Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: Khó cán đích đúng kế hoạch

Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:10
4 năm, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái đượcc 42% vốn đầu tư ngoài ngành. Hạn chót đang đến gần, chỉ còn chưa đầy 2 tháng, kế hoạch đề ra là phải thoái gần 60% số vốn còn lại, tương đương với 16.200 tỷ đồng. Với tốc độ này, xem ra, dù có “vắt chân lên cổ” chạy, việc thoái vốn cũng khó cán đích đúng kế hoạch.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, tính từ ngày 26-11-2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm mà các tập đoàn, tổng công ty cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Lũy kế số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm từ năm 2012 đến 20-10-2015 mà các DNNN đã thoái được là 9.866 tỷ đồng (bằng 42% số cần phải thoái cuối năm 2011). Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, lĩnh vực ngân hàng tài chính là 9.112 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 6.078 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng. 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, ngoại trừ các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng (Oceanbank, VNCB), thì đa số các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều bảo tồn được số vốn ban đầu.

60% số vốn phải thoái trong vòng 2 tháng- đó thực sự là một cuộc chạy đua nước rút cực kỳ khó khăn đối với ngành tài chính, cũng như bản thân các DNNN. Khi được hỏi, hầu như chuyên gia kinh tế nào cũng lắc đầu cho rằng việc thoái hơn 16.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành trong thời gian khoảng 2 tháng là một nhiệm vụ rất gian nan và khó đạt mục tiêu.

Doanh nghiệp nhà nước thoái vốn: không vì “chạy” tiến độ mà làm thất thoát vốn Nhà nước.

Bởi vậy, câu chuyện đặt ra lúc này có lẽ không phải là tiến độ thoái vốn mà là tính hiệu quả. Ông Nguyễn Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp-Bộ Tài chính cho biết, theo nguyên tắc chỉ đạo của hội nghị Trung ương và Nghị quyết Quốc hội là thoái vốn phải có kế hoạch theo lộ trình cụ thể, đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả cao nhất. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta không thoái vốn bằng mọi giá, bán rẻ vốn nhà nước, vì đây là vốn của nhân dân giao Chính phủ, DNNN quản lý, sử dụng. 

Chính Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng đã khẳng định tại Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN mới đây: Thoái vốn phải có lộ trình, không thể để thất thoát vốn nhà nước. Những khoản vốn nào đầu tư vào các DN mà càng để càng lỗ không thể xử lý được thì phải bán càng nhanh càng tốt. Có DN để tái cơ cấu lại rồi bán thì không mất vốn, thậm chí còn thu lợi cao hơn, thì không nhất thiết phải thoái bằng mọi giá.

Từ phía cơ quan thực hiện, Bộ Tài chính cho biết tiến độ cổ phần hóa hiện đang rất khẩn trương, con số có thể thay đổi rất nhiều trong thời gian tới. “Tuy nhiên, việc hoàn thành kế hoạch không quan trọng bằng chất lượng cổ phần hóa. Mục tiêu đặt ra trước đó là để các bộ, ngành quyết tâm phấn đấu. Cốt lõi là phải thay đổi tư duy lãnh đạo sau cổ phần hóa, có thể phải thay đổi nhân sự, chấp nhận nguyên tắc thị trường, phải đăng ký trên thị trường chứng khoán để thị trường giám sát. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tham mưu để đưa chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện quyết toán. Đồng thời, sẽ lên danh sách các đơn vị chậm cổ phần hóa, yêu cầu các đơn vị thấy vướng mắc ở đâu phải báo cáo tới cấp có thẩm quyền để tìm hướng xử lý”, ông Nguyễn Quyết Tiến thông tin.

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cũng cho biết thêm: để đẩy nhanh tốc độ thoái vốn, mới đây, Bộ Tài chính đã tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề về việc thoái vốn DNNN đầu tư ngoài ngành. Trong đó, đáng chú ý, Bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty phân loại các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản theo nguồn vốn để phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện thoái vốn khi thị trường cho phép. Với thị trường chứng khoán, thị trường này hiện nay chưa sôi động, mặt khác, chủ trương đẩy nhanh cổ phần hóa các DN nên lượng cổ phiếu bán ra thị trường nhiều, nếu cứ bán ồ ạt ra thị trường bằng mọi giá thì DN sẽ mất vốn, các nhà đầu cơ có cơ hội để thâu tóm DN. 

Được biết, theo dự kiến, ngày 2-12, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đấu giá trên 10.7 triệu cổ phần tại SaigonBank với giá khởi điểm là 9.756 đồng/cổ phần, tương đương 3,49% vốn điều lệ của ngân hàng này. Nếu chào bán thành công toàn bộ cổ phần, Saigontourist sẽ thu về xấp xỉ 105 tỷ đồng. 

Trước đó, Tổng công ty Khí Việt Nam PV Gas cũng đã đăng ký thoái toàn bộ 8,23 triệu cổ phần SeABank với giá 10.167 đồng/ cổ phần ngay trong quý IV/2015 nhằm thực hiện quyết định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhằm tái cơ cấu PVGas. 

“Theo quy định, số tiền thu từ thoái vốn các khoản đầu tư ra ngoài DN sau khi trừ đi giá trị vốn đầu tư, chi phí chuyển nhượng và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, số tiền còn lại (nếu có) được xác định vào thu nhập hoạt động tài chính của DN”, ông Tiến cho biết.

Lệ Thúy
.
.
.