Tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất

Thứ Tư, 03/06/2020, 08:41
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực dệt may, sợi, thủy sản, đồ gỗ mỹ nghệ, dăm gỗ… có quy mô vừa và nhỏ phải chịu nhiều thiệt hại. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện các giải pháp cấp bách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất trở lại.

Theo thống kê của Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế, trên địa bàn tỉnh có khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và 6 khu công nghiệp (KCN) gồm: Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh. Trong đó, chỉ tính riêng ở KCN Phú Bài có hàng chục nhà máy của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, sợi, dệt may, dăm gỗ… 

Từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp, nhà máy ở KCN này buộc phải đóng cửa; một số doanh nghiệp hoạt động theo kiểu cầm chừng. 

Đến đầu tháng 6-2020, phần lớn các nhà máy tại KCN Phú Bài đang dần khôi phục hoạt động sản xuất trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Lãnh đạo một công ty dệt may đóng tại KCN Phú Bài cho biết, công ty có hơn 10 chuyền may hoạt động với khoảng 600 lao động. Nếu năm 2019, Công ty tiêu thụ khoảng 2 triệu sản phẩm may mặc các loại với doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng thì từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch COVID-19 khiến hợp đồng hàng hóa ngưng trệ, tình hình sản xuất của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề. 

Anh Nguyễn Công Lợi, công nhân Công ty Sản xuất sợi tại KCN Phú Bài trao đổi rằng, trước đây trung bình mỗi tháng thu nhập của anh khoảng 6 triệu đồng thì trong đợt dịch COVID-19, công ty cho công nhân nghỉ 2 ngày/tuần nên thu nhập chỉ còn 4,5 triệu đồng. Hiện hoạt động sản xuất của công ty đang dần trở lại bình thường khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt nên người lao động rất phấn khởi.

Nhiều doanh nghiệp dệt may ở Thừa Thiên-Huế ổn định sản xuất trở lại sau dịch.

Tại KCN Phong Điền, Công ty Scavi Huế là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu. Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty Scavi Huế gặp không ít khó khăn vì bị hoãn đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất. 

Ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế cho hay, thời điểm nửa cuối tháng 3-2020 là giai đoạn Công ty gặp khá nhiều khó khăn khi các đơn hàng xuất sang Mỹ, châu Âu không xuất khẩu được; nhiều dây chuyền may không có việc làm nên Công ty buộc phải thay đổi kế hoạch sản xuất, bố trí cho một số công nhân nghỉ việc luân phiên. 

Sang đầu tháng 4-2020, Công ty ký được các hợp đồng xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn với số lượng trên 250 triệu sản phẩm. Hiện 100% nguyên liệu sản xuất khẩu trang đều nhập từ các nhà máy trong nước nên Công ty luôn chủ động nguồn hàng. 

“Công ty có hơn 6.000 lao động gắn bó với các nhà máy may từ khi mới thành lập nên dù khó khăn đến đâu, doanh nghiệp cũng phải nghĩ cách để nhà máy duy trì hoạt động, người lao động phải có việc làm, đặc biệt là trong thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh COVID-19 như hiện nay”, ông Mỹ bày tỏ. 

Tại KCN Phú Đa (thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang), Công ty CP Dệt may Thiên An Phú và các doanh nghiệp dệt may vẫn duy trì hoạt động sau khi chuyển dịch các đơn hàng sản xuất áo quần thời trang sang áo quần bảo hộ y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn, bảo đảm công việc cho hơn 4.000 lao động trong giai đoạn dịch COVID-19. 

Hiện tất cả các đơn hàng sản xuất áo quần xuất khẩu sang Mỹ đều được các doanh nghiệp ở KCN này đóng gói và lưu kho theo yêu cầu của đối tác, đợi dịch COVID- 19 tại Mỹ chấm dứt, các cửa hàng thời trang mở cửa trở lại mới tiếp tục xuất khẩu hàng hóa.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quý I-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 150 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 110 triệu USD, giảm 7,3%. 

Dịch COVID-19 đã tác động đến hầu hết các ngành và lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, xây dựng, doanh nghiệp FDI, dự ước thiệt hại đến nay lên đến 6.500 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trước những khó khăn của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài chính sách hỗ trợ theo chủ trương của Trung ương, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương. 

Theo đó, tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm mức thu đối với 22 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-l9. 

Đến cuối tháng 5-2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 682 doanh nghiệp được các ngân hàng tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ với dư nợ được cơ cấu 821 tỷ đồng; 2.118 khách hàng được miễn, giảm lãi; 1.212 khách hàng được vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay là 3.739 tỷ đồng.

Anh Khoa
.
.
.