh – được coi là khu CNC thứ 2 – đang được triển khai xây dựng, bắt đầu thu hút đầu tư từ năm 2019. Nơi đây sẽ có 5 lĩnh vực công nghệ được ưu tiên: Công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vũ trụ, cải thiện môi trường sống; công nghệ năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học chuyên ngành y sinh, thiết bị y tế; công nghệ cao tích hợp.

Việc hai doanh nghiệp FDI lớn là Samsung Electronics và Nokia từ chối về Khu CNC Hoà Lạc đã cho thấy sự thờ ơ của nhà đầu tư ngoại. Samsung chọn Bắc Ninh và Thái Nguyên để đặt nhà máy, trong khi Nokia cũng chọn về Bắc Ninh. Một số tập đoàn công nghệ khác như Canon, LG đều chọn Vĩnh Phúc để đầu tư. Trước đây, Ban quản lí Khu CNC Hoà Lạc thường lí giải việc khó thu hút đầu tư là bởi còn thiếu cơ chế đặc thù. Nhưng nay, ngay cả khi Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù, việc thu hút đầu tư vẫn rất èo uột.

Vì sao các khu CNC chưa hấp dẫn doanh nghiệp? Lí giải điều này, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Software cho biết: “Khi chúng tôi về Hoà Lạc, chủ trương ban đầu là giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Thế nhưng 3 năm qua, chúng tôi vẫn phải nộp thuế bình thường, không được ưu đãi gì cả. Về điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo nhưng vẫn chưa thấy đâu. Tại sao chủ trương có, lãnh đạo Chính phủ ủng hộ, vậy mà 3 năm chưa có kết quả?

Hằng ngày, hàng nghìn chuyên gia, cán bộ, kĩ sư của Fsoft phải di chuyển mấy chục cây số đến Hoà Lạc để đi làm. Hạ tầng phục vụ cuộc sống như trường học, nhà ở, nhà trẻ... vẫn chưa có. Hiện chúng tôi có khoảng 3.000 người tại Hoà Lạc, cuối năm nay có thể lên 4.000. Để người lao động có thể gắn bó lâu dài, công ty phải bố trí xe buýt đưa đón, nhà ăn, phòng tập gym...”.

Theo các chuyên gia, muốn thu hút đầu tư, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc có một cơ chế đặc thù hiệu quả, các khu CNC cần có một môi trường làm việc thực sự năng động với hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Các khu CNC của Việt Nam hiện vẫn hoạt động giống như một khu công nghiệp hơn là một thành phố khoa học.

Để thúc đẩy việc đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng, mới đây, Chính phủ đã thông qua việc áp dụng các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư như ưu đãi về tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế nhập khẩu; ưu đãi về tín dụng đầu tư...
Cụ thể, các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong Khu CNC Đà Nẵng được hưởng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm; trong trường hợp dự án đầu tư mới vào khu CNC có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 30 năm.
Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án trong khu CNC, bao gồm: Máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng... sẽ được miễn thuế.
Khánh Vy
.
.
.