“Thúc” cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước bằng cách nào?

Thứ Bảy, 22/12/2018, 08:40
Trước thực trạng các DNNN vẫn ì ạch trong tái cơ cấu, đã rất nhiều cuộc họp, hội nghị được tổ chức để bàn thảo, thậm chí một “siêu ủy ban” ra đời để quản lý vốn Nhà nước tại DN. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ cũng như toàn hệ thống chính trị trong công cuộc tái cơ cấu DNNN.


Xử lý nghiêm các vi phạm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu

Trăn trở trước tiến độ tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc nhở, đốc thúc, chỉ thẳng những hạn chế của DNNN. Thủ tướng cho biết, mục tiêu tới năm 2020, đổi mới DNNN, phấn đấu hoàn thành thoái vốn tại các DN, xử lý dứt điểm những công trình kém hiệu quả. Vì vậy, đối với các DN có khả năng không hoàn thành kế hoạch CPH do lý do khách quan, cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết. Cần phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác CPH, thoái vốn. Có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.

Chỉ ra những yếu kém, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra phải hết sức chặt chẽ, theo đúng quy định, mỗi năm một lần để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. “Cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán cũng phải chấn chỉnh phần mình, chứ không phải lúc nào cũng thanh tra kiểm tra, không ai dám làm việc cả. Xử lý vi phạm nhưng không kìm hãm sự phát triển. Đặc biệt cơ quan chức năng phải củng cố niềm tin của DN, nhà đầu tư, của thị trường”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, DNNN nghiêm túc quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. “Gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN. Chúng ta phải quyết tâm tăng cường quản lý, quyết không để tình trạng sân trước, sân sau", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đặc biệt lưu y,á Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phải thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tại 19 tập đoàn, tổng công ty đã bàn giao. Đặc biệt, về sắp xếp bộ máy, nhân sự trong các DNNN khi tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu: “Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà”… 

Tại Hội nghị “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các bộ, ngành cần chủ động cùng các DNNN đề xuất, hoàn thiện thể chế tháo gỡ khó khăn cho DN, như tăng cường quyền tự chủ của DN, các vấn đề trong đầu tư phát triển, sử dụng vốn, xử lý vấn đề liên quan đến đất đai…

Các bộ, ngành kinh tế cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để xây dựng chiến lược phát triển của các DN phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực, quốc gia. Cùng với đó, cần nâng cao tiềm lực của DNNN, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và nâng cao sức cạnh tranh của DNNN, đáp ứng yêu cầu DNNN là một công cụ kinh tế của Nhà nước. Ngoài ra, các DNNN cần chủ động hợp tác với các đối tác lớn ở bên ngoài…

Từ cơ quan quản lý trực tiếp, Bộ Tài chính cũng đã ra một loạt những giải pháp quan trọng như tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại DN; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các DN chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần.

Gắn kết quả tái cơ cấu DNNN với đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngoài ra, Bộ này cũng cho rằng cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, CPH, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và DN có vốn nhà nước.

Hậu cổ phần hóa không thể là “bình mới rượu cũ”

Phía các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài các giải pháp để thúc CPH, thoái vốn, họ còn lo những vấn đề tồn tại “hậu CPH”. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên chỉ ra sau CPH, DN đã có cơ cấu vốn mới nhưng đội ngũ lãnh đạo hầu như vẫn là những người cũ. Quản trị DN sau CPH là đặt trong quá trình nền kinh tế chuyển đổi, không thể theo một mô hình hay theo sách vở nào được nữa. Do vậy thách thức đặt ra là làm sao quản lý để DNNN hậu CPH hoạt động hiệu quả.

Góp ý cụ thể hơn, TS Cấn Văn Lực cho rằng, kỹ năng quản trị DNNN sau cổ phần đang bộc lộ điểm yếu. Trong khi thế giới có hai cấp độ quản trị DN, đó là không cần Ban kiểm soát hoặc có Ban kiểm soát nhưng kiểm soát độc lập, kiểm soát cả thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), thì tại Việt Nam, hầu hết DN có Ban kiểm soát nhưng Ban kiểm soát thuộc HĐQT, không có nhiều quyền hạn và yếu kém năng lực kiểm soát. Vai trò của Ban kiểm soát chủ yếu hoạt động kế toán và khá mờ nhạt.

Vẫn theo ông Cấn Văn Lực, nguyên tắc quản trị DN của Việt Nam cũng có nhiều vấn đề như vai trò của các nhà đầu tư hạn chế. Các DN cũng không tuân thủ nguyên tắc công bố và minh bạch thông tin. Trong khi tiêu chuẩn của WB, OECD thì cổ đông nhỏ phải có sự công bằng trong các quyết sách như các cổ đông đa số, còn ở Việt Nam, các quyết sách vẫn nằm trong tay cổ đông lớn, thậm chí quyền lực tập trung vào một người là Chủ tịch HĐQT…

Riêng đối với vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN dẫn tới đòi hỏi phải cải cách.  Song có hai thách thức lớn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, đó là, Ủy ban này khoác áo cơ quan Nhà nước nhưng tinh thần lại phải hoạt động như một nhà đầu tư có tính chuyên môn cao và chuyên nghiệp cao.

Thứ hai, là cơ quan nhà nước nhưng với những đòi hỏi cao như vậy phải cơ chế nào khuyến khích Ủy ban có nhân sự tốt, chuyên gia tốt. Công việc của Ủy ban sẽ rất nhiều, rất nặng nề, vượt qua thách thức này, trước mắt rất cần sự nỗ lực.

“Trước nay, chúng ta quản lý DNNN theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra. Điều này vô tình đã khoác lên cho DN cái áo chật chội, trong khi lại không đề cập tới cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới DNNN là quản trị tốt. Sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN dẫn tới đòi hỏi phải cải cách. Đây mới là mấu chốt để góp phần cải thiện vấn đề tái cơ cấu, đổi mới DNNN”, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

* "Các DN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến động thị trường. DN không thích ứng được với thị trường thì thay lãnh đạo", ông Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các DN.

Hà An
.
.
.