Thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực sản xuất

Chủ Nhật, 26/04/2015, 11:25
Ngày 25/4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2015. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Các thành viên Chính phủ nhận định: Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, các cân đối kinh tế lớn được bảo đảm. Lạm phát 4 tháng tăng 0,04%. Kinh tế tiếp tục phát triển tích cực ở tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng, 4 tháng tăng 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 10%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt  4,2 tỷ USD, tăng 5%; vốn ODA giải ngân đạt hơn 550 triệu USD, tăng 11,4%. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nổi lên một số hạn chế, khó khăn như nhập siêu gia tăng, có thể sẽ tạo sức ép lên tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế; số lượng khách du lịch tháng 4 tăng so với tháng trước nhưng tính chung cả 4 tháng lại giảm; tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là hạn hán gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ; việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn… 

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực, nhưng không được chủ quan, đặc biệt khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp. “Tinh thần chung là tiếp tục nỗ lực, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm. Chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2015 với các cơ sở cho thấy nếu quyết liệt thì khả năng đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2015 là khả thi” -  Thủ tướng phát biểu.

Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xuất hiện khó khăn nào cần tập trung xử lý.

Kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều muộn 25/4, phiên họp báo Chính phủ cũng đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. 

Trả lời câu hỏi về công tác quản lý, sử dụng hơn 1.000 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội được phản ánh là thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng “liên doanh, liên kết”, cho thuê để trục lợi, Bộ trưởng cho biết, theo báo cáo của TP Hà Nội và Bộ Tài chính, đến nay còn khoảng 200 cơ sở nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích được giao (trong đó, 60 cơ sở cho thuê, cho mượn; 5 cơ sở liên doanh liên kết không đúng quy định; 90 cơ sở bố trí làm nhà ở đan xen trong khuôn viên cần phải di dời; còn lại là các cơ sở sai phạm khác như bị lấn chiếm, bố trí cho các đối tượng khác sử dụng...). Đối với các trường hợp này, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.  Đồng thời, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại TP Hồ Chí Minh và trong Quý II/2015 sẽ thực hiện trên địa bàn TP Hà Nội, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý.

Đề án quy hoạch báo chí đến 2020 đang trong quá trình xem xét lần cuối trước khi ban hành

Một nội dung rất được quan tâm tại phiên họp báo lần này chính là đề án quy hoạch báo chí. Trả lời lý do đề án không được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết Bộ này đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, và đây là văn bản “cá biệt” nên cơ quan soạn thảo đã tiến hành lấy ý kiến của các Bộ, ngành, các cơ quan chủ quản, các tỉnh thành... 

Nhấn mạnh vai trò của báo chí cũng như sự lớn mạnh trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết đây là quy hoạch phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân trong cả nước. Quá trình xây dựng đề án quy hoạch là rất dài, triển khai qua rất nhiều cấp, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất sát sao. 

Cụ thể, đến tháng 7/2013 Bộ Thông tin & truyền thông đã xây dựng xong dự thảo, đến 25/11/2013, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp và cho ý kiến về dự thảo và đã có Thông báo kết luận số 437 ngày 15/12/2013 về kết luận của Thủ tướng về cuộc họp cho ý kiến về đề án. Ngoài việc tổ chức các Hội thảo khoa học cả ở phía Bắc và phía Nam, với sự quan trọng, nhạy cảm của đề án nên Ban cán sự Đảng Chính phủ cũng đã trình Bộ Chính trị 2 lần và đã trình ra Trung ương. 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết cơ bản Trung ương nhất trí về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm  và nội dung định hướng trong đề án này. Đề án đang tiếp tục được điều chỉnh theo ý kiến góp ý của Bộ Chính trị, Trung ương và trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ xem xét ban hành và sẽ có kế hoạch để quán triệt tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch. Hiện đề án đang được xem xét lần cuối trước khi Thủ tướng ký ban hành.

Sau Metro, đến lượt Honda bị phạt vì trốn thuế

Cũng tại phiên họp lần này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã tiết lộ thông tin việc Honda Việt Nam đã bị phạt 182 tỷ đồng thuế, sau khi những vi phạm của doanh nghiệp này bị phát hiện qua hoạt động thanh tra của Bộ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một khoản khá lớn DN chưa chấp hành, do vậy Bộ Tài chính đang phải thực hiện các biện pháp pháp luật để xử lý trường hợp này.

Vũ Hân
.
.
.