Tập trung phát triển kinh tế tư nhân tạo động lực phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 12/03/2021, 17:18
Chiều 12/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, kinh tế tư nhân nước ta có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển nên cần sự hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện để phát huy. Cần đặt ra câu hỏi là vì sao doanh nghiệp tư nhân, thường có quy mô nhỏ và vừa, vẫn gặp những rào cản, vướng mắc gì để nhận diện, tháo gỡ... Cơ quan quản lý phải đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên hết, tập trung giải phóng, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nội lực thông qua nâng cao sức đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của kinh tế tư nhân. 

Mỗi đơn vị, cán bộ cần tự giác làm tốt trách nhiệm, thay đổi tư duy quản lý theo hướng kiến tạo, cởi mở để góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, đây là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết và phải đáp ứng càng kịp thời càng tốt; đặc biệt là xét trong bối cảnh hiện đang có một số cơ hội tốt để doanh nghiệp tận dụng như các hiệp định thương mại tự do (FTA), cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự dịch chuyển chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, cần xác định rõ thực trạng doanh nghiệp tư nhân đang vướng gì, cần gì.

Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế,

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, để phát triển nền kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế nhiều chuyên gia cho rằng cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết, hệ thống phân bổ nguồn lực của nhà nước cần cải cách theo hướng tập trung dành nguồn lực cho những doanh nghiệp, dự án nào có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần tiếp tục tham vấn, theo dõi và tổng hợp tình hình nhằm đề xuất các nhóm giải pháp một cách thỏa đáng, phù hợp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. 

Qua đó, Chính phủ có thể xem xét, cân nhắc các giải pháp cũng như có thể có chương trình hành động cụ thể...“Cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau”, ông Phan Đức Hiếu đề xuất

Lưu Hiệp
.
.
.