Tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp: Nỗ lực tìm tiếng nói chung

Thứ Bảy, 09/05/2020, 07:10
Gói hỗ trợ tín dụng giảm lãi suất và cơ cấu nợ của ngành ngân hàng đang được triển khai và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp (DN). Nhiều DN nhờ dòng vốn này đã trụ lại được trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không ít DN gặp khó khi tiếp cận gói tín dụng này.


Gần 1 triệu tỷ đồng giảm lãi suất 1%

Chuỗi cửa hàng bánh ngọt và đồ uống Paris Gateaux đã gần như phải đóng cửa hoàn toàn cả tháng nay do dịch bệnh. Không có doanh thu, hơn 500 lao động, cộng với khoản vay cả trăm tỷ đồng khiến cho DN này lao đao. Nhưng trong lúc gian nan ấy, DN đã được nhận được đồng thời cả việc giãn nợ cùng với giảm lãi suất từ phía ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Paris Gateaux Việt Nam cho biết: "Các ngân hàng đã hỗ trợ chúng tôi rất kịp thời, họ chủ động phối hợp với chúng tôi để triển khai các chính sách miễn giảm lãi suất rồi cơ cấu lại nợ, đúng vào lúc chúng tôi kiệt quệ, khó khăn nhất".

Cũng là một DN được vay vốn ưu đãi, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Hà cho hay, với dư nợ tương đối lớn, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, DN đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn thu.

“Trong lúc chưa biết xoay sở thế nào, ngân hàng đã cử cán bộ xuống nhà máy đánh giá khó khăn của DN để có giải pháp tháo gỡ. DN phấn khởi đã nhận được sự chia sẻ, đồng hành của ngân hàng”, ông Thể chia sẻ. Còn đối với Công ty Hướng Xanh (Hà Nội), thay vì hàng tháng phải trả 40 triệu đồng cả gốc và lãi thì nay, công ty chỉ phải trả một nửa. Không những vậy, ngân hàng còn tiếp tục xem xét cho DN này được vay mới để trợ giúp duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn.

Ngân hàng giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với DN.

Số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tính đến cuối tháng 4, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170 nghìn khách hàngvới dư nợ xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ khoảng 29 nghìn tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 318 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng trên 980 ngàn tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất tới 2,5% và trên 4% cho khách hàng); cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho khoảng 150 ngàn khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 (thời điểm Thủ tướng công bố có dịch) đạt trên 500 nghìn tỷ đồng.

Nếu tính trung bình trong gần 1 triệu tỷ đồng đã được các TCTD hạ lãi suất 1% thì lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay giảm ít nhất 100 nghìn tỷ đồng, và các DN là đối tượng được hưởng số tiền này để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Hai bên cùng chia sẻ trách nhiệm

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng may mắn được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất và cơ cấu nợ như trên. Trong hơn 700 nghìn DNNVV, đại đa số đều đang rất khó khăn khi tiếp cận vốn ưu đãi. Những vướng mắc này đến từ việc phía ngân hàng yêu cầu các DN phải đáp ứng các tiêu chí để vay vốn, trong đó có điều kiện bắt buộc phải chứng minh khó khăn vì dịch bệnh.

Quan điểm của ngành ngân hàng là cắt giảm thủ tục hành chính chứ không hạ chuẩn tín dụng để tránh nợ xấu. Giải thích về chủ trương này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định hệ thống ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn tín dụng này, các chương trình hỗ trợ đều đến từ tiền gửi của người dân và chính DN, nên trách nhiệm đầu tiên của các TCTD là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn để đảm bảo an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây. Hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế”, Thống đốc cho biết.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng việc nhiều DN kêu chậm được ngân hàng cơ cấu nợ, chậm tiếp cận gói 300.000 tỷ đồng có lẽ là tương đối nóng vội. “Rõ ràng, vấn đề này đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực nhiều hơn để tìm tiếng nói chung. Ví dụ, để hưởng ưu đãi giãn nợ, giảm lãi vay 1-2%, DN nên thiện chí chứng minh sự thiệt hại bởi COVID-19, chứ không nên coi đó là điều kiện, là thủ tục ngân hàng đưa ra để làm khó.

Ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN, họ phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không, sau này, ngân hàng sẽ bị quy trách nhiệm khi thanh, kiểm tra. Chưa kể, ngân hàng huy động tiền gửi của người dân, nên cho vay cũng phải thận trọng để bảo toàn vốn”, TS Lực nói.

Đại diện phía DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng phân tích: “Ở đây có bài toán lợi ích cộng sinh giữa ngân hàng và DN. DN khỏe thì ngân hàng khỏe, DN yếu thì ngân hàng cũng khó khăn. Tinh thần đồng hành và chia sẻ là rất quan trọng. Vì vậy, dòng vốn tín dụng dứt khoát phải đảm bảo tiếp sức nhanh và kịp thời cho các DN có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Để làm được điều này cần quy trình, quy chế minh bạch, đề cao trách nhiệm của 2 bên, cần có sự trợ giúp, giám sát, thúc đẩy của các Hiệp hội và các tổ chức liên quan”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng nguồn vốn không nhiều nên trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, rất cần sự hỗ trợ, tương tác 2 chiều. DN đưa ra những khó khăn của mình phải đúng và minh bạch thông tin để các ngân hàng trực tiếp cho vay nhìn thấy. Còn những DN nào có ý định ỷ lại, trục lợi và thụ động thì không nên.

Cùng quan điểm, ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cũng khuyến nghị những DNNVV chưa có kế hoạch tốt “hậu dịch” thì không nên vay ngân hàng vì khoản vay này sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ và sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng.

Cần đa dạng hóa nguồn vốn

“Bên cạnh việc vay vốn từ các TCTD, DN nên tìm nguồn vốn trung và dài hạn trên thị trường vốn, như vậy sẽ đa dạng hóa được nguồn vốn, giảm phụ thuộc và áp lực vào vốn ngân hàng. Việc DN còn ít sự chủ động, thói quen tìm kiếm các dòng vốn trung và dài hạn xuất phát từ thực trạng còn hạn chế của thị trường tài chính tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong Nghị quyết 01 năm 2020, Chính phủ đã đặt ra vấn đề này như là một trong các mục tiêu trọng tâm, ưu tiên để cải thiện và thị trường vốn cũng đã có những bước tiến nhất định để đáp ứng nhu cầu đầu tư của DN” - ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam.

Hà An
.
.
.