Trăn trở cùng doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế

Thứ Sáu, 27/03/2015, 09:34
Trách nhiệm và vinh dự cho chúng tôi, những cán bộ An ninh được đồng hành cùng Đoàn doanh nhân, doanh nghiệp trong Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ năm 2015, diễn ra từ ngày 15 đến 17/3, tại thành phố Boston, Hoa Kỳ.

Chứng kiến gian hàng Việt Nam với 16 doanh nghiệp tham gia, được bài trí hài hòa, trang trọng, cùng nhiều loại sản phẩm thủy, hải sản trưng bày khá bắt mắt, hứa hẹn một kỳ hội chợ thành công. Và các doanh nhân, thoạt nhìn thật khó nhận ra, vì trên suốt hành trình bay dài, họ “lủi thủi”, như muốn ẩn mình trong đa số hành khách người Âu, nhưng đến hội chợ, họ toát lên vẻ thanh lịch, đầy bản lĩnh khi giao tiếp, làm việc với khách hàng từ nhiều nước trên thế giới.

Hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa của dân tộc, con người Việt Nam khi tự tin so tài với 1.113 gian hàng của hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự hội chợ, họ hòa nhập vào bầu không khí thân thiện, hoành tráng của ngày hội giao lưu, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng mua bán các mặt hàng thủy, hải sản cùng các loại vật tư, thiết bị phục vụ nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản… của triển lãm quốc tế lớn được tổ chức thường niên này.

Chúng tôi, những cán bộ An ninh có dịp hòa đồng để cảm nhận, thấu hiểu và phần nào chia sẻ cùng các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều vận hội, nhưng cũng đầy thách thức, rủi ro trên dặm trường bôn ba xứ người để tham gia tiến trình hội nhập quốc tế theo đường lối phát triển kinh tế mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Vững bước trên con đường hội nhập, nhưng vẫn còn đó những ưu tư, trăn trở của đội ngũ những người trong cuộc.

Sự đóng góp của các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trên lĩnh vực xuất khẩu thủy, hải sản vào tổng thu nhập của nền kinh tế quốc dân (GDP) hằng năm là rất to lớn, rất đáng trân trọng.

Chỉ tính riêng năm 2014, họ đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước được gần 8 tỷ USD, trong đó, mặt hàng tôm xuất khẩu đã thu về gần 4 tỷ USD. Ngoài việc tạo công ăn, việc làm cho hàng triệu người lao động, những thành tựu to lớn mà họ nỗ lực đạt được đã tích cực góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vượt lên bao khó khăn, thách thức, họ đến với thương trường quốc tế đầy sóng gió. 

Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường ví von “thương trường” là “chiến trường”, vì thế, việc làm này của họ đáng được ghi nhận, tôn vinh. Họ chính là những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa. Sự hiện diện của họ trên thương trường quốc tế không phải chỉ vì cá nhân, gia đình, mà còn vì thương hiệu, danh dự, niềm tự hào của đất nước, con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

Tuy hiểu biết về họ chưa thật sâu sắc, toàn diện, chúng tôi vẫn nhận ra còn không ít băn khoăn, trăn trở theo đuổi họ trên suốt hành trình cũng như ở hội chợ quốc tế danh tiếng này. Làm sao sàng lọc cho được giữa cái hỗn độn của hội chợ để tìm ra được những đối tác, khách hàng tin cậy, khả thi trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt về giá cả, chất lượng, mẫu mã với các quốc gia có thế mạnh về hàng thủy, hải sản xuất khẩu, như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… trong khi đồng đô la tăng giá mạnh, các đồng ngoại tệ khác lại giảm giá và biên độ dao động tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam với đồng đô la Mỹ thay đổi không đáng kể?

Khi đã tìm được đối tác, ký kết được hợp đồng, họ lại lo làm sao có được hàng hóa bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng, giao được hàng đúng thời gian theo hợp đồng! Rồi mong khi giao hàng không bị đối tác từ chối, không bị phạt vi phạm, bị hủy hợp đồng; lo thanh toán sao cho thuận lợi, không bị chậm, không bị lừa đảo. Thôi thì bộn bề thứ lo! 

Cùng với đó, lại mong muốn được Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách bảo hộ, tạo môi trường an ninh, đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, nhất là chính sách thuế, hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, chế biến và xuất khẩu; tìm kiếm thị trường, xác định đối tác tin cậy; can thiệp để tháo gỡ các rào cản thương mại phi lý, luật chống bán phá giá của nước ngoài; được sự cởi mở, trách nhiệm, cùng đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước; sự đồng thuận của các doanh nghiệp thủy, hải sản quyết tâm loại bỏ bằng được tư duy, lối làm cũ manh mún, chụp giật, gian lận, cạnh tranh không lành mạnh… 

Trên cơ sở đó, xây dựng cho được niềm tin chiến lược với khách hàng bốn phương, uy tín, thương hiệu các mặt hàng xuất khẩu thủy, hải sản nói riêng và hàng xuất khẩu Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Đồng cảm, chia sẻ với những băn khoăn, mong muốn rất chính đáng của các doanh nghiệp, doanh nhân thủy, hải sản tham gia hội chợ, chúng tôi - những cán bộ An ninh kinh tế trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp không khỏi chạnh lòng bởi bên cạnh những thành tựu, đóng góp quan trọng, tích cực, lúc này, lúc khác, đơn vị này, địa phương kia vẫn có việc làm chưa thật công tâm, trách nhiệm trước nhiệm vụ bảo vệ an ninh kinh tế mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Một số bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông - ngư nghiệp nói chung, kinh tế thủy, hải sản nói riêng chưa được tham mưu, kiến nghị bổ sung, sửa đổi phù hợp, kịp thời để tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đúng pháp luật cho các doanh nghiệp, doanh nhân. 

Vẫn còn một số tổ chức, cá nhân lạm dụng chức quyền, lợi dụng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nông - ngư nghiệp nói chung, kinh tế thủy, hải sản nói riêng của Đảng, Nhà nước để sách nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng. 

Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản, nhất là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, giành độc quyền sản xuất để độc quyền chi phối giá về con giống, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… dẫn đến nguy cơ buộc người sản xuất phải lệ thuộc, đẩy giá thành lên cao, làm ảnh hưởng xấu đến lợi ích, đời sống người lao động và năng suất, chất lượng các mặt hàng thủy, hải sản xuất khẩu chưa được ngăn chặn có hiệu quả. 

Hiện tượng bơm, chích tạp chất, nước vào tôm nguyên liệu tuy chỉ là cá biệt nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính cũng như uy tín, thương hiệu mặt hàng thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc tranh mua, tranh bán tôm nguyên liệu giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, với thương lái nước ngoài và thương lái người Việt bị nước ngoài đứng sau thao túng bằng mọi giá đã làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu thủy, hải sản, trong đó có nguồn nguyên liệu tôm của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; việc cạnh tranh không lành mạnh, thiếu thống nhất giá bán các mặt hàng thủy, hải sản giữa các doanh nghiệp Việt Nam cho phía đối tác nước ngoài… là nguyên nhân để doanh nghiệp nước ngoài ép giá, phá giá…, gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế của đất nước.

Chia tay hội chợ, trên suốt chặng đường cùng đoàn về nước, những băn khoăn, trăn trở vẫn theo mãi chúng tôi, bởi còn đó những việc chúng ta cần chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân trong chuỗi giá trị sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững mặt hàng thủy, hải sản xuất khẩu, phục vụ phát triển kinh tế nông - ngư nghiệp, thế mạnh của Việt Nam và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thê - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp (Tổng cục An ninh - Bộ Công an)
.
.
.