Tín dụng tăng, doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được vốn

Chủ Nhật, 07/08/2016, 09:47
Dư nợ tín dụng doanh nghiệp tăng 14%, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, và tình trạng sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bết bát.

TS Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: từ năm 2014 đến nay, dư nợ tín dụng của các DN không ngừng tăng trưởng và hiện nay đang duy trì ở mức khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. 

Tính đến thời điểm 31-5-2016, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đối với DN tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực DN tư nhân chiếm tỷ trọng dư nợ tín dụng lớn nhất, 75%, và tốc độ tăng trưởng dư nợ nhanh nhất 18%. 

Tỷ lệ nợ xấu của DN có xu hướng giảm, năm 2015 giảm 14% so với năm 2014. Với nguồn vốn huy động dồi dào, các TCTD đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất và dịch vụ tốt hơn.

Tín dụng tăng, vậy dòng vốn đó chảy đi đâu, ai được hưởng những ưu đãi từ phía các ngân hàng… là câu hỏi mà ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN đặt ra. Thực tế này, chính DN đã phản ánh trong rất nhiều các cuộc hội thảo để mong tìm được biện pháp tháo gỡ.

Đại diện một DN đang triển khai dự án khu sinh thái nghỉ dưỡng cho người cao tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội cho biết dự án đất do thành phố cấp 50 năm, và 1 phần đất mua thêm sổ đỏ đứng tên người chủ DN. Bản thân Tổng cục Du lịch đánh giá đây là dự án an sinh xã hội. Những năm 2011 – 2012, công ty đã từng tiếp cận vốn ngân hàng trong biên độ vay lãi suất lên tới 24%. 

Và để giữ hình ảnh đẹp thì DN phải vay  để trả nợ, nên ngắc ngoải, dẫn đến phát sinh nợ. Nay DN tiếp tục tìm đến ngân hàng để vay tiền, mong đưa được dự án đi vào hoạt động nhưng gặp khó khăn. 

Lý do thứ nhất, với phần đất 50 năm thuê theo quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường, trả tiền theo năm nên không thể vay thế chấp được vốn ngân hàng, trong khi theo yêu cầu của ngân hàng, phải thanh toán tiền một thể. Lý do thứ hai, DN có nguyện vọng đưa phần đất có sổ đỏ để vay dưới dạng thế chấp nhưng cũng bị lắc đầu.

Tương tự, Công ty cổ phần Cọc bê tông đúc sẵn Thăng Long  (Cụm công nghiệp Đồng Lạc, Nam Sách, Hải Dương) bị khách hàng chiếm dụng 5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa đòi được. Do đó, công ty phải mắc nợ ngân hàng Đông Nam Á với số tiền tương ứng. 

Ngân hàng Đông Nam Á đã từ chối cho vay và trả lời là: DN muốn được tiếp tục vay vốn để sản xuất-kinh doanh  thì phải trả nợ hết ngân hàng và sau đó làm ăn có hiệu quả trong vòng từ 3 năm trở lên mới được tiếp tục xét cho vay. Điều kiện ngân hàng đưa ra như vậy, trong khi DN này lại đang có rất nhiều hợp đồng sản xuất cần vay thêm vốn để thực hiện hợp đồng. Nếu tình trạng này không được tháo gỡ thì chắc chắn DN sẽ rơi vào bế tắc và bị phá sản.

Ông Lê Tất Thành đến từ Bắc Giang, là 1 trong 62 nhà nông sáng chế không chuyên nghiệp, là nhà nông thành lập DN, có những sản phẩm do mình chế tạo ra như máy tuốt lạc, máy sạ lúa. Sản phẩm đã được thị trường chứng minh tính khả thi. 

“Tôi là DN công nghiệp phục vụ nông nghiệp, mong muốn tiếp cận vốn từ quỹ phát triển DNNVV để mở rộng sản xuất, mong muốn được quỹ chú ý” – ông Thành nói.

DN kêu khó, vậy các nhà băng nói gì? Đến từ khối hỗ trợ vốn DNNVV của Vietinbank , ông Trần Tú cho biết, có thể do lịch sử của DN nên ngân hàng rất khó khăn với những trường hợp có nợ xấu. Hay cụ thể như với trường hợp xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng, mảng này đã được nhắc đến nhưng chưa được triển khai nhiều. Do vậy phía ngân hàng cần phải cẩn trọng đánh giá lại tính khả thi của dự án.

Thừa nhận tình trạng DNNVV khó tiếp cận vốn là có thật, ông Đặng Quyết Tiến chỉ ra nguyên nhân là do sức khỏe nội tại của DN, DN không có tài sản đảm bảo. 

Khó khăn lớn nhất trong việc vay vốn đối với DNNVV là tính minh bạch, hệ thống báo cáo tài chính chưa được các DN thực sự quan tâm nên số liệu phản ánh chưa chính xác, chưa được kiểm toán, thiếu tin cậy, vì vậy TCTD thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn của DNNVV. Những vấn đề từ nội tại nêu trên đã dẫn tới các DNNVV chưa đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật và quy trình quản trị rủi ro tại các TCTD.

 Ngoài ra, cũng theo ông Tiến, hiện nay thị trường vốn chưa phát triển, nên hệ thống ngân hàng chịu nhiều áp lực vốn, các TCTD còn gặp khó khăn trong khâu thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh của DN; khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ vay do thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý kéo dài, cách thức xử lý chậm trễ của các cơ quan có thẩm quyền...

Trên thực tế, trong 2 năm trở lại đây, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp cũng như thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ, một số ngân hàng cũng đã chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn của DN cam kết cung cấp các sản phẩm tín dụng phù hợp. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó trường kỳ với DNNVV.

Nhóm PV
.
.
.