Tuyển dụng trực tuyến là “cứu cánh” cho không ít lao động
- Hơn 10 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng chờ người lao động
- Kinh nghiệm xin việc từ follow fanpage tuyển dụng lớn nhất Việt Nam
Trong bối cảnh này, các trung tâm dịch vụ việc làm ở nhiều địa phương đã nỗ lực giải quyết bài toán việc làm cho người lao động trong mùa dịch. Trong đó, giải pháp tuyển dụng trực tuyến đã phát huy hiệu quả, phần nào giải quyết được việc làm cho hàng nghìn lao động.
Lợi cả đôi bên
Ngay sau khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát sau kỳ nghỉ Lễ 30-4 và 1-5, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã dành hẳn một không gian để làm nơi phỏng vấn trực truyến cho người lao động và doanh nghiệp.
Chia sẻ trong lúc chờ tới lượt phỏng vấn, anh Nguyễn Quang Hợp (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh đã làm vận chuyển được 10 năm nay, đường xá trên địa bàn toàn TP Hà Nội hoàn toàn thông thuộc. Chính vì thế, mỗi khi đi tìm việc làm, anh thường ứng tuyển vào các vị trí việc làm này.
“Cuối năm 2020, mình phải nghỉ việc, đầu năm 2021, tìm kiếm công việc mới, mình cũng đã phỏng vấn trực tuyến và được đi làm luôn ở Công ty nước Vital. Sau đó dịch bùng phát trở lại đầu tháng 5, công việc lại bị gián đoạn do bị cắt giảm nhân sự. Mấy hôm nay mình đang tìm kiếm một công việc mới và hôm nay được hẹn để phỏng vấn. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, giải pháp phỏng vấn online thế này là hợp lý. Vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, đơn vị tuyển dụng mà còn giải quyết được bài toán việc làm cho người lao động”, anh Hợp cho hay.
Tuyển dụng trực tuyến là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh dịch COVID-19 đang căng thẳng hiện nay. |
Cũng bị cắt giảm nhân sự do doanh nghiệp khó khăn đầu năm 2021, Nguyễn Thu Trà, nhân viên một công ty cổ phần bánh kẹo chia sẻ, sau vài tháng ở nhà và nhận trợ cấp thất nghiệp, Trà quyết định đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tìm cho mình một công việc mới nhưng làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 lại ập tới khiến cho việc tìm kiếm công việc mới của Trà gặp không ít khó khăn.
“Tôi đã nộp hồ sơ trực tuyến ở một số công ty suốt mấy tuần qua nhưng đều không có hồi âm. May mắn là vừa rồi tìm hiểu từ Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội và tiếp tục nộp hồ sơ thì có hai công ty cho biết hồ sơ của tôi được chọn. Phía công ty đã thông báo không thể phỏng vấn trực tiếp trong tình hình dịch bệnh hiện nay nên sẽ phỏng vấn online. Khi nào phỏng vấn sẽ báo trước. Công việc đang ngày càng khó khăn nên mong muốn lớn nhất của người mất việc như tôi là sẽ sớm tìm được cho mình một công việc mới phù hợp", chị Trà chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển dụng lao động. Mặc dù đang có nhu cầu tuyển dụng gần 100 lao động vào làm việc ở các vị trí thủ kho, kế toán, công nhân, tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến cho công việc tìm kiếm lao động của Công ty cổ phần Vietthai Food vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang căng thẳng.
“Các ứng viên có thể nộp hồ sơ trực tuyến. Phần phỏng vấn sẽ được thực hiện online. Với hình thức phỏng vấn online thế này, tôi thấy sự kết nối sẽ được nhiều hơn. Sau đó, các ứng viên sẽ nộp lại hồ sơ qua mail, để chúng tôi tiếp nhận và kiểm tra. Khi đó sẽ phỏng vấn online một lần nữa xem công việc có phù hợp hay không”, chị Nguyễn Thị Dung, phụ trách bộ phận tuyển dụng của Vietthai Food cho biết.
Tăng cường kết nối online
Hiện Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội có 15 sàn giao dịch vệ tinh đặt tại các quận huyện trên địa bàn thành phố. Các sàn vệ tinh này đã hoạt động liên tục suốt thời gian qua. Dù số lượng tuyển dụng của các doanh nghiệp thời gian qua có giảm nhưng trung bình mỗi ngày các sàn cũng kết nối được cho hơn 100 người lao động với hơn 20 đơn vị tuyển dụng và vẫn đảm bảo giãn cách trong lúc dịch bệnh phức tạp.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trước dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 như nhóm ngành thương mại, dịch vụ và du lịch. Thời điểm đó, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này khoảng 35- 40%, đến thời điểm này, vẫn có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng đã có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành sản suất lại tăng lên.
Do đó, ông Thành cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ phải tăng cường kết nối với các doanh nghiệp nhóm ngành sản xuất để bù lại sự sụt giảm của các nhóm ngành dịch vụ. “Các doanh nghiệp không có điều kiện tham gia phỏng vấn trực tiếp hoặc trực tuyến được, chúng tôi có thể lập danh sách người lao động trên cơ sở dữ liệu chúng tôi thu thập được, sau đó, chúng tôi sẽ cung cấp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phía người lao động cũng vậy.
Theo khảo sát nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất như: dệt may, da giày, linh kiện điện tử, cơ khí đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh phỏng vấn trực tuyến ở nhóm ngành sản xuất trực tiếp để giúp người lao động sớm tìm được việc làm”, ông Thành cho biết.
Dù là phương án tuyển dụng tối ưu trong bối cảnh hiện nay nhưng ông Thành cũng cho hay, việc kết nối cung cầu qua hình thức online chưa đạt được hiệu quả cao như việc kết nối trực tiếp. Tuy vậy, số lượng lao động tìm được việc làm qua hình thức này cũng đang có những dấu hiệu tích cực hơn.
Để hình thức tuyển dụng trực tuyến này đạt hiệu quả cao hơn, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu và sàng lọc kỹ các hồ sơ ứng tuyển được gửi đến, sắp xếp thời gian phỏng vấn phù hợp và linh động hơn trong yêu cầu tuyển dụng. Về phía người lao động cần trang bị thêm những kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp và hồ sơ online đầy đủ, cụ thể…