VPBank kỳ vọng nhiều mục tiêu chính 2020 sẽ vượt mức dự đoán đặt ra từ đầu năm
Tiếp tục kiểm soát hiệu quả nợ xấu và rủi ro tín dụng, kiên định chiến lược tăng trưởng bền vững
Kết thúc quý III năm 2020, mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất tại VPBank đạt 16,50%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34%, ở mức tốt so với trung bình ngành, tạo nền tảng sẵn sàng cho cú bật tăng trưởng ở các phân khúc bán lẻ trong thời gian tới. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được duy trì ở mức dưới 3% trong bối cảnh cả thị trường chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó tỷ lệ này tại ngân hàng riêng lẻ giảm từ mức 2,18% cuối 2019 xuống còn 2,01% cuối quý III/2020.
Song song với việc giảm dần tỷ lệ nợ xấu, ngân hàng cũng gia tăng chi phí dự phòng hợp nhất thêm 14,4% so với cùng kỳ (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC), tỷ lệ này ở ngân hàng riêng lẻ đạt gần 30%, cho thấy ngân hàng luôn sẵn sàng với “bộ đệm” dự phòng nợ xấu để ứng phó với các tác động của dịch bệnh.
Chủ động tối ưu hóa bảng cân đối trong bối cảnh thị trường tiếp tục diễn biến thuận lợi
Tuân thủ theo chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thời tận dụng lợi thế thanh khoản tốt trong quý III, VPBank đã chủ động cấu trúc bảng cần đối, giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ở mức từ 1-2%, giúp cải thiện đang kể chi phí vốn (COF).
Bên cạnh đó, VPBank tiếp tục hợp tác với IFC, gần đây nhất là khoản vay trị giá 100 triệu USD với giá hợp lý, tạo thuận lợi cho việc tối ưu chi phí vốn trung dài hạn.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng đạt mức ấn tượng, 15,60%, tăng mạnh so với mức trung bình 12-13% đạt được hồi cuối năm 2019 và cuối quý II vừa qua. Kết quả này phản ánh VPBank đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động dài hạn với mức giá hợp lý, góp phần tối ưu hóa bảng cân đối.
Các tỷ lệ an toàn đều được duy trì ở mức tốt. Tỷ lệ Dư nợ tín dụng trên Tổng vốn huy động (LDR) đạt mức 67% (giới hạn của NHNN là 85%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức tốt, 27,8%, thấp hơn nhiều so với mức tối đa NHNN cho phép là 40%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại ngân hàng hợp nhất tiếp tục được duy trì ở mức hơn 11%, mức khá cao so với yêu cầu tối thiểu 8% theo Basel II, đảm bảo “mức đệm vốn” được duy trì đủ tốt cho ngay cả trường hợp kịch bản xấu nhất của dịch bệnh có xảy ra.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) vẫn ở top cao nhất thị trường, lần lượt đạt mức 21,8% và 2,5%.
Lợi nhuận vượt kế hoạch quý nhờ kiểm soát hiệu quả chi phí vận hành song song với tăng trưởng doanh thu tốt
Tổng doanh thu (TOI) hợp nhất sau 9 tháng đạt 28,3 nghìn tỷ (tăng 7,6%), riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ. Tính riêng trong quý III, TOI của ngân hàng riêng lẻ đã đạt gần 5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 8% so với quý II), thể hiện nỗ lực của ngân hàng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát lần thứ hai tại Việt Nam.
Thu nhập từ phí của ngân hàng mẹ (NFI) tăng trưởng gần 36%, đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng NFI trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 13,2% lên 15,1% so với cùng kỳ, tiếp tục chỉ ra chỉ tiêu này là động lực tăng trưởng của VPBank.
Cùng góp phần vào tăng trưởng doanh thu là thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro với con số hợp nhất tuyệt đối sau 9 tháng đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 24%), và ghi nhận tăng trưởng đột phá tại FE Credit (công ty con 100% vốn của VPBank) với mức tăng 30,3% so với cùng kỳ.
Không chỉ đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu, VPBank đã nỗ lực rất lớn trong việc kiểm soát chi phí hoạt động (OPEX), bao gồm số hóa tối đa các khâu vận hành, từ việc ứng dụng dữ liệu lớn (big data) trong phê duyệt tín dụng, đến đánh giá mức độ rủi ro và chăm sóc khách hàng trên đa kênh nền tảng số, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng thân thiện nhất với người dùng thông qua công nghệ. Tháng 7 vừa qua, VPBank trở thành ngân hàng đầu tiên tuân thủ mọi quy định về eKYC (mở tài khoản không tiếp xúc), cho phép khách hàng sở hữu tài khoản thanh toán và thực hiện được ngay các giao dịch trong vòng vài phút.
Số lượng khách hàng số (digital user) tại ngân hàng mẹ đã đạt gần 1,7 triệu vào cuối quý III, tương đương tăng 33% so với cuối 2019. OPEX ngân hàng hợp nhất, theo đó, đã giảm tổng cộng 5,7%, chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm, thể hiện sự quyết tâm của ngân hàng trong việc quản lý sát sao chi phí hoạt động nhằm kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) ở ngân hàng hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ, từ 34,7% xuống còn 30,4%, với mức 9 tháng tại ngân hàng mẹ được ghi nhận còn 32,3% và tại FE là 28,4%.
Với hàng loạt sản phẩm đa dạng hóa doanh thu được triển khai đồng bộ, kết hợp với chính sách kiểm soát và tối ưu hóa chi phí hoạt động một cách hợp lý, lợi nhuận trước thuế thu được sau 9 tháng của VPBank đã đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất.
Cuối tháng 7 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đánh giá các chỉ số xếp hạng tín nhiệm của VPBank tiếp tục giữ nguyên ở triển vọng ổn định. Tổ chức này đánh giá cao tiềm lực vốn của VPBank, khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động cao hơn mức trung bình ngành ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Moody’s nhận định kết quả kinh doanh của VPBank thể hiện bảng cân đối đã được tối ưu hóa, đảm bảo các tỷ lệ an toàn và tài sản có thanh khoản tốt. Có thể nói, quyết định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm với VPBank đã phản ánh đúng những nỗ lực duy trì một nền tảng vững chắc, nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và hiệu quả của ngân hàng.
Kết quả kinh doanh khả quan đạt được sau 9 tháng hoạt động đã một lần nữa khẳng định VPBank tiếp tục là ngân hàng cổ phần thuộc top đầu thị trường, cả về mặt quy mô lẫn hiệu quả hoạt động. Với việc dịch Covid-19 tiếp tục được Chính phủ kiểm soát tốt như hiện nay và với các dấu hiệu chuyển biến tích cực từ thị trường, ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng hoạt động kinh doanh cả năm 2020 của VPBank sẽ đạt kết quả khả quan và nhiều mục tiêu chính sẽ vượt mức dự đoán đặt ra từ đầu năm.