Tìm “lời giải” cho những vụ đình công tập thể

Thứ Bảy, 12/08/2017, 08:59
Thành phố Hải Phòng có hàng ngàn doanh nghiệp (DN), trong đó có các DN 100% vốn nước ngoài, sử dụng hàng trăm ngàn người lao động (NLĐ).

Bên cạnh các DN thực hiện nghiêm túc qui định của Bộ luật Lao động và đáp ứng những thỏa thuận đã cam kết về quyền lợi đối với NLĐ, vẫn còn khá nhiều trường hợp vi phạm, không hoặc chưa thực hiện đầy đủ những yêu cầu đó, dẫn đến nhiều vụ đình công tập thể, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố cũng như uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của chính các DN này.

Điển hình là ngày 16-4-2017 vừa qua, 2.000 công nhân Công ty TNHH giày Arora (100% vốn Đài Loan, trụ sở tại xã Thiên Hương, huyện Thuỷ Nguyên) đã đồng loạt nghỉ việc tập thể gây đình trệ sản xuất. Tiếp đó, ngày 18-4-2017, khoảng 5.000 công nhân Công ty TNHH Sao Vàng đóng tại huyện An Lão cũng đình công tập thể, gây tắc nghẽn giao thông nhiều tuyến đường; mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cả 2 cuộc đình công trên cùng chung một mục đích yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện các điều khoản đã cam kết với NLĐ về thu nhập, giờ làm...

Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất giày. Ảnh minh họa.

Gần đây,  ngày 1-8-2017, trên 400 cán bộ, công nhân Công ty TNHH-Phú Dụ (DN sản xuất giày xuất khẩu), trụ sở tại thị trấn Tiên Lãng cũng tổ chức đình công tập thể. Nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công này là do công ty chưa thực hiện các qui định của Bộ luật Lao động.

Cụ thể như: mặc dù đã đi vào hoạt động từ tháng 4-2017 nhưng công ty chưa ký hợp đồng với NLĐ; chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ; chưa xây dựng thang lương để đăng ký với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; chưa có nội qui cũng như ký những thỏa ước lao động tập thể, chưa đảm bảo những quyền lợi hợp pháp khác của NLĐ; thời gian làm thêm giờ nhiều… Chính từ những nguyên nhân này làm NLĐ bức xúc, nên đã tự ý nghỉ việc để phản đối.

Chị Trần Minh T và một số công nhân làm việc tại Công ty TNHH-Phú Dụ cho biết: Khi chúng tôi mới được tuyển vào làm việc, phía công ty hứa sẽ ký hợp đồng lao động, đảm bảo mọi chế độ về bảo hiểm và các quyền lợi khác... Tuy nhiên, sau một thời gian dài, mặc dù tập thể công nhân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chủ doanh nghiệp yêu cầu thực hiện các cam kết, song vẫn không được họ đáp ứng.

Đỉnh điểm dẫn đến việc chúng tôi đình công là do những bức xúc từ việc tăng ca quá nhiều giờ so với qui định, trong khi đó công ty không có máy dập thẻ chấm công, không công khai, minh bạch trong việc chấm công…

Trước tình trạng trên, DN đã nhiều lần đối thoại với NLĐ, song vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Chỉ đến khi các ngành chức năng của TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng tổ chức làm việc với DN và NLĐ thì chủ DN mới cam kết đáp ứng ngay những nguyện vọng cơ bản của NLĐ như: Sẽ ký HĐLĐ, tham gia đóng các loại bảo hiểm cho NLĐ từ 1-8-2017, thời gian làm việc 8h/ngày; được nghỉ 4 ngày/tháng; hưởng nguyên lương vào các ngày lễ, Tết; thời gian làm thêm tối đa 4h/ngày; hưởng 15.000 đồng tiền ăn trưa/bữa… và các chế độ khác như đã cam kết với NLĐ. Sau đó NLĐ tại đây đã trở lại làm việc.

Qua một số vụ NLĐ đình công cho thấy, nhiều đòi hỏi chính đáng của họ chưa được nắm bắt và giải quyết kịp thời. Về phía NLĐ khi có nhu cầu phát sinh cần liên hệ, phản ánh kịp thời với các tổ chức công đoàn cơ sở và cấp trên, yêu cầu bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.

Về phía các DN, để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tránh xảy ra các vụ đình công, nghỉ việc tập thể, chủ DN cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với NLĐ theo qui định của Bộ luật Lao động cũng như tôn trọng những thỏa thuận đã cam kết với NLĐ về các quyền lợi mà NLĐ được hưởng trong quá trình làm việc tại DN.

Văn Thịnh
.
.
.