Thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ngành logistics
- Cấp bách xây dựng trung tâm logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long
- Logistics chưa đuổi kịp phát triển của thương mại điện tử
- Phát triển logistics để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa
Theo Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ KH&ĐT), cả nước có khoảng 3.000 DN tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong số đó 70% có trụ sở ở khu vực TP Hồ Chí Minh và có khoảng 30 DN logistics đa quốc gia.
Các DN đa quốc gia chiếm thị phần đáng kể do có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu nên có nhiều lợi thế so với các DN cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.
Trong khi đó, thế mạnh của các DN logistics Việt Nam là đầu tư - khai thác cảng biển, vận tải đường bộ, đại lý thủ tục hải quan và đầu tư-khai thác kho.
Ngành logistics phát triển nóng nhưng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động. |
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg, các chính sách liên quan đến các hoạt động logistics đã có thay đổi theo hướng tạo thuận lợi cho DN hoạt động.
Việc bổ sung sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và việc thực hiện Nghị quyết 19-2007/NQ-CP của Chính phủ về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và hoạt động logistics.
Thương mại điện tử và công nghệ thông tin - tiền đề cho logistics phát triển mạnh mẽ thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Gần 100% việc nộp thuế của DN đã thông qua hình thức điện tử, trên 90% khai báo hải quan xuất nhập khẩu được tiến hành bằng phương pháp điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia gồm hệ thống VNACCS (thông quan tự động) và hệ thống VCIS (cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ)...
Ngoài ra, việc ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, sẽ thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ, qua đó tạo tiền đề cho hoạt động logistics phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Dịch vụ logistics gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu, chính vì vậy kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018 hơn 243 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 và kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 482 tỷ USD là cơ hội của dịch vụ logistics.
Bên cạnh tăng nhanh của xuất khẩu là việc mở rộng sản xuất công nghiệp và thị trường vận chuyển nhanh hàng hóa tiêu dùng phát triển, nhất là vận tải hàng đông lạnh và hoa quả xuất khẩu (là một trong những dịch vụ logistics tiềm năng nhất của Việt Nam). Kết cấu hạ tầng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ,tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dịch vụ logistics.
“Ngành logistics hiện đang phát triển nóng và rất tốt, tốc độ phát triển hằng năm trên 10%. Hiện nay logistics đang đóng góp vào GDP cả nước khoảng 5%”, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều DN logistics than phiền thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực.
Bà Trần Thị Hạnh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Mai Hân chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là lao động trong ngành dịch vụ logistics rất yếu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành. Vì thế, hầu hết lao động DN tuyển dụng xong đều phải đào tạo lại”.
Một số DN cho rằng, DN chấp nhận trả lương cao nhưng vẫn rất khó tuyển dụng lao động từ phổ thông cho đến trình độ cao. Ông Lê Duy Hiệp cũng thừa nhận hiện có đến 70% DN ngành logistics rất thiếu nguồn nhân lực và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực từ các nhân sự quản lý cấp cao đến lao động phổ thông. Kỳ vọng trong thời gian tới, khi đã có sự “bắt tay” giữa các DN và trường học để đào tạo nguồn nhân lực logistics, thì sẽ giải quyết phần nào bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực này.
Theo VLA, giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh và đến năm 2039, con số sẽ là 2 triệu lao động.
Nhằm để phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam, ngày 14-2-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%(hiện nay, khoảng 35-40%, nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự phối hợp, hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu); chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt từ 50 trở lên. |